Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Vợ bác sĩ Hoàng Công Lương làm đơn xin cho chồng được xét xử vắng mặt để điều trị vì bị sốc tâm lý

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Trong lá đơn gửi TAND TP Hoà Bình, chị Đinh Thị Huyền Thư (vợ bác sĩ Hoàng Công Lương) đã xin HĐXX cho chồng được vắng mặt để điều trị. Nguyên nhân được xác định là do bác sỹ Lương bị hoảng loạn, sốc tâm lý.

Ngày mai (8/1), TAND TP Hoà Bình sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh làm 9 người tử vong.

Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh là chủ tọa. Bà Bùi Thị Hằng, Phó viện trưởng VKSND TP Hòa Bình và kiểm sát viên Đào Thị Hồng Điệp đồng giữ quyền công tố. Ngoài ra, 21 luật sư tham gia bào chữa cho 7 bị cáo. Riêng Hoàng Công Lương có 10 luật sư bào chữa. Hai giám định viên kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) cũng được triệu tập tham gia phiên tòa.

Bị cáo Hoàng Công Lương trong phiên xét xử hồi tháng 5/2018 vừa qua.

Đáng chú ý, trong lá đơn gửi TAND TP Hòa Bình được ký ngày 05/01, chị Đinh Thị Huyền Thư (vợ của bác sĩ Hoàng Công Lương) đã trình bày về việc bị cáo Hoàng Công Lương nằm điều trị tại Khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình từ đêm ngày 23/12/2018 đến nay.

Theo chị Thư trình bày trong đơn, nguyên nhân được xác định là do bác sỹ Hoàng Công Lương bị hoảng loạn, sốc tâm lý. Ngày 24/12, khi cán bộ TAND TP Hòa Bình đến bệnh viện giao Giấy triệu tập bị cáo và Quyết định đưa vụ án ra xét xử, chị Huyền Thư đã thay mặt chồng ký nhận giấy tờ do cán bộ Tòa án giao.

Vợ bác sĩ Hoàng Công Lương làm đơn xin xem xét vắng mặt cho chồng.

Sau đó, ngày 25/12, Hoàng Công Lương được chuyển về điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán “rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm”.

Sau khi xuất viện, ngày 30/12/2018, Hoàng Công Lương lại được đưa vào cấp cứu tại khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. “Vì vậy, tôi làm đơn này, kính mong Quý Tòa xem xét hoàn cảnh và điều kiện sức khỏe của chồng tôi không thể bảo đảm có mặt tại phiên tòa vào ngày 08/01/2019 theo triệu tập. Tôi kính mong Quý Tòa xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về việc vắng mặt của chồng tôi ngày 08/01/2019. Khi nào chồng tôi đủ điều kiện sức khỏe và tâm lý ổn định cho phép để ra viện, gia đình sẽ đưa đến tòa để tham gia phiên tòa theo quy định”, chị Đinh Thị Huyền Thư viết trong đơn.

Giấy xác nhận của Bệnh viện đoa khoa tỉnh Hòa Bình.

Rạng sáng ngày hôm nay, 07/01, chị Đinh Thị Huyền Thư đã chia sẻ nội dung lá đơn lên trang facebook cá nhân kèm dòng trạng thái, trong đó có nội dung: “Chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày người bác sĩ như anh ấy lại trở thành bệnh nhân ở một khoa đặc biệt là khoa Nội thần kinh-cơ xương khớp tại chính bệnh viện nơi anh công tác.

Chưa bao giờ hình dung được đêm tối phải hốt hoảng gọi điện cho các đồng nghiệp và chú Tình để xin cứu giúp vì sức khoẻ của anh ấy bất ổn không định hướng. Từ trước đến nay đã quen với cảm giác anh ấy là bác sĩ, có bổn phận chăm lo sức khoẻ, thuốc thang khi đau ốm cho cả gia đình dòng họ, giờ đây anh ấy lại đang cần các bác sĩ điều trị cho anh là sao?”.

Theo thông báo xét xử, 2 bị cáo Hoàng Công Lương và Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) hầu tòa về tội Vô ý làm chết người.

5 bị cáo còn lại bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Họ gồm: Trương Quý Dương (cựu Giám đốc bệnh viện), Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn), Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng vật tư) và Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư).

Điểm mới của cáo trạng lần này so với cáo trạng trước đó là sự thay đổi tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương từ “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “Vô ý làm chết người”. Bên cạnh đó, có tới 4 bị can đã bị khởi tố, truy tố thêm so với phiên tòa sơ thẩm lần 1 vào tháng 5/2018 vừa qua.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới