Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Vụ 'mây mưa' trong quán trà sữa: Cặp đôi có quyền yêu cầu người phát tán video xin lỗi, bồi thường thiệt hại

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Trước sự việc cặp đôi “mây mưa” trong quán trà sữa bị phát tán gây xôn xao dư luận, luật sư Phạm Văn Lượng cho rằng, người phát tán clip “nhạy cảm” có thể bị truy cứu về Tội làm nhục người khác hoặc bị truy cứu về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS 2015.

“Yêu” ở rạp chiếu phim, quán trà sữa, cặp đôi “ngơ ngác” khi bị nhân viên tung clip nóng lên mạng

Mới đây, vụ việc cặp đôi mải mê làm “chuyện ấy” ngay tại quán trà sữa ở TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên khiến dân mạng được phen dậy sóng. Đáng chú ý, theo lời nhân viên của quán nói trong clip, dù người này đã lên tận nơi nhắc nhở nhưng cặp đôi trên vẫn bất chấp để đi quá giới hạn với nhau ngay ở không gian công cộng.

Cặp đôi có hành vi thân mật đi quá giới hạn giữa ban ngày ở quán trà sữa.

Ngay sau khi chia sẻ, đoạn clip trên đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Trước áp lực dư luận, 2 nhân vật chính đã khóa facebook. Tuy nhiên, cơn bão chỉ trích vẫn không dừng lại, thậm chí còn liên lụy đến cả những người vô can khi một cặp đôi khác cũng bị dân mạng nhục mạ vì nhầm họ là nhân vật trong clip kia.

Trước đó chỉ vài ngày, thông tin về việc cặp đôi quan hệ tình dục ngay trên ghế sweetbox ở rạp CGV cũng khiến nhiều người phẫn nộ.

Theo dõi 2 đoạn clip, có thể thấy các cặp đôi đều lợi dụng khoảng không gian vắng vẻ, tối và ít bị để ý ở nơi công cộng để đi quá giới hạn cùng nhau. Nếu như vụ việc ở rạp chiếu phim, ghế sweetbox có vách ngăn riêng tư và đặt ở trên cùng thì tại quán trà sữa, góc quay cặp đôi trẻ làm tình cho thấy địa điểm này khá vắng người. Chính cặp đôi cũng rất bất ngờ, thậm chí còn giật mình khi bị nhân viên quán lên tận nơi bắt gặp và “dằn mặt”.

Dù lên án các cặp đôi gay gắt, nhiều người cũng bày tỏ sự lo ngại khi nhân viên của rạp chiếu phim, quán trà sữa sẵn sàng tung clip nóng của khách hàng lên mạng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.

Trước những vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Văn Lượng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

Cặp đôi bị tung clip có quyền yêu cầu người phát tán video xin lỗi, bồi thường thiệt hại

Liên quan đến vụ việc xảy ra tại quán trà sữa, luật sư Phạm Văn Lượng cho rằng chủ quán cũng có một phần trách nhiệm. Cụ thể, việc tung clip “nhạy cảm” của đôi bạn trẻ lên mạng xã hội không phải do chủ quán thực hiện nhưng lại là nhân viên của quán.

Chủ quán phải có trách nhiệm quản lí, sắp xếp nhân viên trong việc thực hiện các công việc theo hợp đồng làm việc mà họ đã thỏa thuận. Việc chủ quán để nhân viên của mình tung clip lên facebook đã xâm phạm đến quyền hình ảnh, đã xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của cặp đôi nam nữ theo Điều 32, Điều 34 BLDS 2015.

Theo đó, quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân gắn với mỗi cá nhân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, cá nhân được phép sử dụng hình ảnh và cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình. Khi cá nhân đối với hình ảnh bị xâm phạm, cá nhân có quyền bảo vệ quyền nhân thân này của mình thông qua phương thức: yêu cầu Tòa án ra quyết định liên quan bao gồm buộc chủ thể vi phạm hoặc liên quan phải: thu hồi, tiêu huỷ, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh; bồi thường thiệt hại”, luật sư Lượng nói.

Luật sư Lượng cho rằng, việc đưa clip “ái ân” của cặp đôi trẻ tại quán trà sữa hay rạp chiếu phim lên mạng xã hội, bị cộng đồng mạng lên tiếng chỉ trích dữ dội, thậm chí có những lời lẽ xúc phạm, điều này đã xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của hai bạn trẻ.

Theo quy định của BLDS 2015, danh dự, nhân phẩm là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Khi danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị xâm phạm, họ có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ các thông tin gây ảnh hưởng xấu đến mình. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng phương tiện thông tin đại chúng đó.

Theo đó, cặp đôi trẻ có quyền yêu cầu người đưa clip của mình lên facebook công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Thiệt hại ở đây được xác định là thiệt hại về tinh thần khi danh dự, nhân phẩm của họ bị xâm phạm. Thiệt hại về tinh thần không thể xác định cụ thể bằng các đơn vị đo lường, nhưng bản thân người bị thiệt hại không phải chứng minh cho yêu cầu của mình, bởi đây là những thiệt hại đương nhiên khi danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm.

Mức bồi thường thiệt hại về tinh thần trước hết do các bên thỏa thuận, nếu các bên không thỏa thuận thì Tòa án sẽ xác định một mức hợp lí nhưng không vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. (Điều 592 BLDS 2015). Do vậy, chủ quán phải bồi thường thiệt hại cho cặp đôi trẻ và nhân viên tung clip “nhạy cảm” đó phải hoàn trả số tiền đó cho chủ quán.

Còn đối với cá nhân là nhân viên quán trà sữa, rạp chiếu phim đã tung clip “ái ân” của đôi bạn trẻ lên mạng xã hội thì phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, thậm chí cả hình sự. Về mặt dân sự, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Người phát tán clip có thể bị xử lý hình sự

Về mặt hình sự, luật sư Phạm Văn Lượng cho rằng, cần làm rõ động cơ của cá nhân đưa clip “nhạy cảm” đó lên mạng xã hội, nếu vì tư thù cá nhân, vì muốn làm nhục họ thì có thể bị truy cứu về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017): “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

Và nếu như được cơ quan giám định xác nhận clip “nhạy cảm” kia là văn hóa phẩm đồi trụy thì cá nhân người tung clip đó lên facebook sẽ bị truy cứu về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS 2015.

Tuy nhiên, chúng ta không thể không lên án hành vi ‘táo bạo’ của cặp đôi tại quán trà sữa. Dường như xã hội càng phát triển, càng du nhập văn hóa ngoại lai thì con người ta, nhất là giới trẻ lại càng có lối sống ích kỉ hơn, đề cao cái tôi một cách thái quá. Họ hành động, suy nghĩ đều nhất nhất đặt lên đầu là thỏa mãn cái tinh thần vị kỉ mà không biết tới người khác sẽ nghĩ gì, sẽ ảnh hưởng tới xung quanh như thế nào.

Đó là tư tưởng lệch chuẩn của một bộ phận giới trẻ ngày nay, dẫn đến những ứng xử thiếu văn hóa, văn minh nơi công cộng, gây bức xúc trong dư luận. Điều này cũng đặt ra vấn đề giáo dục của nhà trường và gia đình khiến các em thiếu kỹ năng sống, kỹ năng hành xử văn minh trong một xã hội tự do, dân chủ nhưng trong khuôn khổ cho phép. Giới trẻ cần có ý thức hơn trong việc thể hiện tình cảm cá nhân, làm sao cho người khác nhìn thấy nó đẹp chứ không phải trở thành thứ cho người ta phê phán, dẫn đến nhiều hệ lụy sau này”, luật sư Lượng bày tỏ quan điểm.

Luật sư Lượng cho rằng, đạo đức, những chuẩn mực xã hội căn bản đã dần dần không được một bộ phận bỏ qua khi tồn tại trong xã hội dẫn đến những hành xử không đẹp khiến chúng ta nhức nhối.

Có một độc giả đã viết khiến tôi trăn trở: “Hãy nhớ rằng chốn công cộng không chỉ là tai, là mắt, là văn hóa ứng xử mà ở đó, có những đối tượng mà bạn không được quyền làm ô nhiễm - trẻ em”. Và điều quan trọng cũng cần xác định độ tuổi của hai bạn trẻ này, nếu như một trong hai dưới 16 tuổi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Điều 145 BLHS 2015”, luật sư Phạm Văn Lượng cho biết thêm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất