Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Vụ container đâm Innova lùi ở Thái Nguyên: 'Tăng án hoặc tuyên vô tội nếu HĐXX có bản lĩnh chứ không thể giảm án'

Yến Nguyễn (Tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Ngay khi TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên án đối với bị cáo Lê Ngọc Hoàng, dư luận đã “rần rần” tranh cãi. Bên cạnh quan điểm của nhiều luật sư cho rằng bản án của TAND tỉnh Thái Nguyên thiếu thuyết phục thì một luật sư khác khẳng định bị cáo Hoàng không có cơ sở để giảm án.

Ngày 2/11 vừa qua, TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm bị cáo Ngô Văn Sơn (SN 1978, ở Bắc Ninh) và Lê Ngọc Hoàng (SN 1985, ở Thái Bình) trong vụ tai nạn trên cao tốc khiến 4 người chết, tuyên phạt Ngô Văn Sơn án 9 năm tù; Lê Ngọc Hoàng án 6 năm tù.

Ngay khi TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên án đối với bị cáo Lê Ngọc Hoàng, dư luận đã “rần rần” tranh cãi. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc kết tội tài xế Hoàng là chưa thỏa đáng và thiếu thuyết phục.

Quan điểm của nhiều luật sư: Bản án của TAND tỉnh Thái Nguyên thiếu thuyết phục

Luật sư Giang Hồng Thanh (người bào chữa cho bị cáo Hoàng) cho hay, tài liệu có trong hồ sơ thể hiện nam tài xế này đã thực hiện hết khả năng của mình nên việc tòa quy kết Hoàng phạm hai lỗi là rất thiếu thuyết phục.

“Đối với lỗi Hoàng không giảm tốc độ, hồ sơ thể hiện Hoàng đã phanh “chết” khiến xe lết trên mặt đường 48m, còn đối với lỗi không giữ khoảng cách an toàn thì có lẽ không ai có thể giữ được khoảng cách an toàn đối với xe đi ngược về phía mình”, luật sư phân tích.

Ngô Văn Sơn (trái) và Lê Ngọc Hoàng tại phiên tòa ngày 2/11.

Vị luật sư dẫn chứng tại Khoản 1 Điều 12 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dụng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình”, nghĩa là người lái xe chỉ có thể và chỉ có nghĩa vụ phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước.

Còn với xe đi lùi về phía xe của Hoàng, nếu muốn giữ khoảng cách an toàn, chỉ còn cách là Hoàng cũng phải lùi xe container trên đường cao tốc.

“Hiện nay, gia đình Hoàng mong muốn gửi đơn khiếu nại bản án phúc thẩm đến Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội với hy vọng, sẽ được Tòa án xem xét lại bản án của TAND tỉnh Thái Nguyên theo trình tự Giám đốc thẩm“, luật sư Thanh bày tỏ.

Khuôn mặt trầm tư của bị cáo Hoàng trong phiên xét xử.

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Vũ Ngọc Chi cho rằng: Theo viện dẫn của cơ quan tố tụng thì phải hiểu việc giữ khoảng cách an toàn là áp dụng cho hai xe cùng tịnh tiến. Việc áp dụng khoảng cách an toàn cho một xe tiến một xe lùi là không đúng tinh thần của luật.

Ngoài ra, việc giám định hộp đen có việc giảm tốc độ từ 62km xuống 0 là nỗ lực của tài xế, cho thấy rõ ý chí của lái xe là có ý thức.

Theo luật sư Chi, tài xế xe container đã tuân thủ đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định. Do vậy, lái xe container không có lỗi, không có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Góc nhìn khác của một luật sư giấu tên: tăng thêm án hoặc tuyên vô tội chứ không thể giảm án

Trao đổi với Báo Giao thông, một luật sư đề nghị giấu tên cho rằng, việc hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bản án 6 năm đối với lái xe container Lê Ngọc Hoàng (giảm 2 năm so với bản án sơ thẩm) là sai lầm.

Bị cáo Hoàng không có cơ sở để giảm án, chuyện giảm án là bị áp lực từ dư luận. Trường hợp của Hoàng thì tăng thêm án hoặc tuyên vô tội nếu HĐXX có “bản lĩnh” chứ không thể giảm án.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Otofun.

Luật sư này nhận định, khi nhìn thấy ô tô phía trước (chướng ngại vật), lái xe phải rà phanh, giảm tốc độ hoặc tránh ra nhưng Hoàng lại không tránh, không dừng là đã có lỗi. Trước hết, đây là lỗi không chú ý quan sát, không giảm tốc độ. Thực tế, Bộ Công an cũng đã có giám định kỹ thuật về tốc độ của xe container nên bằng chứng đã rõ ràng. Do đó, Hoàng không bị oan.

Sai lầm của bản án còn thể hiện ở chỗ, HĐXX quyết định đưa Công ty Hiếu Thảo ra khỏi bị đơn, chấp nhận bản kháng cáo của Công ty này là không phải bị đơn dân sự bồi thường cho người bị hại mà lại để cho Hoàng chịu bồi thường.

“Giấy tờ xe container là của Công ty Hiếu Thảo, giấy tờ đang đặt ở ngân hàng cũng mang tên Công ty này nhưng VKS lại cho rằng là xe gây tai nạn là xe của Hoàng, Hoàng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị hại. Theo quy định của pháp luật, tài sản nhà đất, phương tiện khi chuyển nhượng cho nhau chỉ có hiệu lực khi đăng ký xong chủ sở hữu. Vậy trường hợp trên phải xác định tài sản xe là của Công ty Hiếu Thảo. Ví dụ, chiếc xe này vi phạm giao thông về lỗi tốc độ thì lực lượng CSGT gửi phiếu phạt về cho Công ty Hiếu Thảo chứ không phải Hoàng”, luật sư này nêu quan điểm.

Gia đình kháng án đến cùng

Sau bản án phúc thẩm, chị Vũ Thị Thúy (vợ bị cáo Hoàng) cho biết gia đình sẽ tiếp tục đề nghị giám đốc thẩm vụ án. “Ngay sau khi tòa tuyên án, tôi đã nói với anh rằng sẽ kháng án, anh Hoàng đã đồng tình”, chị Thúy chia sẻ.

Theo vợ tài xế Hoàng, tòa phúc thẩm tuyên giảm án 2 năm cho bị cáo nhưng tăng mức bồi thường dân sự, đó là một bản án thiếu thuyết phục.

Chị Thuý, vợ tài xế Hoàng đã ngã quỵ sau khi nghe HĐXX tuyên án.

Người phụ nữ lý giải trong vụ án, anh Hoàng đã tận dụng mọi khả năng có thể để xử lý tình huống. Tuy nhiên, vụ va chạm thuộc trường hợp bất khả kháng.

Ngoài ra, theo nội dung vụ án, tài xế xe đầu kéo container không sử dụng rượu bia khi lái xe, tuân thủ tốc độ cho phép trên cao tốc và không đi sai làn. Trong khi đó, người lái ôtô 7 chỗ đã vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định và chạy ngược chiều trên cao tốc.

“Gia đình chúng tôi sẽ kháng án đến cùng để tìm lại công bằng cho anh Hoàng“, chị Thúy nói.

Theo bản án sơ thẩm, sáng 19/11/2016, Ngô Văn Sơn lái chiếc Innova chở anh Trường (quê Bắc Ninh) cùng 9 người thân đi ăn cưới ở TP Thái Nguyên. Do đi quá lối ra khỏi cao tốc tại nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên) nên Sơn cho ô tô đi lùi, sát hàng rào bên phải.

Cùng lúc đó, Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi, ở Thái Bình) điều khiển xe container đi thuận chiều trên cao tốc. Đến gần nút giao, thấy chiếc Innova phía trước, cách 70m đang bật đèn phanh đỏ, tài xế xe kéo không phanh giảm tốc. Do phía sau có ô tô khác vượt lên, Hoàng không thể chuyển làn nên đâm vào đuôi chiếc Innova.

TAND thị xã Phổ Yên sau đó tuyên Ngô Văn Sơn 10 năm tù và Lê Ngọc Hoàng 8 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Về dân sự, tòa buộc Sơn bồi thường hơn 700 triệu đồng, buộc Hoàng bồi thường gần 500 triệu đồng cho gia đình các nạn nhân.

Sau phiên tòa sơ thẩm, 2 bị cáo và đại diện gia đình các nạn nhân cùng kháng án. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Sơn khai trước khi lùi chiếc Innova đã quan sát qua gương và thấy không có phương tiện khác phía sau.

Còn tài xế container trình bày, hôm xảy ra va chạm, Hoàng chở 10 bó thép và lưu thông với tốc độ 60 - 65km/h. Phát hiện phía trước có ô tô màu trắng đang nháy đèn đỏ, bị cáo liền rà phanh và chuyển sang làn đường bên trái để tránh nhưng vẫn tông phải.

Tại toà, bị cáo Hoàng nói sau khi án sơ thẩm tuyên 8 năm tù, anh đã mất niềm tin vào sự thật. Có lần, bị cáo đâm đầu vào tường trại giam tự sát nhưng được cảnh sát cấp cứu. Giãi bày trước tòa, Hoàng mong muốn HĐXX đặt mình vào vị trí của bị cáo.

Sau hơn một giờ nghị án, HĐXX nhận định tài xế container đã không chú ý quan sát, không giảm tốc độ. Do đó, khi ô tô cách chiếc Innova 30m Hoàng mới phát hiện xe đang lùi rồi nhấn phanh.

“Hành vi này vi phạm Thông tư liên tịch số 91 về khoảng cách an toàn giữa 2 phương tiện”, chủ tọa kết luận và quy buộc bị cáo Hoàng phạm lỗi vô ý, quá tự tin. Tuy nhiên, HĐXX thấy cần giảm một phần hình phạt cho các bị cáo để động viên, sớm cho họ trở về với xã hội. Trên cơ sở đó, tòa tuyên Ngô Văn Sơn 9 năm tù, Lê Ngọc Hoàng 6 năm tù.

Về phần dân sự, Tòa thấy cần tăng tiền bồi thường tổn thất tinh thần cho 1 gia đình bị hại. Bị cáo Sơn chịu 2/3, Hoàng chịu 1/3 tổng số tiền bồi thường cho các bị hại.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Yến Nguyễn (Tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất