Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Vụ 550 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng: Nỗi lo 'cơm áo gạo tiền' đè nặng

Yến Nguyễn (Tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Đến tháng 10/2018, 550 giáo viên tại huyện Krông Pắk bị buộc chấm dứt hợp đồng. Những giáo viên này đang lo lắng, tìm đủ mọi cách để mưu sinh.

Ngày 14/8, trao đổi với Zing.vn, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), cho biết chậm nhất đến tháng 10/2018, địa phương phải buộc thôi việc 550 giáo viên hợp đồng.

Không được đi dạy nên nhiều người phải đi rẫy, làm thuê, phụ bán quần áo… đời sống vô cùng khó khăn.

Các giáo viên phải làm bất cứ nghề gì để kiếm kế sinh nhai

Trao đổi với Zing.vn, cô Hồ Thị Ngọc Dung, giáo viên Ngữ văn trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn), cho biết trường có 23 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng.

Bản thân cô Dung cũng nằm trong số giáo viên bị chấm dứt hợp đồng vào tháng 10. Do đó, trong 2 tháng 8 và 9, cô Dung vẫn đến trường để dạy, mỗi tháng nhận được 1 triệu đồng.

Cũng theo cô Dung, hiện những giáo viên như cô chưa biết khi chấm dứt hợp đồng sẽ được huyện hỗ trợ bao nhiêu, có thỏa đáng hay không.

“Hiện tôi có con nhỏ nên khi chấm dứt hợp đồng, tôi chưa biết làm công việc gì, trong khi tiền không có. Nguồn thu nhập chính của gia đình tôi đều từ người chồng đi làm thuê ở xa gửi về”, cô Dung nói.

Tương tự, anh Nguyễn Ánh Dương (32 tuổi, trú thị trấn Phước An, Krông Pắk, giáo viên hợp đồng “trong chỉ tiêu biên chế” trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai) cho biết, ngày 20/1/2017, nhà trường mời 22 giáo viên dạy hợp đồng lên ký lại hợp đồng thời vụ (từ tháng 2 đến tháng 7/2017), với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Trừ 32,5% tổng lương để đóng các loại bảo hiểm, mỗi người chỉ còn nhận được hơn 1 triệu đồng.

Chỉ có 17 giáo viên đồng ý ký hợp đồng thời vụ, 5 giáo viên từ chối và yêu cầu nhà trường thực hiện đúng hợp đồng đã ký theo quyết định của UBND huyện.

“Từ đó đến nay, nhà trường đã đơn phương cắt hợp đồng với 5 người chúng tôi. Mất việc, tôi đành xoay xở vốn để đầu tư chăn nuôi heo nhưng cũng không thành vì giá xuống thấp, heo bệnh. Lại vay thêm vốn để đầu tư mua các loại máy cắt, máy hàn để làm thợ sắt”, anh Dương nói.

Anh Dương về nhà nuôi lợn sau khi bị chấm dứt hợp đồng. Ảnh: Minh Lộc.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi qua điện thoại với báo Người lao động, thầy Dư Xuân Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Vụ Bổn), cho biết được ký hợp đồng dạy môn tin học vào năm 2010. Đầu năm 2017, thầy Sơn dạy 3 tháng nhưng không được trả lương nên về nhà làm công việc khác kiếm sống và chờ đợi được giải quyết.

Sau khi huyện thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng, thầy Sơn xuống TP HCM phụ hồ. “Mỗi ngày tôi được trả 220.000 đồng, bao cơm trưa. Tôi cố gắng làm một thời gian kiếm chút vốn về quê làm nghề gì đó kiếm sống chứ giờ đã nhiều tuổi” - thầy Sơn nói.

Chia sẻ trên Dân Trí, thầy Võ Văn Tuấn (GV Toán trường THCS Ea Uy) khi nhận thông tin bị chấm dứt hợp đồng lao động, để kiếm thêm thu nhập, thầy Tuấn dùng số tiền tích cóp được mua vài sào đất trống để trồng cà phê, thời gian rảnh, thầy đi làm MC đám cưới, làm đủ nghề để kiếm sống…

Thầy Võ Văn Tuấn làm nương rẫy để mưu sinh. Ảnh: Dân Trí.

Hoãn đám cưới hết đợt này qua đợt khác

Tương tự, thầy Nguyễn Tuấn Anh - giáo viên Tin học, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Sau khi bị nghỉ dạy, tôi làm đủ nghề từ lái xe, phụ hồ, bốc vác… rồi ra mở quán nhậu nhưng bị thất bại. Nay mới xin làm phụ bếp cho một nhà hàng ở TP. Đà Nẵng với mức lương thấp chỉ đủ trả tiền phòng trọ, chi tiêu qua ngày. Tôi cũng định cưới vợ nhưng với cuộc sống còn khó khăn thế này tôi cứ buộc hoãn cưới từ đợt này qua đợt khác”.

Về việc hỗ trợ các giáo viên, một lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk, Ban thường vụ Huyện ủy nói: “Khoản tiền chi trả ước tính 7-8 tỷ đồng. Nếu các giáo viên không đồng ý mức chi trả này, họ có thể khởi kiện UBND huyện và các trường ra tòa. Khi có bản án của tòa tuyên, giáo viên thắng kiện thì chúng tôi sẽ bồi thường theo pháp luật”.

Như thông tin đã đưa, từ năm 2011-2016, UBND huyện Krông Pắk ký hợp đồng với trên 500 giáo viên. Cụ thể, ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn năm 2011-2015, ký hơn 400 hợp đồng lao động dù giáo viên của huyện đã dư thừa.

Đến năm 2016, ông Y Suôn Byă giữ chức Chủ tịch UBND huyện ký tuyển dụng thêm 197 hợp đồng giáo viên, nhân viên trường học dù trước đó Thanh tra tỉnh đã đề nghị địa phương phải khắc phục việc tuyển dụng dư thừa từ thời chủ tịch huyện trước.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Yến Nguyễn (Tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất
Vén màn sự thật 'vũ khí bí mật' của Taylor Swift