Nhưng chi phí cho một ca ghép tim lên đến 300 triệu đồng, chưa kể thuốc men để chống quá trình thải ghép lâu dài tiếp theo. 5 năm điều trị căn bệnh hiểm, chàng công nhân vốn nghèo giờ kinh tế đã khánh kiệt. Không còn cách nào khác, anh đành lắc đầu từ chối cơ hội sống. Lần thứ ba…
Tuy nhiên, phía bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) xác định không thể để bệnh nhân buông xuôi thêm nữa. Gọi cho anh Hùng, các bác sĩ hết mình động viên anh hãy tận dụng cơ hội lần này. Ghép tim cứu lấy tính mạng trước, mọi thứ khác tính sau.
Gạt đi mặc cảm khốn khó và sự tự ti số phận, anh Hùng cùng cha khăn gói từ Tiền Giang lên Sài Gòn. Đứa con trai mới 7 tuổi của anh được gửi lại quê nhà cho bà con chăm sóc tạm. Cậu bé đã thiếu hơi ấm của mẹ từ nhỏ, giờ cha em lại đứng trước lằn ranh sống chết.
“Lúc trước con tôi và vợ nó lên Sài Gòn làm công nhân. Cách đây 5 năm thì nó phát hiện bị bệnh cơ tim giãn nở. Ít lâu sau, vợ nó bỏ đi, để lại con nhỏ luôn cho nó. Ngày xưa mẹ nó cũng bỏ đi, tôi một mình nuôi hai anh em Hùng trong cảnh nghèo. Giờ đến phiên nó cũng bước tiếp con đường của tôi. Không ghép tim, nếu cố gắng thì Hùng cũng chỉ có thể cầm cự kéo dài sự sống chừng 1-2 năm nữa” - ông Nguyễn Văn Tuấn, cha Hùng bộc bạch.
Bệnh nặng lại gồng gánh nuôi con, quả tim của người đàn ông ngày càng yếu dần. Tần suất vào viện hàng tháng ngày càng tăng. Đến khi bệnh cơ tim giãn nở đã quá nặng nề, các bác sĩ thông báo cho anh Hùng, rằng chỉ còn cách thay tim mới là cứu cánh cho sinh mạng anh.
Nhưng chi phí phẫu thuật thật sự là con số quá tầm với hoàn cảnh của chàng trai miền Tây. Bà con dòng họ cũng không ai đủ khả năng, nên dù đã hai lần may mắn được chọn ghép tim khi có nguồn tạng hiến, Hùng toàn lắc đầu chối từ. Anh nghĩ: Ghép xong, lấy tiền đâu mà trả?
Lần này - quả tim thứ ba, là của một nam bệnh nhân 45 tuổi ở tận Hà Nội. Vẫn là nhóm máu B, anh Hùng lại trở thành người phù hợp nhất. Dù đồng ý ghép tim sau khi nghe phía BV phân tích thiệt hơn, mọi thứ vẫn rất cam go. Bởi nếu bay ra Hà Nội thực hiện cuộc mổ thì chi phí phẫu thuật, ăn uống đi lại, hậu phẫu của bệnh nhân sẽ đội lên rất cao. Ngược lại, quả tim phải vượt hàng ngàn cây số gấp rút đến Sài Gòn, cho vào lồng ngực anh Hùng trước khi quá muộn.
Bằng sự phối hợp nhịp nhàng của hai BV Chợ Rẫy (TP.HCM) và BV Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), nguồn tạng hiến sau khi lấy ra khỏi lồng ngực nhanh chóng vượt qua rào cản thủ tục hành chính để được đưa ngay đến sân bay.
“Cứ 2 tiếng một lần chúng tôi phải bơm dung dịch bảo vệ tạng. Ngay khi tạng về tới sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), xe đặc chủng được lực lượng Cảnh sát giao thông điều đến làm nhiệm vụ hộ tống xe cấp cứu. Từ sân bay, quả tim và thận đưa về BV Chợ Rẫy cực nhanh trong 15 phút. Việc hiến ghép tạng lần này có sự hỗ trợ từ rất nhiều phía. Thật sự, rất cảm kích với sự hỗ trợ của Cảng hàng không, An ninh hàng không” - bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Tim mạch BV chia sẻ.
Quả tim về tới BV vào đầu giờ chiều 26/2 và ngay lập tức được chuyển thẳng xuống phòng mổ.
19h15, quả tim ghép vào lồng ngực anh Hùng bắt đầu đập lại những nhịp yếu ớt. Rồi mạnh dần, mạnh dần…
21h30, cuộc mổ hoàn tất trong sự vỡ òa của toàn thể ekip bác sĩ.
Không phụ lòng mọi người, anh Hùng thích ứng với quả tim mới rất nhanh. Ít ngày sau khi được rút nội khí quản, bệnh nhân hồi tỉnh dần. Sau gần một tháng ghép tim, anh đã có thể ra khỏi phòng, mỗi ngày đi dạo một lần ở hành lang BV.
Người vui nhất và cũng lo nhất lúc này là ông Tuấn. Cái giá để con trai ông có thể từ cõi chết trở về là 128 triệu đồng, sau khi trừ các khoản bảo hiểm thanh toán. Chạy vạy ngược xuôi nhưng chỉ vay được tầm 20 triệu đồng, họ đang rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng để lo liệu số tiền viện phí còn lại.
“Thấy con tôi hồi phục sức khỏe là mừng rồi, chi phí tôi sẽ cố lo từ từ. Xin gửi lời biết ơn vô vàn đến người hiến quả tim và y bác sĩ BV, nếu không có họ thì con tôi làm sao được cứu” - ông Tuấn nghẹn giọng.
Nhìn ông Tuấn đỡ con trai bước từng bước chậm ngoài hành lang sau ca ghép tim mới thấy sự sống là đáng quý biết chừng nào. Nơi quê nhà, con trai anh Hùng chắc cũng đang chờ được gặp cha.