Vào chiều ngày 19/3, khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương) đã tổ chức buổi "giao lưu gặp gỡ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng", có sự góp mặt của ông Huỳnh Uy Dũng (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam) và một số người khác.
Tại buổi giao lưu, công ty này đã tổ chức đua chó, đua ngựa. Trong đó, tên của những loài vật này được đặt theo tên người đang mâu thuẫn với bà Hằng như nhà báo Đức Hiển, nhà báo Hàn Ni, ca sĩ Vy Oanh… Khi đoạn video này được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều ý kiến trái chiều, vấn đề tranh cãi đã được đặt ra.
Trả lời báo Tuổi Trẻ Online, luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín trở thành quyền hiến định khi được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Tuy nhiên, hiện nay việc xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác vẫn thường xuyên diễn ra, nhất là tình trạng đăng tải thông tin không chính xác, xúc phạm, đả kích người khác xuất hiện tràn lan trên không gian mạng.
Theo luật sư Cường, các nghệ danh, bút danh, tên gọi riêng như Đức Hiển, Hàn Ni, Vy Oanh… là tên đặc trưng, mang yếu tố phân biệt của các cá nhân, hiện các cá nhân này đang có mâu thuẫn với bà Nguyễn Phương Hằng.
Vì vậy, việc Công ty Đại Nam tổ chức sự kiện, lấy tên những người đang mâu thuẫn đặt cho chó đua, ngựa đua, ví dụ như chó đua Đức Hiển, ngựa đua Hàn Ni, ngựa đua Vy Oanh… cùng những bình luận khiếm nhã là hành vi cố ý sử dụng tên tuổi của những người đang có mâu thuẫn với mình để đặt tên cho chó đua, ngựa đua nhằm mục đích xúc phạm, làm nhục người khác, đăng tải trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục ở nước ta.