Liên quan đến vụ việc 15 con chó của cặp vợ chồng ông Minh Hùng và bà Chi Em (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bị tiêu hủy, trao đổi với Tuổi trẻ online, đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định, hiện chưa có bằng chứng nào nói động vật nhiễm virus SARS-CoV-2 thì lây lan sang người.
Theo đó, trong khuyến cáo của các tổ chức quốc tế có nêu nếu người chủ của chó, mèo mắc Covid-19 thì vật nuôi phải được nhốt. Ngoài ra, ở dự thảo mới nhất của Tổ chức Nông - lương Liên Hiệp Quốc (FAO) không khuyến cáo buộc phải tiêu hủy.
Theo vị này, trong vụ việc ở Cà Mau, cần làm rõ ai đã lấy mẫu xét nghiệm cho đàn chó và đã có đơn vị nào xét nghiệm SARS-CoV-2 trên đàn chó hay chưa. Theo phân công thì Chi cục Thú y vùng 7 được giao nhiệm vụ xét nghiệm và kết luận chó có nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Ngoài ra, trong Luật Thú y có quy định, nếu vật nuôi mắc bệnh có khả năng lây lan sang người thì phải có biện pháp, không loại trừ tiêu hủy.
Cùng trao đổi với báo Dân Việt, đại diện Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, trong quy định của Luật Thú y và Thông tư số 07 thì khi chó, mèo mắc bệnh dại là buộc phải tiêu hủy.
Ngoài ra, Luật Thú y cũng nêu nguyên tắc chung là khi động vật mắc bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan ra diện rộng, đặc biệt có khả năng lây lan sang người thì bắt buộc phải có biện pháp phòng chống cụ thể, trong đó không loại trừ việc tiêu hủy.
Tuy nhiên, trong trường hợp 15 con chó bị tiêu hủy ở Cà Mau, vị này cho rằng, chúng ta cần có cái nhìn thông cảm, khách quan với chính quyền địa phương, nhất là khi họ đang phải chịu áp lực phòng chống dịch bệnh trong thời gian dài.
Người ta quan ngại khi chủ chó mèo không quản lý được, đàn chó đó tiếp xúc với người khác, bài thải ra virus khiến virus lây lan.
Vị đại diện này cũng cho biết thêm, hiện tại, Cục Thú y đang xây dựng dự thảo hướng dẫn ứng phó, giám sát SARS-CoV-2 trên động vật. Đơn vị đang lấy ý kiến của các chuyên gia quốc tế, dự kiến 1 - 2 tuần tới sẽ ban hành.
Trước đó, khi nói về lý do tiêu hủy 15 chú chó của vợ chồng ông Minh Hùng gây xôn xao dư luận, UBND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) lý giải: "Chó bị bệnh nên lực lượng làm nhiệm vụ đã trao đổi với chủ nuôi đem đi tiêu hủy và được sự đồng ý. Huyện đang yêu cầu xã Khánh Hưng giải trình và giải thích với chủ nuôi do tình hình phòng chống dịch nên xảy ra vụ việc chứ địa phương không có ý gì".