Bé gái 18 tháng tuổi cũng bị nhiễm HIV
Sáng 13/8, Đoàn công tác của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cùng các đơn vị chức năng của huyện Tân Sơn đã có buổi làm việc tại xã Kim Thượng để làm rõ về việc nhiều người dân sinh sống tại đây bất ngờ phát hiện nhiễm HIV.
Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, ở xã Kim Thượng đã có 2 trường hợp mắc HIV tử vong và nhiều người khác có giấy ra viện với chẩn đoán theo dõi HIV. Cụ thể, ông Hà Văn N. (56 tuổi) vừa qua đời cách đây 4,5 tháng vì bị HIV.
Ông Phùng Quý Mão, Chủ tịch UBND xã Kim Thượng cho biết, xã vẫn chưa nắm được trên địa bàn có bao nhiêu người nhiễm HIV.
“Đến thời điểm này, chúng tôi mới biết một cháu bé ở xóm Chiềng 3 mất tại bệnh viện và phát hiện nhiễm HIV. Cháu bé nhiễm bệnh từ đâu thì địa phương không nắm được. Chỉ biết rằng, trước đó gần nhà cháu có đôi vợ chồng đi làm ăn xa mắc căn bệnh này, cháu bé thường xuyên sang nhà này chơi và sau khi vợ chồng này mất thì cũng phát hiện cháu bị, còn những người khác trong gia đình cháu thì không bị bệnh HIV”, ông Mão nói.
Ngoài 2 trường hợp tử vong vào dịp đầu năm 2018, còn một số người đang được chẩn đoán bị HIV tại xã Kim Thượng. Cụ thể, trong giấy ra viện của chị T. T. T. (SN 1972, ở xóm Chiềng 2, xã Kim Thượng) được khoa PT Ung bướu - Hóa trị liệu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) ghi rõ, chị T. nhập viện ngày 18/5 và ra viện ngày 24/5.
Trong đó, chị T. được chẩn đoán ung thư khoang miệng, HIV, tình trạng người bệnh trước khi ra viện là chưa ổn định.
Chia sẻ với chúng tôi, chị T. cho biết, chị không hiểu mình bị HIV từ khi nào bởi chị không giao du bên ngoài, suốt ngày làm nương rẫy, ở nhà và chăm sóc con cái. Trong gia đình, chồng và hai con đã đi xét nghiệm HIV nhưng đều không bị nhiễm.
Bà H.T.G. (59 tuổi ở xóm Chiềng 3, Kim Thượng) được khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) ghi rõ: Bà G. nhập viện ngày 11/6 và ra viện vào ngày 20/6, chẩn đoán bị viêm phổi - nấm miệng, HIV và đưa phương pháp điều trị là truyền dịch, kháng sinh, kháng nấm, sinh tố, giảm ho.
Ngoài ra còn có anh P. V. Đ. (45 tuổi, xóm Chiềng 3, Kim Thượng) được khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) ghi rõ, anh Đ. nhập viện ngày 9/7 và ra viện vào ngày 20/7.
Anh Đ. được chẩn đoán bị viêm phổi PCP/NTCH, HIV Positive và được đưa phương pháp điều trị là truyền dịch, kháng sinh, bổ não, sinh tố, hạ sốt.
Anh P. V. T. (41 tuổi, ở xóm Tân Lập, Kim Thượng) đi phụ xây ở Hà Nội và bị nhiễm HIV. Cách đây gần một tháng, anh P.V.T có dấu hiệu sốt, viêm phổi nên gia đình đưa lên khám tại Hà Nội. Tại đây, bác sĩ kết luận, anh T. bị mắc HIV.
Chị P. T. Đ. (38 tuổi ở xóm Chiềng 3, Kim Thượng) có con gái là H. N. Q. (18 tháng tuổi) bị nhiễm HIV. Cháu Q. là con gái thứ hai của gia đình, con trai đầu và hai vợ chồng chị không bị nhiễm.
Tuyên truyền, vận động người dân ổn định tinh thần
Về vấn đề này, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Phú Thọ và tiến hành điều tra, nghiên cứu để xác định vụ việc.
Theo TS Hoàng Đình Cảnh, tỉnh Phú Thọ đang thực hiện quán triệt đối với lãnh đạo các cấp tuyên truyền, vận động, tham gia vào ổn định tinh thần, tư tưởng cho nhân dân. Đồng thời tăng cường công tác tư vấn, xét nghiệm, điều trị miễn phí cho tất cả các đối tượng có liên quan để họ có nhu cầu được tư vấn, xét nghiệm ngay.
TS Hoàng Đình Cảnh khẳng định: “Việc xác định quan trọng nhất là nguyên nhân vụ việc. Hiện có hai mũi, một mặt tỉnh đã chỉ đạo công an tham gia, điều tra xác minh. Mặt còn lại, cơ quan y tế đã tiến hành chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với tỉnh làm nghiên cứu chuyên biệt, bao gồm nghiên cứu dịch tễ học và nghiên cứu bệnh chứng để xác định vấn đề.
Tuy nhiên việc này vẫn đang được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng để tránh trường hợp có những nhận định không đúng, ảnh hưởng đến người khác”.
Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV AIDS (Bộ Y tế) cho rằng, khi xảy ra vụ việc, nhiều người dân thường nghĩ đến lý do lây nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm. Giống như trước đây ở tỉnh Bến Tre cũng xảy ra sự việc tương tự, tuy nhiên sau hơn hai tháng vào cuộc, cơ quan chức năng cũng không đưa ra được kết luận do vật chứng là bơm kim tiêm không còn. Đặc biệt không tìm được mối liên quan nào cho thấy bác sĩ đã dùng chung bơm kim tiêm cho nhiều bệnh nhân.