Mới đây, mạng xã hội xôn xao 1 số đoạn clip ghi lại cảnh bé gái liên tục khóc thét, ôm chặt người bố khi nhìn thấy mẹ mình ở xã Hợp Tiến (Triệu Sơn, Thanh Hóa).
Theo thông tin đăng tải, nguyên nhân vụ việc trên là do sau khi con được hơn 1 tuổi, mẹ bé là chị Lê Thị Hảo (SN 1979) ôm con trai thứ 2 được 1 tháng tuổi bỏ đi vì vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Từ đó, chị Hảo cũng không tới thăm con vì cho rằng “bị chồng cấm”.
Tuy nhiên, mới đây, chị Hảo cảm thấy con gái bị chồng đối xử không tốt nên đã quay về đâm đơn ra tòa giành lại quyền nuôi con. Kết quả, TAND tỉnh Thanh Hóa đã phán quyết chị Hảo được quyền nuôi con. Tuy nhiên, trong buổi bàn giao, cháu bé liên tục ôm bố khóc thét khi thấy mẹ khiến ai cũng xót xa.
Trước vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, chúng ta không nên tranh luận xem phán quyết của TAND tỉnh Thanh Hóa có hợp tình, hợp lý không, bởi dù thế nào thì bản án đó cũng đã có hiệu lực pháp luật. Các bên có nghĩa vụ phải thực hiện theo quyết định của Tòa án.
“Vấn đề ở đây là mặc dù người bố nói rằng chấp nhận phán quyết của Tòa, giao con cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, nhưng cháu bé lại nằng nặc không theo mẹ mà kiên quyết ôm bám lấy bố. Con trẻ thì không thể giả tạo cảm xúc. Những hành động của cháu bé khiến nhiều người xót xa và tôi tin cả bố và mẹ cháu cũng rất đau lòng”, luật sư Thanh phân tích.
Theo luật sư Thanh, có lẽ mọi việc nên để thuận theo tự nhiên. Cháu bé, mặc dù chưa đủ tuổi để tự quyết định theo ai, ở với ai (Pháp luật quy định là từ đủ 7 tuổi trở lên), nhưng với những gì cháu đã thể hiện, thiết nghĩ người lớn đừng nên gò ép cháu phải lựa chọn theo cách cháu không mong muốn.
“Người mẹ cũng không nên cương quyết phải bằng mọi cách đưa cháu về ở với mình mà cứ để cháu ở với bố. Thay vào đó, mẹ cần từ từ, dần dần gần gũi cháu, xây dựng tình cảm mẹ con để cháu hiểu và yêu quý mẹ hơn. Không nên chia cắt cháu với bố ngay lúc này, điều đó chắc chắn sẽ khiến tâm hồn non nớt của cháu bị tổn thương”, luật sư Thanh đưa ra lời khuyên.
Ngoài ra, anh Th. cũng không nên có hành động ngăn cản quyền của người mẹ dành cho con, nhất là khi quyền đó đã được thể hiện bằng một bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
“Người bố vẫn có thể dành quyền trực tiếp nuôi dưỡng con, khi cháu đủ 7 tuổi, anh có thể khởi kiện ra Tòa để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Lúc đó, cháu đã có quyền tự quyết ở với ai, và các bên sẽ phải tôn trọng nguyện vọng của cháu”, luật sư Thanh cho biết thêm