Công an sẽ triệu tập bà Phạm Thị Yến làm rõ việc tuyên truyền vong báo oán tại chùa Ba Vàng
Liên quan đến nghi vấn chùa Ba Vàng tổ chức truyền bá vong báo oán, giải nghiệp, lãnh đạo UBND TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho biết, Công an TP Uông Bí sẽ triệu tập bà Phạm Thị Yến - người đứng ra tuyên truyền về vong báo oán tại chùa lên làm việc sau khi có đủ các chứng cứ xác đáng.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, chủ tịch UBND TP Uông Bí, cho biết hiện nay chính quyền đang chỉ đạo các cơ quan vào cuộc liên quan đến việc chùa Ba Vàng tổ chức truyền bá vong báo oán. Hiện UBND thành phố yêu cầu Công an thành phố tiếp tục củng cố các chứng cứ, đồng thời dựa trên các video có sẵn của báo Lao Động ghi nhận được để xác minh toàn bộ danh sách những người xuất hiện trong video, gồm cả những người bị “vong nhập” lẫn những người rao giảng về vong báo oán; kiểm tra việc đăng ký tạm trú, tạm vắng và các hoạt động tại chùa để làm rõ.
Nhận định về vụ việc, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng đây là cơ hội để làm trong sạch hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại chùa Ba Vàng. Mới đây, một clip của nhóm PV báo Lao Động quay lại cảnh “Cô Yến” đưa vụ việc nữ sinh giao gà bị sát hại tại Điện Biên ra bàn luận về luật nhân quả đã khiến cộng đồng mạng vô cùng bức xúc.
Trong phần thuyết giảng, “cô Yến” cho rằng: “Quý đạo hữu có tin 5 người hãm hiếp kia sẽ bị quả báo không? Thế thì bạn này bị quả báo thì có phải việc ác bạn làm trong quá khứ không?
Nguyên nhân chính khiến nữ sinh bị hiếp rồi giết không phải do đi ship hàng (gà), mà do các ác nghiệp của bạn ấy đã làm trong tiền kiếp. Và duyên trong kiếp này, bạn ấy lại sát sinh. Hai cái này cộng vào nhau khiến cho bạn bị như vậy…”
“Cô Yến” cũng khẳng định nữ sinh Điện Biên đã mang 2 ác nghiệp từ tiền kiếp nên mới gây ra vụ việc đáng tiếc trên. “Tội thứ nhất là sát hại chúng sinh dã man. Tội thứ 2, trinh tiết của người khác bạn ấy xâm phạm nên bạn mới bị như vậy. Không có ai bị oan trên đời này, đều do chính nhân quả của con người chi phối.” - “cô Yến” khẳng định thêm.
Ngay sau khi nắm được những thông tin phát ngôn của bà Yến được đăng tải trên báo chí, bà Trần Thị H. (mẹ nữ sinh Duyên) đã tỏ ra vô cùng bức xúc. Bà cho rằng những phát ngôn của bà Yến đã xúc phạm gia đình mình, xúc phạm vong linh con gái bà để rồi lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin đi vào con đường mê tín dị đoan.
Trước những phát ngôn của bà Yến, bà H. đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý nghiêm để gia đình bà được yên ổn sau cú sốc lớn vừa qua. “Gia đình tôi yêu cầu bà Yến phải công khai xin lỗi chúng tôi, xin lỗi vong linh của con gái tôi chứ không thể lợi dụng nỗi đau này để tuyên truyền mê tín dị đoan để nhiều người nhẹ dạ cả tin nghe theo”, bà H. nêu rõ.
Theo bà H. đến hôm nay (23/3) gia đình bà chưa nhận được bất kỳ ý kiến phản hồi nào về cá nhân bà Yến hay phía nhà chùa Ba Vàng sau những phát ngôn của người phụ nữ này đăng tải lên mạng xã hội.
Bà Phạm Thị Yến có thể bị xử lý hình sự về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan”
Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cần phải thừa nhận một điều rằng, trong cuộc sống hiện đại có những vấn đề, những sự vật hiện tượng xảy ra không phù hợp với quy luật của khoa học mà chưa hoặc không có sự giải thích thấu đáo, thuyết phục. Dân gian gọi đó là những sự việc mang tính “tâm linh”.
“Nhưng nếu theo giải thích của bà Phạm Thị Yến rằng vụ án nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên tại Điện Biên bị 8 kẻ xấu hãm hại là căn nguyên của tiền kiếp xấu mà nữ sinh này phải gánh và kiếp này bị “quả báo”… thì quả thực lời giải thích đó không còn liên quan đến vấn đề tâm linh nữa. Đó thực sự là những lời mê tín dị đoan, truyền bá tư tưởng lệch lạc, phỉ báng, xúc phạm tới vong linh người đã khuất”, luật sư Giang Hồng Thanh nêu rõ.
Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, hành vi dựng lên những điều thần kỳ, bí ẩn để lôi kéo người khác xem bói, gọi hồn, nhập vong không có thật, là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
“Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi”, luật sư Thanh dẫn giải.
Luật sư Giang Hồng Thanh nhấn mạnh, nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn tiếp tục vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan” theo Điều 320 Bộ luật hình sự.
Đối với phát ngôn của bà Phạm Thị Yến, nếu gia đình nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên cảm thấy bị tổn thương, họ có quyền yêu cầu bà Yến xin lỗi, bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần. Theo quy định tại khoản 2 Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
“Trong trường hợp bà Yến không chấp nhận, gia đình có quyền khởi kiện bà Yến ra Tòa án để yêu cầu Tòa án buộc bà Yến phải xin lỗi, bồi thường”, luật sư Giàng Hồng Thanh nói thêm.