Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Vụ người đàn ông bị xe tải kéo lê hàng trăm mét: Có dấu hiệu của tội giết người

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Theo luật sư Trương Anh Tú, khi xem lại hình ảnh, video clip cùng những thông tin trên mạng cho đến thời điểm hiện tại thì vụ việc bắt buộc phải khởi tố hình sự.

Tài xế cán người đàn ông có dấu hiệu tội giết người

Mới đây, vụ việc lái xe ô tô bán tải Vũ Hoàng Dương (trú tại Hà Nội) điều khiển ô tô bán tải hiệu Madza đã đâm và kéo lê người đàn ông điều khiển xe máy là anh Đỗ Mạnh Đạt (SN 1976, trú tại phường Khâm Thiên, quận Đống Đa) khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, lái xe bán tải có dấu hiệu của tội giết người.

Ô tô bán tải hư hỏng nặng sau khi kéo lê xe máy.

Theo luật sư Trương Anh Tú, khi xem lại hình ảnh, video clip cùng những thông tin trên mạng cho đến thời điểm hiện tại thì vụ việc bắt buộc phải khởi tố hình sự. Mức độ trách nhiệm sẽ dựa vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng nhưng nhẹ nhất cũng bị khởi tố về lỗi vô ý gây ra tai nạn (va chạm giao thông thông thường), nặng sẽ quy vào mức cố ý giết người.

Luật sư Trương Anh Tú.

Luật sư này cho rằng, qua clip có thể thấy rõ, khi lái xe ô tô đang dừng hướng về phía bên phải, người đi xe máy vượt lên ở phía bên trái, lái xe ô tô lại đánh lái sang để va chạm với người này.

“Đó là biểu hiện của sự hung hăng, nhất là khi có thông tin cho rằng giữa hai người đã có va chạm với nhau từ trước. Sau hành động đánh lái là hành vi đạp ga để xe ô tô chồm lên cán vào người đi xe máy, đây là biểu hiện của sự mất kiểm soát về mặt tinh thần. Tới giai đoạn bỏ chạy khi gầm xe vẫn đang kẹt cả người và xe máy, lái xe ô tô này có thể rơi vào trạng thái bị cuống. Nhưng phải khẳng định, việc bị cuống là do tự anh ta đặt mình vào tình huống đó. Không ai ép buộc anh ta phải hành xử như vậy”, luật sư Tú chia sẻ.

Luật sư Tú cho rằng, ở vị trí là người cầm lái ô tô, lái xe phải hiểu được điều trên. Kể cả trong trường hợp lái xe này không có ý định tước đi mạng sống của người đi xe máy, thì anh ta vẫn để hậu quả xảy ra, biểu hiện qua việc tăng tốc trên đường sau khi đâm va vào người khác.

Với quan điểm nói trên, luật sư Trương Anh Tú cho rằng ở trường hợp vừa qua, lái xe ô tô bán tải có dấu hiệu của tội giết người. “Việc nạn nhân không bị mất mạng được cho là quá may mắn, trong hoàn cảnh bị kéo lê trong gầm ô tô suốt quãng đường dài hàng trăm mét như vậy. Tình trạng của nạn nhân là một yếu tố quan trọng để xem xét đánh giá hình phạt vụ án”, luật sư Tú nói.

Người dân hành hung tài xế có bị xử phạt?

Về vụ việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay, dựa vào hình ảnh, video clip cũng như những thông tin được các cơ quan báo chí đưa thì có thể phân tích mức độ lỗi có thể xảy ra hai trường hợp.

Người đàn ông bị thương nặng sau khi bị xe ô tô bán tải kéo lê hàng trăm mét.

Trường hợp thứ nhất, hai xe vô ý va chạm giao thông thì sẽ xét hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260, Bộ luật hình sự năm 2015. Tức là hai phương tiện trên chỉ va chạm giao thông thông thường theo mức độ không mong muốn xảy ra.

Trường hợp thứ hai, nếu hai xe đã có va chạm từ trước, có thể phân tích xe bán tải cố ý đánh lái sang trái quấn cả người và xe máy vào gầm, đồng thời cố tình nhấn ga rất nhanh kéo lê đi (trong khi có thể dừng lại tháo gỡ ra nếu vô ý) nhưng lại bất chấp sự hiểm nguy cho người khác. Trong trường hợp này, tài xế có thể bị quy vào tội Giết người theo điều 123 bộ luật hình sự 2015.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tài xế xe bán tải với nạn nhân, luật sư Thơm cho biết, gia đình bị hại có quyền yêu cầu người gây tai nạn phải bồi thường, khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật. Đồng thời có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan công an cấp quận nơi vụ việc tai nạn xảy ra vào cuộc xác minh và xử lý người vi phạm theo các quy định của BLHS.

Ngoài những phân tích trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng cho rằng, trong vụ việc này, nhiều người dân đã có hành vi hành hung tài xế xe bán tải. Hành vi này là không đúng và có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tài xế này làm đơn.

Nếu xác minh sự việc, cơ quan chức năng cần phải xác định được ai là người chủ mưu, kích động những người khác hành hung và gây hư hỏng cho chiếc xe bán tải. Nếu xác định được, tùy vào mức độ, tính chất để xử lý theo quy định.

“Mọi người phải hết sức kiềm chế, ai cũng có quyền bắt quả tang nhưng cần bình tĩnh không được manh động. Chỉ cần bắt, áp giải hoặc thông báo ngay cho các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Không nên vì bức xúc mà xâm phạm đến tính mạng người khác. Trước đó, nhiều người đã bị xử lý mặc dù tình huống là mình đúng”, vị luật sư đưa ra lời khuyên.

Nếu cơ quan chức năng xác định được những người đã tham gia hành hung và tài xế xe tải có đơn, những người này sẽ bị xử lý tội “Cố ý gây thương tích” theo điều 134 BLHS 2015. Sau khi có đơn, tài xế xe bán tải sẽ đi giám định sức khỏe.

“Nếu sau khi dám định mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11%, những người hành hung có thể sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, luật sư Thơm phân tích.

Điều 123 Bộ luật hình sự quy định về tội giết người:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.Điều 260: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ BLHS 2015

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

5. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?