Ngày 3/10, trên mạng xã hội, tài khoản facebook L.K.H đã chia sẻ câu chuyện về công việc “hái ra tiền” của cậu bé Châu A Giằng, 10 tuổi ở thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Không giống như những bạn đồng trang lứa ở miền núi lấy việc bán hàng cho khách du lịch hay làm thuê… để kiếm thêm thu nhập mà công việc của Châu A Giằng là “biểu diễn” hút thuốc lào tại một góc phố nhỏ ở Sapa mua vui cho du khách, sau đó em sẽ nhận được tiền từ những “thượng đế” này.
Tài khoản facebook L.K.H cho hay: “Châu A Giằng biết hút thuốc từ năm 7 tuổi. Đây không đơn thuần là “thú vui” mà chính là công việc kiếm ra tiền của Giằng. Khách du lịch trả tiền để xem em hút thuốc. Họ coi việc chứng kiến cảnh một cậu bé lên 10 rít thuốc lào thuần thục là trò tiêu khiển vô cùng hấp dẫn và thú vị. Và rồi Giằng kiếm được tiền thông qua việc “mua vui” đó“.
“Em rất bất ngờ khi thấy tôi không hề rút ví trả tiền cho màn biểu diễn vừa rồi của mình. Khi được tôi hỏi rằng bố mẹ em có biết việc ngày nào em cũng hút thuốc thế nào không, em trả lời rằng bố mẹ em hoàn toàn ủng hộ, miễn là nó kiếm ra tiền. Bình thường người ta vẫn gọi Sapa là thành phố mờ sương, nay mới thấy nó còn quyện khói, thứ khói độc hại đang ám quyện vào cuộc sống hiện tại,và có lẽ là cả tương lai của những đứa trẻ nơi này”, tài khoản này bình luận.
Ngay sau khi đăng tải, bài viết của tài khoản L.K.H được diễn đàn hơn 1 triệu thành viên chia sẻ lại. Chưa đầy một giờ đăng tải, câu chuyện về cậu bé Châu A Giằng thu hút hơn 3000 lượt like (thích), chia sẻ và bình luận của cộng đồng mạng. Đa số ý kiến cho rằng vì cuộc sống mưu sinh nên trẻ em vùng cao phải tiếp xúc với công việc từ rất sớm và sẵn sàng bất chấp sức khỏe để có tiền trang trải.
Độc giả Nguyễn Huỳnh Anh Huy bình luận: “Tiền thay đổi cuộc sống, tốt hay không lại do lối suy nghĩ của người muốn có. Mấy năm nữa “rát” phổi khò khè, vài đồng mua vui bây giờ cũng không trả lại được thời gian sức khỏe của em. Lối suy nghĩ thiển cận trước mắt từ những người thân với dân trí thấp, gián tiếp biến một phần vẻ đẹp tự nhiên thuộc về Sa Pa biến chất. Thương thì thương, giận thì giận, do đời sống mở ra đi lên quá nhanh nhận thức k theo kịp mà xương trắng phơi núi rừng“.
“Chắc chắn cậu bé chưa biết tác hại như thế nào với tương lai. Người lớn thì xem đó là thú vui tiêu khiển, một nền du lịch cần định hướng lại“, là ý kiến của độc giả Nguyễn Chiến.
Ngay sau khi câu chuyện được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, phóng viên đã liên hệ với tài khoản facebook L.K.H để tìm hiểu sự việc. Tài khoản này cho hay bức ảnh được chụp tại thị trấn Sa Pa vào ngày 27/9/2016. Cháu bé tên Châu A Giằng hành nghề hút thuốc lào kiếm tiền được 3 năm. Bố của Giằng là Châu A Tính, người dân tộc Mông, bán hàng ngoài chợ, còn mẹ ở nhà làm công việc nội trợ. Bố mẹ cậu bé rất ủng hộ cậu làm công việc này.
Tài khoản L.K.H chia sẻ: Châu A Giằng xin tiền rất khéo như đấm lưng cho du khách, phủi quần, bám theo hay chìa tiền người khác đã cho để xin người chưa cho tiền. Được biết, Giằng được khách du lịch dậy hút từ năm 7 tuổi”.
“Khi chứng kiến câu chuyện này, cảm giác đầu tiên là thấy tức khi du lịch còn quá nhiều mặt trái và ý thức của khách du lịch còn hạn chế. Tôi cũng buồn cho tương lai cậu bé; muốn thay đổi nhưng không có cách nào”, tài khoản L.K.H than thở.