Trước tối qua, trở về ngày 20/12/2020, ngày mà vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng tuyên bố sáng lập VinFuture, tôi cũng như rất nhiều người vẫn chỉ nghĩ đến con số tiền thưởng 3 triệu USD, cao gấp 3 lần số tiền thưởng giải Nobel.
Chúng ta ai cũng chỉ nghĩ rằng VinFuture sẽ là một giải thưởng “chơi trội” của một cặp vợ chồng tỷ phú. Cho dẫu những gì chúng ta thấy tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã làm thì ai nấy đều khâm phục, trân trọng. Nhưng khoa học kia mà. Khoa học là thứ nhiều năm qua dù Việt Nam chúng ta đã đạt những thành tựu nhất định nhưng chúng ta vẫn tự ti khi nhìn ra thế giới.
Không khí học thuật lẫn tinh thần khoa học của người Việt thực sự chỉ thấy lác đác và khiêm tốn, chủ yếu là các nhà khoa học… chơi với nhau.
Tôi là nhà báo thì mới có điều kiện tiếp xúc nhiều nhà khoa học nhưng trong ngay cả khi tiếp xúc, tôi vẫn chỉ gặp những cái thở dài của chính những nhà khoa học khi họ có nghiên cứu nhưng chẳng có tài trợ, nhiều tài trợ, ngân sách nhà nước thì chỉ dành cho những nghiên cứu trên giấy và sau đó nằm lại trong thư viện.
Khoa học bị mặc định coi là… nghèo. Những nhà khoa học có thể giàu thật sự hiếm hoi.
Vợ tôi cũng được coi là một nhà khoa học khi tốt nghiệp ĐH Nông Nghiệp, ra trường làm mấy năm ở Viện Di Truyền, nuôi cấy đủ thứ. Để rồi nàng ấy cũng phải từ bỏ nghề để chuyển sang làm kinh doanh mới sống được.
Thế nên, VinFuture sau khi được công bố ra, khiến tôi cũng như nhiều người hớn hở khi đó nhưng quên bẵng nó đi. Cho đến những ngày này, khi Vingroup tổ chức tuần lễ khoa học với sự góp mặt của hàng loạt các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới tề tựu về Hà Nội. Và tâm điểm là tối 20/1/2022, tại Nhà Hát Lớn, 4 giải thưởng được vinh danh, VinFuture mới thực sự “hiện hình”.
VinFuture “hiện hình” bằng tuần lễ khoa học với sự góp mặt của những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới. Mỗi cái tên đều gắn với hàng chục phát minh, hàng trăm bằng sáng chế và hàng ngàn trích dẫn khoa học gắn với tên tuổi của mình. Trong đó là những cái tên Việt khiến bất cứ người Việt nào cũng thấy tự hào và hãnh diện vì những đóng góp của họ cho nền khoa học thế giới, được ghi nhận và đang rất thành công.
Họ đã tới với VinFuture để bảo chứng cho một giải thưởng khoa học đầu tiên của Việt Nam mang tầm quốc tế. Đã có 1.200 nhà khoa học, tổ chức kết nối lại để đưa ra 599 dự án, công trình khoa học có giá trị và ý nghĩa phụng sự nhân loại như tiêu chí mà VinFuture đặt ra. Một tuần lễ khoa học đã đánh thức lòng tin, sự hy vọng cũng như tinh thần khoa học trong giới khoa học nước nhà.
Đặc biệt là giới trẻ, những đứa trẻ của chúng ta đã lâu lắm rồi thờ ơ với khoa học bởi những định kiến nghề nghiệp của nhiều cha mẹ chuộng kinh doanh, thích con cái học những ngành nghề hot và cho rằng khoa học là… tương lai ở Việt Nam mờ mịt.
Nhiều cha mẹ nói với tôi trong những talkshow định hướng nghề cho con cái như vậy. Nhưng VinFuture đã thay đổi cách nhìn của họ về khoa học. VinFuture đã thu hút cả những người trẻ quan tâm hơn đến khoa học vì nó đã có “đầu ra” là những ước mơ được thắp lên khi chứng kiến tận mắt những nhà khoa học danh tiếng xuất hiện tại Việt Nam lần này.
Lễ trao giải đã xướng lên 4 giải thưởng. Từ giải thưởng đầu tiên được vinh danh cho Giáo sư Omar M.Yaghi - nhà khoa học người Mỹ gốc Jordan, với công trình nghiên cứu về vật liệu khung cơ kim (Metal-Organic Frameworks hay MOFs) đã khiến chúng ta xuýt xoa khi biết nó có thể giảm khí phát thải carbon, lọc không khí, lọc nước…
Khoa học phụng sự nhân loại bắt đầu thành hình như thế. Người ta đã có thể nhìn thấy VinFuture là giải thưởng tôn vinh những công trình nghiên cứu tác động tích cực đến con người, môi trường. VinFuture là giải thưởng muốn thay đổi thế giới, muốn kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.
Nhưng hơn cả thế, VinFuture còn vinh danh cả những nhà khoa học nữ. Tôi thật sự biết ơn sự có mặt của phu nhân tỉ phủ, chị Phạm Thu Hương để không một nhà khoa học nữ nào bị lãng quên. Giải thưởng xóa bỏ định kiến giới về việc các bé gái luôn bị hướng nghiệp mai này trở thành… cô giáo, người mẫu, diễn viên, tiếp viên hàng không hay oai oách lắm là một nữ bác sỹ.
Trong định kiến giới, nhà khoa học luôn là… nam giới. Nhiều truyện tranh hay truyện thiếu nhi ở Việt Nam, hình ảnh nhà khoa học luôn là các bạn nam hoặc các bác giống… Albert Einstein.
Cảm ơn chị Phạm Thu Hương đã có mặt để nhắn nhủ những người mẹ. Bởi tôi biết, chị cũng mà một người mẹ vô cùng yêu 3 đứa con của mình. Giải thưởng dành cho nhà khoa học nữ thuộc về Giáo sư Zhenan Bao, nhà khoa học người Mỹ gốc Trung. Công trình của một người phụ nữ cũng thật tinh tế và đầy cảm xúc: E-skin, da điện tử siêu co giãn như da thật, có thể tự phân hủy, tự chữa lành vết thương, cấy được vào cơ thể người.
Khi nghe giới thiệu về công trình khoa học của chị, giáo sư Zhenan Bao, tôi chỉ biết cảm động. Bởi phụ nữ là vậy. Chỉ có phụ nữ mới thấu cảm được những mất mát đến như thế. Những đứa trẻ khuyết tật sẽ được thay đổi cuộc đời nhờ công trình này của chị. Nghe thuyết minh về công trình tôi ấn tượng nhất đến câu: Da điện tử có thể mang đến cảm giác đau đến não. Phụ nữ! Phụ nữ! Các chị thật tinh tế và cảm xúc.
Không hẹn mà gặp, giải thưởng thứ 3 mang đến cho tôi một liên tưởng… vợ chồng. Như anh Vượng và chị Hương. Vợ chồng là Cùng Nhau. Thật tuyệt khi thấy “đứa con” của anh chị: VinFuture hôm nay chào đời sau hơn 1 năm “bầu bì”.
Và giải thưởng thứ 4 thuộc về hai vợ chồng nhà khoa học từ Nam Phi, bà Salim Abdool Karim và ông Quarraisha Abdool Karim, với phát minh gel có chứa dược chất Tenofovir - sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV. 40 năm rồi, nhân loại đã buộc phải sống chung với HIV.
Và ¾ người nhiễm HIV ở Châu Phi là phụ nữ. Một công trình xứng đáng được vinh danh khi nó không chỉ cứu phụ nữ Châu Phi mà còn là hàng triệu phụ nữ khác trên thế giới này. Chúng ta chưa thể tiêu diệt HIV nhưng chúng ta đã có thể khiến chúng thúc thủ. Là công trình Cùng Nhau của vợ chồng.
Nhìn hai vợ chồng họ, tôi thật sự nghĩ đến những giá trị hôn nhân hạnh phúc có thể mang lại những thay đổi tích cực cho thế giới này. Như vợ chồng giáo sư Karim, như vợ chồng tỷ phú họ Phạm.
Và cuối cùng, Giải Thưởng Chính trị giá 3 triệu đô thì tôi xin không nhắc lại nữa. Vì nó quá xứng đáng. Vì nó khiến cả khán phòng Nhà Hát Lớn gần 800 khách mời phải đứng dậy vỗ tay reo hò. Vì khi tôi đưa clip trao giải lên trang cá nhân của mình, hàng trăm bạn đọc của tôi đã thả tim, đã bình luận, đã reo hò cùng tôi.
VinFuture cuối cùng cũng ra đời, có hình hài cụ thể để mọi người cùng thấy, cùng tin, cùng yêu và cùng hy vọng. Giờ thì câu chuyện 3 triệu đô chẳng còn là một giải thưởng “chơi trội” nữa rồi mà nó đã trở thành một niềm tin. Về khoa học phụng sự nhân loại. Về trái tim nhân hậu quan trọng và giá trị tương đương khối óc lỗi lạc.
Tối 20/1/2022, không chỉ hàng triệu người đã thức xem một lễ trao giải khoa học mà còn là thức tỉnh một tình yêu dành cho khoa học. Người vợ của tôi, một nhà khoa học bỏ nghề giữa chừng, tối qua cũng đã ở nhà xem VTV1. Có ai nghĩ một chuyên gia phim Hàn, xem Hậu Duệ Mặt Trời tổng cộng 16 lần, thích xem Hãy Yêu Nhau Đi vì nó là chương trình tình yêu mà tối qua có thể thức để xem trọn vẹn một lễ trao giải rồi cả khi vào giường ngủ cũng huyên thuyên nói với chồng về tương lai khoa học nước nhà, về thế giới sẽ nhìn về Việt Nam thế nào.
VinFuture chắc chắn sẽ khiến thế giới nhìn về Việt Nam bằng một con mắt khác. Để điền tên Việt Nam vào bản đồ khoa học thế giới bằng dòng chữ VinFuture Prize. Chặng đường còn xa nhưng bước chân đầu tiên đã đặt xuống. Một cách không thể thuyết phục hơn.
Bằng 4 giải thưởng xứng tầm quốc tế được trao bởi trái tim 2 người Việt thiết tha, bằng tiền túi của họ. Tiền nhiều để làm gì nếu không dùng nó để góp phần kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, phụng sự cho nhân loại và tặng lại con em chúng ta một cuộc sống bền vững mai này? VinFuture đã tạo ra một tiếng vang lấp lánh như thế.