Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Vợ chồng người Sài Gòn quyết dành 18 năm dạy con học ở nhà

Thay vì cho con đến trường như bao gia đình khác, vợ chồng chị Uyên quyết định tự dạy con tại nhà cho đến khi con gái tròn 18 tuổi.

Home-school (học tại nhà) là một mô hình giáo dục đã được biết đến nhiều ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Tại Việt Nam, với quan điểm còn coi trọng bằng cấp, việc cho con học tại nhà chưa phải là mô hình được phụ huynh lưu tâm. Tuy nhiên, gia đình chị Bùi Hà Uyên, 31 tuổi, đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh là một trong những gia đình ít ỏi đã chọn phương pháp “home-school” cho con gái.

Sẵn sàng nghỉ việc vì con

Chia sẻ về quyết định được cho là khác biệt với các phụ huynh khác, chị Uyên nói: “Tôi nghĩ việc giáo dục trong những năm đầu đời là để xây dựng nên nhân cách cho một đứa trẻ. Vì thế, bé cần được bố mẹ dành nhiều thời gian để chỉ bảo và hướng dẫn mọi điều trong cuộc sống hơn.

Điều đó, thật khó để có thể tìm thấy trong môi trường giáo dục mầm non hiện tại của chúng ta hiện nay, cô giáo cũng không thể theo sát con mình để nhắc nhở và chỉ bảo cho con những điều vẫn còn chưa tốt và không nên làm”.

Chị Uyên cho biết, để việc giáo dục con tại nhà hiệu quả, điều khó nhất là cha mẹ phải dành nhiều thời gian cho - điều mà trong xã hội này thường được ưu tiên sau công việc. Ông xã chị đã quyết định bỏ công việc toàn thời gian ở một công ty nước ngoài, chuyển sang làm việc tự do để dành nhiều thời gian hơn cho con.

20150916143214-bai1-anh1

Chồng chị Uyên sẵn sàng nghỉ việc để có nhiều thời gian bên con.

“Trẻ con đến khi 3 tuổi là đã bắt đầu hình thành tính độc lập và thể hiện cái tôi của bản thân, sẽ bắt đầu tìm cách rời khỏi sự bao bọc của bố mẹ để học cách lớn lên. Vì thế, giai đoạn hiện tại không phải là con đang cần chúng ta nhất sao?

Có thể bố sẽ không kiếm được nhiều tiền như khi đi làm toàn thời gian, có thể bố mẹ sẽ bớt đi những tiêu xài không cần thiết, nhưng bù lại, bố thực sự đã có thời gian dành cho con.

Bố đã dạy con bơi, dạy con phơi đồ, dạy con chụp ảnh, dạy con yêu từng cái mầm con nhú lên mỗi ngày, dạy con rằng, một em bé cần phải học phép lịch sự khi yêu cầu người khác làm điều gì đó giúp mình…”, theo chia sẻ của chị Uyên, chồng chị đã bỏ việc với lý do như thế.

Chị Uyên cho biết, hiện chị là copywriter tự do còn chồng là nhiếp ảnh gia tự do chuyên về PR - quảng cáo. Hai vợ chồng thay phiên nhau cùng chơi mà học với con. Ví dụ như khi chị bận viết bài thì chồng sẽ chơi với con, cùng con đi chơi, cùng con đi chợ. Khi chồng bận đi chụp cho khách hàng thì chị lại đảm nhận công việc đó.

Tự dạy con cả kỹ năng sống và tri thức

“Tôi dạy con ngay từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên cả bởi ngay từ tuần thứ 20, tai bé đã phát triển và bé đã có thể nghe được tiếng động xung quanh mình, trong đó gần gũi nhất với giọng của mẹ.

Tôi đọc sách cho con nghe, những câu chuyện nho nhỏ đáng yêu về cuộc sống, cho con nghe nhạc. Và vì con “đủ lớn” ngay khi chào đời, nên tôi tiếp tục duy trì dạy cho con những điều con có thể làm được và nên làm phù hợp với từng độ tuổi phát triển”, chị Uyên nói.

Bé Mật Ong, con gái chị Uyên, mới tròn 3 tuổi nhưng đã tự làm thành thạo các việc như: tự vệ sinh cá nhân như tắm rửa, đánh răng, vệ sinh, biết tự chăm sóc bản thân như: tự mặc quần áo, tự mang giày, tự chuẩn bị ba lô của mình mỗi khi đi chơi, tự ăn,… biết chia sẻ việc gia đình với bố mẹ như: dọn chén bát, quét nhà, tưới cây, phụ nấu ăn như nhặt rửa rau, vo gạo,…

Bé khá dạn dĩ, thích giao tiếp, biết quan tâm đến mọi người, biết chăm sóc bố mẹ khi bố mẹ ốm, thích động vật và coi mọi con vật là bạn để chơi: chó mèo cũng như cá, lươn, tôm, cua…

20150916143214-bai1-anh2

Chị Uyên cho rằng trẻ học tại nhà sẽ có cơ hội học mọi điều cần thiết cho cuộc sống hơn là đến trường học những kiến thức không thiết thực.

Mật Ong vẫn còn trong độ tuổi khám phá thế giới, học các kỹ năng sinh tồn cơ bản, nên hai vợ chồng chị Uyên chỉ tập trung vào những vấn đề đấy để phát triển nền tảng cơ bản tốt nhất cho con, còn các kỹ năng như đọc, viết hay làm tính, đến khi con 6 tuổi chị Uyên mới bắt đầu cho học.

Theo chị Uyên, cha mẹ nên dạy con mọi điều trong cuộc sống, bao gồm cả tri thức. Tri thức của nhân loại đều nằm trong sách, nên thư viện sẽ là trường học dạy kiến thức tốt nhất dành cho con trẻ với điều kiện thư viện đó có đủ những đầu sách hay về giáo dục (thay vì những cuốn sách dễ dãi, đọc để giết thời gian rồi quên).

“Tôi chỉ quan tâm đến việc dạy cho con cách có thể tự học, tự tìm kiếm, tự nghiên cứu những điều con muốn và cần biết. Trẻ có được sự hướng dẫn tốt tự bản thân sẽ biết cách tìm tòi và bổ sung kiến thức cho chính bản thân trẻ.

Điều này cũng giúp trẻ phát triển tư duy tốt hơn, chủ động hơn trong cuộc sống và trẻ biết cách tự hoàn thiện bản thânơn là đến trường học những kiến thức không thiết thực, không phục vụ được gì cho cuộc sống.

Quan điểm của tôi, trường học vốn không dành để phát triển tố chất riêng của mỗi đứa trẻ, mà là để cào bằng khả năng của mọi đứa trẻ lại bằng nhau. Trong khi, giáo dục là để tăng khả năng cạnh tranh, tức tăng khả năng sinh tồn. Mà để làm tốt điều đó, không phải là tìm cách thức phát huy tốt nhất tố chất ưu tú của trẻ đến mức cao nhất có thể sao?”, chị Uyên nói.

Theo người mẹ 31 tuổi này, hiện tại còn quá sớm để đưa ra các nhận định về hiệu quả của phương pháp giáo dục này. Hiện tại, bé con nhà chị vẫn phát triển một cách bình thường so với bạn bè đồng trang lứa. Ưu điểm dễ nhận thấy nhất là con gái chị có cơ hội để học được mọi điều cần thiết trong cuộc sống này chỉ trong một thời gian ngắn và được điều chỉnh nhắc nhở ngay khi có vấn đề, cũng như được khuyến khích kịp thời để phát huy tính tự tin của bản thân.

Chia sẻ về phương pháp dạy con, chị Uyên cho biết, ban đầu chị dạy con bằng bản năng của người làm cha mẹ, cảm nhận được điều gì là phù hợp nhất và tốt nhất cho con mình. Sau đó thì bổ sung kiến thức cho bản thân từ những chia sẻ của những người đi trước, những người đã thành công trong việc dạy con theo phương pháp giáo dục tại nhà.

“Google là một “kho thư viện toàn năng” nếu bạn biết cách sử dụng. Các phương pháp “home-school” đều được chia sẻ rất rộng rãi. Tất nhiên, bạn cần một vốn tiếng Anh đủ để đọc hiểu những vấn đề được chia sẻ bởi Việt Nam mình vẫn chưa có những trang thông tin như thế này”, chị nói.

Trước câu hỏi rằng chị có sợ việc con đến trường muộn hơn các bạn khác sẽ khiến con khó hòa nhập hoặc khó bắt kịp chương trình học, chị Uyên cho biết vợ chồng chị quyết định sẽ cho con theo học “home-school” cho đến khi con 18 tuổi nên không e ngại về chương trình học ở trường.

“Nếu bạn muốn con bạn học tại nhà mà vẫn có bằng cấp thì đăng ký các khoá học online của các trường học quốc tế có tiếp nhận chương trình học home-school, đảm bảo số lượng bài luận và bài thi, sau đó vượt qua kỳ kiểm tra là được. Chính vì thế, home-school nghĩa là con có thể học với bố mẹ, hoặc với gia sư, tuỳ theo sự lựa chọn của chính bố mẹ.

 Thậm chí bé có thể học dự thính ở những môn bé muốn, tham gia vào các hoạt động xã hội và tham dự các lớp học năng khiếu ở các trung tâm bồi dưỡng năng khiếu đều tốt.

Điều đó giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, học vì nhu cầu và sự yêu thích của bản thân, chứ không phải vì một sự ép buột nào đó khác. Mà điều đó với chúng tôi quan trọng hơn so với điểm số hay bằng cấp.

Với tôi, home-school là cả gia đình cùng nhau học lớn. Bố mẹ học cách để làm bố mẹ, còn con trẻ học cách để trưởng thành”, chị Uyên nói.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Kỳ Duyên vẫn chưa biết… cười