Siêu bão Yagi (bão số 3) được đánh giá là mạnh nhất trong 30 năm qua tại Vịnh Bắc Bộ, có thể gây thiệt hại nặng nề. Vì thế trước khi bão quét qua Hà Nội, người dân đã triển khai nhiều phương án bảo vệ tài sản, trong đó có ô tô.
Và cách dễ dàng nhất mà tài xế áp dụng để bảo vệ xe là đỗ ở nơi kiên cố, có che chắn như trong nhà riêng, hầm tòa nhà, trung tâm thương mại, nhà xe nổi... Nhưng với những người không ở gần bãi đỗ kiên cố gần nhà, cách duy nhất vẫn là đỗ ngoài trời.
Anh Trung Đức (32 tuổi, quê Hưng Yên) chia sẻ với SAOstar: "Mình sinh sống và làm việc tại Long Biên, thường ngày đỗ tại vị trí lề đường, cạnh gốc cây ở gần nhà - nơi đó cho phép cư dân đỗ xe ô tô.
Sáng qua (7/9), bảo vệ khu vực đã hướng dẫn cho tất cả ô tô tránh xa các gốc cây, nhằm tránh rủi ro nếu cây đổ vì bão".
Tuy nhiên hầm khu chung cư mà anh Đức ở đã hết vị trí đỗ xe ô tô nên không thể đưa xe xuống đó. Anh đành mang ra ngoài bãi đất trống nền cao đậu xe với hi vọng mưa lớn, dông lốc không bị cây đổ vào, không bị ngập nước.
"Mình khá ngỡ ngàng khi đánh xe ra tới tơi thấy có rất nhiều tài xế đang loay hoay đậu xe ở bãi đất. Mọi người đều che chắn xe cẩn thận rồi bảo nhau rằng mong xe an toàn vượt qua cơn bão số 3 này.
Sáng nay mình ra lấy xe đi có công chuyện khá ngỡ ngàng khi bãi đất không hề bị ngập nước, xe vẫn an toàn", người đàn ông quê Hưng Yên nói.
Tại một số khu đô thị, chung cư tại Cầu Giấy, Hà Đông... các tài xế cũng xếp xe ngay tại quảng trường - nơi không có nhiều cây xanh, cột điện... nhằm tránh mưa bão. Tất cả đậu xe thẳng hàng, đều tăm tắp tạo nên khung cảnh đẹp trong mùa mưa bão này.
Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai đã có khuyến cáo những việc cần làm sao bão. Theo đó, siêu bão Yagi với cường độ rất mạnh, đã đổ bộ và gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ. Hiện bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Tây Bắc Bộ. Dự báo các tỉnh Bắc Bộ còn mưa lớn sau bão.
Để đảm bảo an toàn, người dân lưu ý các khuyến cáo sau:
- Theo dõi diễn biến của mưa lũ sau bão để chủ động ứng phó.
- Kịp thời sơ tán người tại các khu vực bị ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
- Kiểm tra lại hệ thống điện và các thiết bị trước khi sử dụng; chú ý cây xanh, biển quảng cáo đã bị gió bão làm nghiêng, đổ khi lưu thông trên đường.
- Khắc phục, sửa chữa nhà cửa, hệ thống điện, cấp nước, thông tin.
- Khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất
- Tham gia dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa cơ sở hạ tầng, phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường.
- Thống kê thiệt hại, báo cáo kịp thời, chính xác với chính quyền địa phương.
- Tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng.