Trong số những ứng cử viên là kỹ sư, giáo sư, nhà sáng chế… đến từ những nước phát triển như Mỹ, Anh, Ấn Độ… cái tên Việt Nam nằm trong top 10 thật sự là một điều tự hào. Với chủ đề thiết kế công nghệ cảm biến có thể đeo hay mặc trên người, phục vụ cho lợi ích cộng đồng, nhất là phụ nữ và trẻ em ở những nơi chất lượng cuộc sống còn kém, cuộc thi thu hút đến gần 2.000 đơn đăng ký.
Nhóm GuardBand gồm trưởng nhóm Đoàn Việt Hùng (sinh viên ngành điện tử Trường ĐH Việt - Đức), bạn cùng khoa Lê Đình An, 2 “đồng nghiệp” nữ là Nguyễn Trần Phương Uyên (sinh viên năm 3 Khoa Hóa Trường ĐH Bách khoa TP HCM) và Phạm Hoàng Khánh Thy (sinh viên năm 3 Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM).
“Vòng bảo vệ gồm có 3 phần, bên ngoài là phần chống thấm nước. Trên thiết bị có một nút bấm SOS, bên trong có pin, micro và các mạch thu - phát tín hiệu. Vòng hoạt động trên nguyên lý theo dõi vị trí thông qua GPS - GSM và lưu trữ dữ liệu trên điện toán đám mây. Các tổ chức y tế sẽ sử dụng những dữ liệu đó để theo dõi tình trạng của người sử dụng, đặc biệt là trẻ em, để biết mức độ hay tình huống nguy hiểm mà can thiệp”, Hùng giải thích. Theo thiết kế, chiếc vòng bảo vệ GuardBand là một thiết bị nhỏ bằng đồng xu, có móc để gắn được trên người.
Chi phí sản xuất cho một chiếc vòng bảo vệ ước tính dao động từ 3 - 8 USD. Nhóm GuardBand chia sẻ: “Tham dự Wearables For Good, bọn mình hy vọng sẽ có thêm nhiều công ty biết đến dự án, giúp bọn mình hiện thực hóa sản phẩm để góp phần bảo vệ các em nhỏ”.