Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Vụ 'em bé bị tôn cứa cổ' - Sẽ còn bao nhiêu cái chết oan uổng nữa?

Nếu chúng ta không thay đổi ý thức tham gia giao thông, đặc biệt đối với những người chở hàng cồng kềnh nguy hiểm, chắc chắn sẽ còn nhiều những cái chết thương tâm nữa.

Trên mạng đang diễn ra cuộc tranh luận quyết liệt trong việc cấm hay không cấm những xe thô sơ chở hàng trên phố. Sự kiện được bắt nguồn từ cái chết thương tâm của cậu bé 10 tuổi khi vô tình lao vào xe chở tôn đỗ ở ven đường.

Những xe hàng cồng kềnh nguy hiểm và nỗi đau của những người thân trước tai hoạ bất ngờ.

Những xe hàng cồng kềnh nguy hiểm và nỗi đau của những người thân trước tai hoạ bất ngờ.

Khi sự việc này xảy ra, báo chí đưa tin, cư dân mạng đều rất xót thương cho số phận hẩm hiu của cháu bé, chia sẻ nỗi đau với bố mẹ cháu. Bên cạnh đó, một làn sóng chỉ trích người chở tôn bằng xe ba gác, tất cả đều cho rằng, bác chở tôn đã thiếu ý thức trong việc bảo quản hành lý để đảm bảo an toàn cho người đi đường khi lưu thông.

Tuy nhiên, cuộc tranh cãi chỉ nổ ra khi có thông tin, người lái xe ba gác chở tôn có thể bị đi tù vì vô tình gây ra cái chết cho cháu bé. Những người bức xúc thì cho rằng, phải xử thật nghiêm những người đã vô ý thức gây hậu quả nghiêm trọng, và đề nghị cấm triệt để những chiếc xe thô sơ chở hàng cồng kềnh. Một bên thì thương bác chở tôn vì nghèo mà phải vất vả mưu sinh kiếm sống, vì thế, họ mong muốn pháp luật giảm án cho bác, cũng như thể hiện sự chia sẻ, cảm thông với những người nghèo khi phải lam lũ, nắng mưa khó nhọc với những công việc tay chân nặng nhọc.

Thực tế, Luật giao thông đường bộ đã được ban hành năm 2008, và chúng ta phải nghiêm túc thực hiện. Ở đây, điều quan trọng nhất đối với người tham gia chở hàng bằng xe thô sơ, đó là “Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển” (Khoản 4 Điều 31 Luật giao thông đường bộ). Xét theo khoản này, bác chở tôn đã không đảm bảo an toàn khi không có hình thức bao bọc những tấm tôn có cạnh sắc và góc nhọn. Giả sử không phải cháu bé kia, mà nếu bác chở tôn đi vào đoạn đường đông, những người tham gia giao thông khác (đặc biệt xe máy, xe đạp) nếu chẳng may va chạm hoặc đổ xe vào khối tôn cồng kềnh nguy hiểm ấy, liệu ai có thể chắc chắn rằng sẽ không có cái chết oan nào xảy ra?

Nếu bạn đi sau chiếc xe này, nếu họ phanh gấp, mặt bạn có thể bị cắm vào chùm thanh sắt dài vô cùng nguy hiểm kia.

Nếu bạn đi sau chiếc xe này, giả sử họ phanh gấp, mặt bạn có thể bị cắm vào chùm thanh sắt dài vô cùng nguy hiểm kia.

Không chỉ bác chở tôn trong câu chuyện này, có rất nhiều loại xe thô sơ chở những đồ vật rất nguy hiểm mà không có chế độ bảo vệ an toàn tối thiểu như chở sắt, bình ga, vật liệu xây dựng,… vẫn hàng ngày lưu thông trên đường. Đây là những người lao động chân tay, đa phần nghèo khó, ở quê lên kiếm sống. Nhìn ở góc độ nhân văn, chúng ta hoàn toàn thông cảm với gia cảnh của họ, “cũng vì miếng cơm manh áo mà phải vất vả mưu sinh”. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là ý thức của họ còn chưa cao, tính cách thường xuề xoà, qua loa không lường trước được những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành luật giao thông còn kém, thường chở quá quy định hoặc không tuân thủ giờ giấc, đoạn đường đã được thông báo cấm lưu thông trước đó.

Một chút thiếu ý thức, bác chở tôn đã vô tình gây ra cái chết thương tâm cho cậu bé - điều mà bác không bao giờ mong muốn. Giờ đây, việc pháp luật xử bác thế nào không quan trọng bằng nỗi ân hận sẽ giày vò bác suốt cả cuộc đời còn lại. Nhưng dù bác có ân hận đến thế nào thì cũng không làm đứa bé sống lại được.

Trên đường phố hàng ngày, chúng ta chứng kiến nhiều cảnh chướng tai gai mắt, đó là sự thiếu ý thức khi tham gia giao thông của rất nhiều người. Sự thiếu ý thức ấy bắt nguồn từ tâm lý “được việc của mình, mặc kệ người khác”, trong khi việc vận hành của mỗi người lại là một mắt xích trong chuỗi liên kết của quá trình giao thông. Khi đi đường, bất kỳ hành động nào của bạn cũng có tác động đến số đông. Nếu bạn chấp hành tốt thì số đông sẽ không bị ảnh hưởng, và ngược lại. Vì thế, hãy nhớ rằng, việc thuận lợi hay trở ngại trong việc lưu thông trên đường, phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi người khi cầm lái.

Nếu không muốn cái chết oan uổng nào xảy ra nữa, trong đó có chính mạng sống của chúng ta, mỗi người phải thực sự có ý thức khi chấp hành tham gia giao thông. Đó không phải khẩu hiệu, mà là cảnh báo ở mức “nghiêm trọng” trong tình hình giao thông hỗn loạn như hiện nay.

Clip Những xe thô sơ chở tôn gây nguy hiểm (nguồn: Truyền hình báo Lao động)

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngô Bá Lục

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc