Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn

Trên con đường thuộc khu Quận 5, mọi người đã quen thuộc với hình ảnh chiếc xe xôi nhỏ trên vỉa hè nhưng luôn tấp nập người mua. Đằng sau chiếc xe xôi ấy là một đôi vợ chồng đã hơn 30 năm gồng gánh, nâng niu.

Gần nửa thế kỷ đi bán “thời gian” 

Sài Gòn tờ mờ sáng là hình ảnh của những gánh, xe bán đồ ăn khắp các “ngang cùng, ngõ hẻm”. Người lớn ăn sáng đi làm, trẻ con ăn sáng đi học và những “kẻ mộng mơ” cũng ăn sáng để bắt đầu một ngày mơ mộng mới. Trên con đường lớn ở khu Quận 5 có một hình ảnh rất đỗi thân thuộc, đó là chiếc xe xôi luôn kín người vây quanh và thường xuyên hết veo sau 2 tiếng đồng hồ bán hàng. Những gói xôi nhiều màu sắc và giản dị ấy như một nét vẽ, làm đẹp thêm bức tranh sớm mai đầy rực rỡ của thành phố này.

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 1

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 2

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 3

Những người quen mua xôi ở đó đã đủ lâu để biết chủ nhân của chiếc xe nhỏ ấy là một đôi vợ chồng già, ông Long và bà Mai. Chiếc xe đã trải qua 2 đời chủ, đời đầu tiên, chiếc xe xôi thuộc sở hữu của mẹ bà Mai, sau đó hai ông bà thừa hưởng cái nghề này. Ngót ngét cũng đã hơn 40 năm ròng, vợ chồng ông bà gắn bó với nó. Chiếc xe chỉ bán 3 loại xôi đơn giản: xôi dứa, đậu đen và xôi bắp nhưng loại nào cũng có màu sắc và hương vị riêng. Không đơn giản chỉ là món ăn, suốt ngần ấy năm trời, ông bà đã dồn hết cả tâm sức của mình vào đó, dù mỗi gói xôi chỉ có giá 5 ngàn đồng.

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 4

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 5

Ông Long năm nay đã 75 tuổi còn bà Mai cũng bước sang tuổi 64 - gần nửa thế kỷ bán “thời gian” qua những gói xôi truyền đến tay người Sài Gòn, đủ để đếm những nhịp phách chuyển mình của thành phố này như một nhân chứng của thế kỷ.

Cứ đều đặn như một dòng sông

Khi chúng tôi hỏi ông bà về công việc nấu xôi khi đã lớn tuổi như vậy, bà chỉ nói: “Tụi tui cũng có con cái, 5 đứa lận. Nhưng mình còn sức thì còn làm để đỡ phiền con cháu, mỗi ngày bán vầy tui với ổng lời được chừng 100 nghìn. Thì đủ tiền đi chợ, mắm muối thôi.” Sau câu nói đó là một nụ cười hiền lành, không có sự than phiền hay tỏ ra mệt mỏi nào hết dù công việc nấu xôi của hai ông bà hàng ngày đều bắt đầu từ 12h hôm trước. Sự lao động chân chính không có chỗ cho những lười biếng hay tị nạnh, bằng cách đó họ đã nương vào nhau để sống và sống một cách thật đàng hoàng!

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 6

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 7

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 8

Từng ngày miệt mài, cả hạt nếp cũng được chọn lựa - từng sợi dừa cũng được ông bà thức đêm thức hôm để tự tay bào chỉ với lí do như bà nói : “Ngoài chợ người ta muốn lời nhiều nên làm dừa ẩu, dừa hư cũng đập vào rồi nước dừa rớt xuống mớ dừa bào làm dừa bị chua nên tui với ổng tự mua về làm hết.”

Tôi không biết những người trẻ bây giờ đam mê với nghề bao nhiêu, nhưng đôi vợ chồng già này chưa từng nói rằng mình yêu nghề hay đam mê gì nó. Nhưng những gì họ làm đã nói lên tất cả, sự tận tụy và chăm chút suốt chừng ấy năm. Như một dòng sông mải miết chảy xuôi một dòng.

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 9

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 10

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 11

Giữa thời đại của sự bận rộn này, câu chuyện trên là một điều hiếm hoi, bởi đó không chỉ là một bữa sáng ngon, mà qua đó, người ta có thể nhìn thấy cuộc sống vẫn còn có những điều đẹp đẽ.

Như việc một buổi sáng bạn dậy sớm, chạy đến đây sẽ thấy ông bà lui cui đứng cạnh nhau người xúc xôi người thu tiền. Thỉnh thoảng bà lại “càm ràm” ông vì quên “thối” tiền thừa hay quên mang xôi cho khách, nhưng ngay sau đó ông vẫn dành nụ cười hiền hậu cho bà. Nụ cười đó chắc chắn không giống gói xôi có giá 5 nghìn kia, mà nó là vô giá!

Xuôi về nhau rồi dừng lại bên đời 

Ông kể về chuyện tình của mình khi những gói xôi cuối cùng đã bán hết. Người đàn ông với vóc dáng bé nhỏ và đôi mắt thật hiền lành khi nhắc về vợ mình: “Tui với bả chung quê, ở Bình Dương. Xong hai gia đình lên đây lập nghiệp rồi ở cùng xóm rồi quen nhau. Lấy nhau sớm lắm, giờ tụi tui có cháu cố rồi. Nay nó đi học nếu không là nó ra chơi rồi, thấy thương lắm.” - Ánh mắt ông trở nên ấm áp khi nói về gia đình mình.

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 12

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 13

Mỗi ngày chỉ có 2 tiếng bán xôi, nhưng ông bà phải mất gần 10 giờ chuẩn bị, từ những hạt xôi thơm lừng đến muối mè, dừa nạo… Bàn tay ông bà chăm chút từng tí một, khách hàng đến đây phần vì xôi ngon phần vì cảm giác được nâng niu từng gói xôi. Ai cũng vội nhưng chẳng “hối” nhau, mọi người kiên nhẫn đứng chờ đến lượt mình. Có thể như ông bà nói: “Người ta ăn quen rồi nên đến đông, một tuần tụi tui chỉ dám nghỉ một bữa Chủ nhật. Sợ khách họ đến họ trông.”

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 14

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn Ảnh 15

Phía sau chiếc xe nhỏ mỗi buổi sáng này là cả một câu chuyện dài và đẹp. Câu chuyện về tình yêu, sự gắn bó bên cạnh việc lao động chăm chỉ. Những mảnh ghép trong đời rồi sẽ gặp nhau và hoà làm một, nương vào nhau vượt qua giông bão. Xe xôi này có thể không kéo dài mãi mãi hoặc không có sự tiếp nối - không ai biết được điều gì cả. Nhưng, thời điểm người ta có nhau và cùng nhau làm một điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời thì khoảnh khắc đó đã trở thành vĩnh cửu.

Xe xôi gần nửa thế kỷ của đôi vợ chồng già ở Sài Gòn là một trong những bài viết nằm trong tuyến bài đặc biệt về Sài Gòn muôn màu của Tạp chí điện tử Saostar.

Những tình cảm, ký ức - những câu chuyện cảm động và đầy thú vị về Sài Gòn mà bạn có/ biết hay chứng kiến - Hãy gửi qua email: doisong@saostar.vn để cùng chia sẻ cho tất cả mọi người cùng “ấm áp”, bạn nhé!

Vì một Sài Gòn xinh đẹp và phát triển hùng mạnh, chúng tôi chào đón tất cả những người con - những người muốn thuộc về/ yêu mảnh đất này.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Xôi

Được quan tâm

Tin mới nhất