Theo tin từ báo Infonet, trưa 25/7, máy bay trực thăng của hãng Lao Skyway xuất phát từ thủ đô Vientiane vào lúc 11h30, đến sân bay Pakse máy bay dừng lại cho việc tiếp nhiên liệu và đến hiện trường lúc 15h20 để giải cứu các công nhân cao su của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Trong số 26 người bị mắc kẹt cần giải cứu, có 24 cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại nông trường 12, Công ty Đại Thắng (công ty con của HAGL) và 2 trẻ em là con em của nhân viên.
Việc cứu hộ công nhân bị mắc kẹt được hoàn tất trong vòng khoảng 1 tiếng sau đó, khoảng 16h30-16h45, các công nhân được đưa về 2 địa điểm là Trụ sở Công ty Đại Thắng (tỉnh Pakse, Lào) và Trụ sở CTCP Hoàng Anh Attapeu (tỉnh Attapeu).
Toàn bộ 26 người bao gồm cả người Việt và người Lào, 16 nam, 8 nữ và 2 trẻ em đã được giải cứu an toàn trong tình trạng sức khỏe tốt.
Trước đó, vào sáng 25/7, trao đổi với báo Tri thức trực tuyến, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), cho biết để đẩy nhanh công tác giải cứu công nhân bị cô lập trong vụ vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy tại huyện Paksong thuộc tỉnh Champasak - Lào, tập đoàn đã thuê máy bay từ Vientiane, bay đến vùng có sự cố.
Trực thăng xuất phát lúc 8h30 từ thủ đô Vientiane, dự kiến thời gian bay khoảng 2 tiếng đồng hồ. Ông Đức cho biết đang ở Attapeu, trực tiếp theo dõi tình hình, diễn biến của vụ vỡ thủy điện, sau khi đưa toàn bộ công nhân về nơi an toàn sẽ cung cấp thông tin để mọi người yên tâm.
Bầu Đức cho biết khu vực vỡ đập thủy điện là vùng trồng chủ yếu cao su của Hoàng Anh Gia Lai nhưng không bị ảnh hưởng nhiều, do phần lớn diện tích cao su đã trưởng thành. Được biết, Hoàng Anh Gia Lai đang có tổng diện tích canh tác tại Lào gần 50.000 ha, riêng cao su chiếm 27.000 ha, còn lại là các loại cây ăn trái, bắp, cọ dầu.
Trao đổi với PV Infonet qua điện thoại, ông Võ Trường Sơn - Tổng Giám đốc HAGL - cho biết, chi phí thuê máy bay để giải cứu các công nhân rơi vào “khoảng mười mấy nghìn USD”. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết việc quan trọng nhất là tập trung vào công tác cứu hộ, đảm bảo an toàn cho công nhân, do đó chi phí cho công tác cứu hộ là không quan trọng.
Theo TTXVN, Công ty Năng lượng Xe Pian-Xe Namnoy (PNPC), đơn vị xây dựng thủy điện, cho biết đập bị vỡ do mưa lớn trong nhiều ngày. Công ty cũng khẳng định đang hợp tác với chính phủ Lào để triển khai hoạt động cứu hộ những người dân gần khu vực vỡ đập.