Liên quan đến vụ trao nhầm con tại bệnh viện Đa khoa Ba Vì gây xôn xao dư luận nhiều ngày nay, ngày 13/7, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngày 13/7, lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y của Sở đã có buổi làm việc với BV đa khoa huyện Ba Vì yêu cầu phía bệnh viện phải giải quyết xong trước 20/7.
Bà Hà cho biết, từ tổn thất do sự cố trao nhầm con suốt 6 năm liền, 2 bên gia đình có đề nghị Bệnh viện hỗ trợ một khoản chi phí khoảng 300 triệu đồng.
Tuy nhiên phía BV cho rằng quỹ đền bù rủi ro không đủ chi trả nên 2 bên chưa đi đến thống nhất. Hiện BV đã có công văn gửi TAND huyện Ba Vì xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Cũng theo bà Hà, sau sự cố trao nhầm trẻ tại BV đa khoa huyện Ba Vì, hiện Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn rà soát lại toàn bộ quy trình chuyên môn, kĩ thuật, đặc biệt là quy trình trong ngành sản khoa.
Sự cố trao nhầm trẻ sơ sinh giữa 2 gia đình anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, xã Tây Đằng) và chị Vũ Thị Hương (35 tuổi, xã Phú Sơn) xảy ra từ ngày 1/11/2012. Đến đầu năm nay, 2 gia đình phát hiện ra sự việc sau khi có kết quả xét nghiệm ADN.
Mấy tháng nay, sau khi biết được sự thật con chị đang nuôi Đoàn Nhật M. là con của gia đình anh Phùng Giang Sơn (SN 1990) và chị Hiền (SN 1989, cùng trú tại Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội), chị Hương bị sốc, suy nghĩ nhiều, người gầy rộc đi và hốc hác hơn trước rất nhiều, sút gần 10kg.
Chị Hương kể, chị rất sốc và đến bây giờ bản thân chị vẫn chưa thể tin là sự thật. Chính sự nhầm lẫn trong quá trình trao con tại bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì mà chị đã mất tất cả, từ hạnh phúc gia đình, đến tiền tài, danh vọng…
“Tôi mất cả gia đình, mất cả thanh xuân vì chuyện nhầm lẫn này. Giờ chuyện đến nước này, tôi cũng không nghĩ nhiều nữa, chỉ biết tự dặn mình cố gắng sống vì các con”, chị Hương buồn rầu chia sẻ.
Kể về người chồng cũ, chị Hương nói, trước đây, anh ấy là người rất thương con, nhưng chỉ vì câu chuyện con không giống bố mà thành ra thế này. Anh trách móc chị, mắng chị vì con không giống bố và chị đã giải thích nhiều lần nhưng đều không được chấp nhận.
“Tôi vẫn nhớ khi đó, tôi giải thích rằng trán con giống đằng ngoại, miệng con rất giống miệng tôi… Nhưng chồng chỉ nói 1 câu rằng: Con cô thì chẳng giống cô. Sau câu nói đó tôi không nói gì nữa, chấp nhận nuôi con 1 mình, chấp nhận đương đầu với những tai tiếng, mà không thể minh oan”, chị Hương nói.
Cho đến bây giờ, khi sự việc đã rõ ràng, tưởng rằng người chồng cũ của chị Hương sẽ quay về bù đắp những gì 3 mẹ con trải qua trong suốt những tháng ngày qua, nhưng sự thật lại không như vậy.
“Từ khi phát hiện ra việc nhầm con 6 năm về trước, tôi đã gọi điện cho chồng và gia đình nhà chồng ở Đà Lạt. Tuy nhiên, gia đình nhà chồng không hỏi han, quan tâm đến các cháu nội của mình. Còn đối với chồng cũ, tôi cũng điện thoại trực tiếp và nói việc con không giống bố là do Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì trao nhầm con.
Từ khi thông báo, đến giờ chồng cũ tôi có ra và gặp con ruột của mình là cháu Phùng Mạnh H. (đang được anh Phùng Giang Sơn nuôi dưỡng) 1 lần. Kể từ đó, tôi có tìm nhiều cách liên lạc, gọi điện rất nhiều lần anh ấy mới nhấc máy.
Khi nói về câu chuyện nhầm con, có vẻ anh ấy chẳng quan tâm. Nhiều lần như vậy, tôi thầm nghĩ, nếu đã không cần con thì mình cũng không gọi nữa. Tôi nói ra đây không phải để kể công lao gì, nhưng từ ngày ly hôn đến nay, anh ấy không chu cấp cho hai con một đồng nào”, chị Hương vừa nói, vừa lau vội đi những dòng nước mắt.
Được biết, chị Hương hiện đang làm mọi cách để động viên tư tưởng con, thậm chí hàng ngày còn dạy con đánh vần tên bố mẹ ruột của mình. Tới đây, chị sẽ nghỉ việc ở Hà Nội, về quê sinh sống với hy vọng 2 gia đình gần nhau, các con sẽ nhanh làm quen với gia đình mới của mình.