Gần một ngày nay, sự việc nhóm hiệp sĩ trong lúc tham gia phòng chống tội phạm trộm cắp xe SH đã bị nhóm đối tượng cầm dao chống trả khiến 2 hiệp sĩ và 1 người dân tử vong, 3 hiệp sĩ khác bị thương.
Ngày 14/5, nguồn tin cho biết, lực lượng Công an quận 3, TP.HCM phối hợp cùng với đội phòng chống tội phạm có tổ chức (đội 2) và đội điều tra truy xét trọng án (đội 9) thuộc phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP.HCM đã bắt giữ được 1 nghi phạm có liên quan đến vụ việc. Hiện Công an quận 3 đang tập trung lấy lời khai, khai thác điều tra mở rộng. Nhiều trinh sát Công an đang tiến hành truy bắt đối tượng còn lại.
Liên quan đến sự việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an để hiểu rõ hơn về tâm lý tội phạm cũng như những vấn đề liên quan.
Ông đánh giá như thế nào sau vụ việc nhóm đối tượng trộm xe SH sau đó truy sát nhóm hiệp sĩ vừa xảy ra tại TP. HCM?
Trước hết thông qua phương tiện truyền thông, báo chí, tôi bày tỏ lòng tiếc thương chân thành tới các hiệp sĩ, những người đã ngã xuống vì sự nghiệp bình yên của cuộc sống. Tôi cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với những công dân tham gia vào quá trình truy đuổi, truy bắt tội phạm đã ngã xuống.
Qua đây tôi thấy rằng xã hội cần phải tri ân những người dân bình thường nhưng có lòng nghĩa hiệp. Họ đã xả thân vì sự nghiệp an ninh trật tự nói chung. Được biết hoàn cảnh cá nhân gia đình hiệp sĩ có nhiều khó khăn, đây là lúc xã hội nên thể hiện sự tri ân của mình bằng những hành động cụ thể, có thể thông qua quyên góp, ủng hộ tài chính để giúp đỡ những gia đình những người bị nạn đỡ phần khó khăn, vơi bớt đau thương.
Những người khi tình nguyện tham gia, hỗ trợ cơ quan chức năng thì họ đã lường trước được việc sẽ phải đối diện với hiểm nguy khi bắt giữ tội phạm. Trong đời sống hiện nay chuyện bị tội phạm chống trả, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản là điều có thể nhìn thấy trước mắt. Thế nhưng, các hiệp sĩ họ dám đối mặt, dám bước qua để làm những điều như vậy vì cộng đồng, tôi cho rằng đây là nghĩa cử hết sức cao đẹp mà xã hội cần trân trọng.
Các đối tượng thường chuẩn bị hung khi và truy sát lại bị hại nếu bị tấn công, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Đây là vấn đề chung, có một đặc điểm tâm lý tội phạm rất phổ biến, đó là tội phạm rất sợ bị trừng trị. Chúng thừa biết hành vi của chúng vi phạm pháp luật, chống lại xã hội, đi ngược lại pháp luật do đó hành vi đó sẽ bị trừng trị nếu chúng bị bắt, đồng nghĩa sẽ phải gánh chịu pháp lý.
Do đó, bản năng tự vệ sẽ thôi thúc chúng hành động chống trả để triệt tiêu, bất cứ ai. Trong trường hợp hôm qua các hiệp sĩ dân phòng, hiệp sĩ những người dân nhưng nếu là lực lượng chức năng chúng cũng sẽ chống lại. Bất cứ ai đẩy chúng vào khả năng bị bắt là chúng sẽ chống lại. Đây là phản ứng tâm lý của tội phạm mọi người cần biết khi bắt tội phạm.
Trong sự việc này, không ai nghĩ đối tượng lại chống trả quyết liệt như thế này. Người ta bắt rất nhiều vụ trộm cắp nhưng chưa xảy ra như vậy. Đối tượng trộm cắp bây giờ chúng đều mang theo hung khí nên rất nguy hiểm
Việc cổ vũ hiệp sĩ nhân rộng thành phong trào, ông đánh giá như thế nào?
Tôi thấy hoàn toàn cần thiết. Việc bảo vệ an ninh trật tự nói chung, bảo vệ sự bình yên trong cuộc sống thì không thể giao khoán, phó mặc hoặc trông chờ vào một lực lượng mà đây là việc của toàn xã hội. Tôi cho rằng với tư cách bài trừ tội phạm, những hiện tượng xã hội tiêu cực cần phải được đặt ra, đó là trách nhiệm của toàn xã hội, mọi công dân.
Chuyện xây dựng các tổ dân phòng, tổ tự quản, câu lạc bộ phòng chống tội phạm đường phố tôi cho hết sức cần thiết. Thời gian qua lực lượng tự quản, tự phát của nhiều người dân đã có nhiều đóng góp hỗ trợ trong việc đấu tranh bài trừ tội phạm.
Rất nhiều địa phương chứ không riêng gì TP Hồ Chí Minh tổ chức an ninh cơ sở khi được kiện toàn như tổ dân phòng, tổ xe ôm, săn bắt cướp… hoạt động có hiệu quả thì tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, trước hết tội phạm sẽ bị phát hiện ngay.
Chính người dân khi có ý thức đấu tranh chống tội phạm thì sức mạnh của nhân dân là vô tận. Chúng tôi đã khảo sát ở đâu an ninh cơ sở triển khai tốt, ở đó tội phạm sẽ bị phát hiện ngay khi mới manh nha xuất hiện và kịp thời ngăn chặn. Có thể lực lượng chức năng không ở đó để kịp thời ngăn chặn nhưng người dân khi được đưa vào các tổ chức dưới sự hướng dẫn về mặt nghiệp vụ của lực lượng chức năng thì họ có thể phát hiện ra hành vi phạm tội. Ngay lập tức họ thực hiện bắt giữ giao cơ quan chức năng.
Có nhiều ý kiến trái chiều sau vụ nhiều chiến sĩ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ, tính pháp lý của vụ việc này ra sao, căn cứ pháp lý nào cho những người dân được bắt tội phạm?
Theo quy định 111 Bộ luật tố tụng hình sự quy định tại năm 2015, quy định về bắt người phạm tội quả tang thì bất cứ người nào cũng có quyền bắt giữ tội phạm, đang thực hiện hay vừa thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, những người dân tham gia vào tổ tội phạm họ hoàn toàn có quyền.
Chuyện người dân dân tham gia vào câu lạc bộ phòng chống tội phạm như vụ việc vừa xảy ra tôi cho rằng rất cần thiết và thực sự cần thiết. Họ hoàn toàn có quyền tham gia hoạt động bắt tội phạm.
Quy định rất rõ trong Bộ luật tố tụng hình sự đó là việc được quyền bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang thì việc bắt giữ tước vũ khí, khống chế đối tượng và dẫn giải đối tượng đến các cơ quan đến thẩm quyền giải quyết chứ họ không được phép dùng vũ lực để đánh đập hay giết hại, làm chết người bị bắt. Nếu thực hiện hành vi vượt quá quy định của pháp luật thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mà người đó đã phạm phải.
Theo ông, trong tương lai có nên thành lập tổ công tác 141, 142 chuyên trách trong TP Hồ Chí Minh không?
Theo tôi thì hoàn toàn nên, kinh nghiệm rút ra từ Hà Nội. Chúng tôi, ngày xưa công tác tại TP Hà Nội trực tiếp tham gia xử lý công việc do tổ 141 ra đường mang về. Chúng tôi thấy hiệu quả quả các Y, các tổ công tác liên nghành Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, mật phục, hóa trang… chốt chặt trên các tuyến giao thông là hết sức có ý nghĩa trong việc phòng chống tội phạm. Vì trong quá trình di chuyển tham gia giao thông, các tổ trinh sát phát hiện có dấu hiệu nghi vấn đã tiến hành kiểm tra hành chính, phát hiện trong người có vũ khí sẽ chặn bắt. Đương nhiên, sẽ ngăn chặn sớm được vụ án ngay sau đó.
Rất nhiều các băng nhóm dẫn quân đi để thanh toán, mâu thuẫn nhưng trên đường đi gặp 141 là bị cản lại. Chúng tôi cho rằng TP Hồ Chí Minh tình hình an ninh trật tự có những diễn biến phức tạp nên rất cần những tổ công tác 141 tạo thành thế trận đan xen, kịp thời ngăn chặn tội phạm.
Đối với những người hiệp sĩ đã hy sinh pháp luật có quy định về chế độ chính sách hiệp sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự nói chung?
Năm 2017 bộ công an có lấy ý kiến lần thứ 2 về quy chế xây dựng quỹ về phòng chống tối phạm có thưởng nóng 5 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng đối với tập thể với người dân tham gia bắt giữ phòng chống tội phạm thì tôi cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết kịp thời động viên, khích lệ người dân.
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật vẫn còn bị hổng và thiếu, đặc biệt là qua câu chuyện này chúng ta cần phải đẩy nhanh tiến độ quy định pháp luật, chế độ người dân thiệt hại tính mạng, sức khỏe khi tham gia vào đấu tranh phòng chống tội phạm.
Theo tôi cần phải đẩy mạnh huấn luyện các kỹ năng, võ thuật để có thể tiếp cận đánh bắt đối tượng để an toàn cho mình, giảm thiệt hại khi tiếp cận đối tượng.
Ông đánh giá như thế nào về hành vi của các đối tượng?
Chúng tôi mong muốn lực lượng chức năng khẩn trương bắt giữ được nhóm đối tượng này. Hành vi của chúng không dừng lại ở trộm cắp tài sản khi bị lực lượng dân phòng chúng chống trả quyết liệt, hành vi giết người đã cấu thành.
Nếu đối tượng chống trả để thoát thân thì là hành vi cướp của giết người. Nhưng nếu hành vi chống trả mang tang vật đi đó là hành vi cướp của, trong trường hợp này đây là vụ trọng án giết nhiều người.
Qua việc này có nên trang bị vũ khí cho nhóm hiệp sĩ không thưa ông?
Hoàn toàn nên trang bị công cụ hỗ trợ, các thành viên của câu lạc bộ phòng chống tội phạm được thành lập từ phường xã. Đây là tổ chức được cấp chính quyền cơ sở thành lập ra, câu chuyện mà trang bị công cũ hỗ trợ là điều hết sức cần thiết, thậm chí áo giáp, găng bắt dao, dùi cui, gậy.. trừ vũ khí quân dụng.
Như đã thông tin, 20h tối 13/5 tại trước 1 cửa hàng thời trang ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, nhóm hiệp sĩ quận Tân Bình gồm 8 thành viên do ông Trần Văn Hoàng làm trưởng nhóm đã phục kích bắt 1 nhóm “đá xế” đang trộm 1 chiếc SH. Nhóm này đã chống trả làm 2 hiệp sĩ tử vong và 3 hiệp sĩ khác bị thương.
Bước đầu, qua trích xuất camera, Công an xác định nhóm đối tượng đã dùng dao tự chế đâm 5 thành viên trong đội hiệp sĩ Tân Bình thương vong. Hiện công an đang tung nhiều lực lượng tiến hành truy bắt các đối tượng gây án.
Sau khi vụ việc xảy ra, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đến thăm và động viên các “hiệp sĩ” trong vụ bắt cướp trên địa bàn quận 3, TPHCM.
Cảm kích trước hành động nghĩa hiệp của nhóm “hiệp sĩ” đã bất chấp sinh mạng ra tay vì sự bình yên của TP và bảo vệ tài sản cho người dân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu công an TP truy tìm tung tích băng cướp và các bệnh viện phải cố gắng chăm lo điều trị cho các nạn nhân.
Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh “Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo Công an thành phố tìm biện pháp bảo vệ các “hiệp sĩ đường phố”, không có lý do gì mà chúng ta không bảo vệ những con người đã xả thân vì sự bình yên của người dân”.
Hai hiệp sĩ tử vong được xác định là anh Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ quận Gò Vấp,) và anh Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định, trú quận Tân Bình). Ba hiệp sĩ bị thương đang được điều trị tại bệnh viện là anh Trần Văn Hoàng (47 tuổi, trú quận Tân Bình), anh Nguyễn Đức Huy (22 tuổi, ngụ quận Tân Phú) và anh Đinh Phú Quý (22 tuổi, ngụ huyện Củ Chi).