Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, trong 3 ngày Tết Mậu Tuất 2018 (theo mốc thời gian đã kể) 1.300 cơ sở y tế trong cả nước đã tiếp nhận 1.949 trường hợp khám cấp cứu do các vụ ẩu đả khiến 6 người thiệt mạng. Tuy nhiên, số lượng thống kê các vụ cấp cứu vì gây gổ đánh nhau cũng đã giảm 16 ca so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, số tai nạn do pháo nổ đã tăng vọt so với 3 ngày Tết Đinh Dậu 2017 với 190 trường hợp đến khám, cấp cứu (106 trường đã xác minh danh tính và địa chỉ cụ thể), không có trường hợp nào tử vong. Con số này tăng 67 trường hợp (54,4%) so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, có 53 trường hợp nhập viện do chất nổ khác, tăng 27 trường hợp (tăng 103,8%) so với 26 ca trong 3 ngày Tết năm ngoái, không có ca tử vong.
Bộ Y tế thông tin thêm, tại các cơ sở y tế tiếp nhận hơn 16.600 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn giao thông, giảm gần 4% so với 3 ngày Tết 2017. Trong đó, gần 10.000 trường hợp nhẹ được xử trí và cho về trong ngày; 5.500 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú.
Số tử vong do TNGT (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 83 trường hợp. Số ca khám cấp cứu do rối loạn tiêu hoá là gần 1.300 trường hợp, trong đó 388 trường hợp là ngộ độc (say) rượu (chiếm 25%), 239 trường hợp do ngộ độc thức ăn tự chế biến, chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm
Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết, tính đến ngày mùng 2 Tết, trên cả nước không ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm nào, không ghi nhận trường hợp nào mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, liên cầu lợn nhập viện, các dịch bệnh khác cũng không ghi nhận ca bệnh…
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trong những ngày Tết, đã bố trí khoảng 350 nhân viên y tế trực cấp cứu và khám, chữa bệnh, bảo đảm tất cả bệnh nhân cấp cứu được khám và điều trị kịp thời.
GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức thông tin, để giải quyết tình trạng bệnh nhân tăng lên đột biến, BV Việt Đức đã phải liên hệ các bệnh viện như BV E, BV Bạch Mai, BV Thanh Nhàn chuyển bệnh nhân, tổ chức 7 bàn mổ cấp cứu, huy động bác sĩ vào làm thêm.