Sáng 2-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp về giải pháp sử dụng vaccine, chế phẩm sinh học trong phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP).
Tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam báo cáo kết quả bước đầu về vaccine phòng bệnh DTHCP.
Đối với kít (bộ thử phản ứng nhanh với virus) chẩn đoán bệnh DTHCP, bà Lan cho biết Học viện Nông nghiệp đang nghiên cứu và chuẩn bị thử bộ kít đầu tiên, có nhiều triển vọng.
Về kết quả nghiên cứu vaccine vô hoạt thế hệ mới phòng DTHCP, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết đã tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine tại ba trại heo bị bệnh thuộc 3 hộ gia đình khác nhau.
“Toàn bộ 17/18 heo nái và 15 heo thịt của ba hộ gia đình được tiêm vaccine đều sống khỏe mạnh sau hơn 2 tháng, một số heo nái đã đẻ và heo con khỏe mạnh. Những con heo không được tiêm vaccine của ba hộ gia đình đều chết do DTHCP”, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết.
Từ kết quả thí nghiệm, bà Lan khẳng định vaccine an toàn và bảo hộ cao đối với heo được tiêm phòng. Tuy nhiên do thời gian nghiên cứu và thử nghiệm ngắn, nhiều thí nghiệm đã được rút ngắn nên bà Lan cho rằng các loại vaccine vẫn cần nghiên cứu tiếp trên diện rộng và cần lặp lại, bổ sung nhiều thí nghiệm để tối ưu hóa công thức và chất lượng vaccine. Cần triển khai các nghiên cứu tiếp theo để tạo các vaccine khác tốt hơn.
“Bộ NN&PTNT cần cấp kinh phí khẩn cấp cho nghiên cứu và sản xuất vaccine; tổ chức giúp Học viện đánh giá chất lượng vaccine sản xuất ra để sớm đưa vào phục vụ sản xuất”, GS Lan kiến nghị.
Tại cuộc họp, đại diện nhiều nhóm nghiên cứu đến từ các doanh nghiệp cũng giới thiệu về các kết quả bước đầu sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học có thể áp dụng vào chăn nuôi giúp phòng dịch bệnh tả heo châu Phi.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đây là kết quả rất tốt, tuy nhiên không vì có kết quả bước đầu mà sinh ra chủ quan.
Bộ trưởng đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine phòng DTHCP, đặc biệt cần tiếp cận theo lối sáng tạo nhất, không bị mặc định theo hướng truyền thống để mở thêm các hướng nghiên cứu. Bộ sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sớm xây dựng quy trình khảo nghiệm, kiểm nghiệm vaccine trong hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam.