Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Việt Nam nghèo vì mâu thuẫn tiền bạc: Chúng ta vừa khinh đồng tiền, nhưng cũng coi tiền là tất cả

Theo Trí Thức Trẻ Theo dõi Saostar trên google news

Người Việt sẵn có mâu thuẫn khi nhìn nhận tiền bạc, lại hài lòng với thú vui tuổi già, chấp nhận tư duy nhỏ trong kinh tế… tạo ra những điểm yếu cố hữu khiến kinh tế Việt Nam chưa bằng được các đất nước khác trong khu vực.

Việt Nam đã bao giờ vượt Singapore?

Đất nước chúng ta có giai đoạn 21 năm chia cắt hai miền Nam-Bắc (1954-1975). Thời ấy thông tin ít, dân gian vẫn truyền tụng rằng thời 1954-1975, kinh tế Nam Việt Nam phát triển rực rỡ, vượt cả Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines…, chỉ thua Nhật Bản; Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu chỉ mong Singapore phát triển như Sài Gòn; các công tử nhà giàu Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan còn sang Sài Gòn du học và cuối tuần sang Sài Gòn chơi.

Nếu quả thật đấy là hiện thực thì rất mừng cho nước Việt chúng ta, nó chứng tỏ dân tộc Việt có những tố chất ưu tú, đã có một giai đoạn ngắn trong lịch sử đưa kinh tế Việt Nam vượt trội so với các nước khác trong khu vực ASEAN và châu Á.

Tôi đã tra cứu tài liệu lịch sử của các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc (UN), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác để tìm bằng chứng khách quan khẳng định trình độ phát triển kinh tế của Nam Việt Nam. Thật đáng tiếc không có bất cứ một tài liệu của tổ chức quốc tế nào khẳng định điều đó.

Ngược lại, nhiều tài liệu khẳng định rằng trước năm 1975 kinh tế Nam Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia, Myanmar; một số năm từ 1960-1965 là hơn Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc. Sau năm 1965 thì chỉ hơn Lào, Campuchia, Myanmar, kém Thái Lan, Indonesia, Philippines, kém xa Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia.

Có 2 nhóm nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam chưa bằng được các đất nước khác kể cả các nước có cùng điều kiện khí hậu, địa lý trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines.

Về khách quan, chiến tranh, thiên tai địch họa đã hủy hoại nhiều dấu ấn văn minh vật chất của dân tộc, và không cho chúng ta cơ hội hưởng thái bình lâu dài để phát triển. Trong khi đó, nền kinh tế tiểu nông, manh mún, thô sơ, chậm phát triển, phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết.

Về chủ quan, người Việt hiện đại có 4 điểm cố hữu gây cản trở sự phát triển, gồm dễ hài lòng, tư duy nhỏ trong kinh tế, suy nghĩ chủ quan và nền tảng triết lý cho phát triển yếu.

Tôi sẽ lần lượt phân tích chi tiết bốn điểm yếu cố hữu trên dưới góc nhìn, quan sát chủ quan của riêng cá nhân.

Dễ hài lòng

Về lao động, người Việt có số năm làm việc thực sự ngắn hơn các dân tộc khác. Nhiều người Nhật, Mỹ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cao cấp ở tuổi 60-70. Trong khi đó người Việt Nam 60 tuổi đã lên lão, nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi đã về hưu, một số còn về hưu sớm hơn ở tuổi 50.

Người Nhật, người Singapore, người Mỹ sau khi về hưu vẫn tiếp tục đi làm thêm, người Việt về hưu là không làm việc. Người Việt rất hài lòng với “vui thú tuổi già”, “vui thú điền viên”, “sum vầy bên con cháu”…

Với nền văn minh lúa nước, ở nông thôn (chiếm 65% dân số) trước đây, người nông dân chỉ lao động vất vả mấy tháng mùa vụ, còn phần lớn thời gian trong năm là không có việc làm. Họ coi đó là điều hiển nhiên.

Thói quen lao động tháng làm, tháng nghỉ đã tồn tại hàng nghìn năm ngày nay được nhiều người mang ra thành phố. Dù có làm việc ở nhà máy, xí nghiệp, công trường, họ vẫn không bỏ được thói quen nghỉ nhiều hơn làm.

Trong xu thế tuổi thọ con người ngày càng tăng, hầu hết các nước đều nâng tuổi về hưu (Mỹ 67 tuổi, Nhật 68 tuổi, Pháp 62 tuổi…) thì Việt Nam cũng nên nâng dần độ tuổi về hưu cho cả nam và nữ.

Nhưng khi có dự thảo nâng dần tuổi về hưu thì một số người nhất loạt phản đối, họ gán ngay cho lãnh đạo tham quyền cố vị muốn ngồi ghế lâu nên sửa luật; họ bất chấp việc luật hưu trí ban hành khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam chỉ đạt 62,5, nhưng hiện tại tuổi thọ đã tăng lên đến 75 thì ta cũng phải theo xu thế tăng tuổi nghỉ hưu của cả thế giới.

Một đất nước đã có nhiều lợi thế như Singapore mà lại chăm chỉ lao động, ai ai cũng làm việc, kể cả những người già 65-75 tuổi, thì họ giàu có là điều hiển nhiên.

Một đất nước đã không có nhiều lợi thế mà người còn sức lao động, chưa già đã muốn nghỉ “an nhàn tuổi già”, “sum vầy bên con cháu” thì mãi vẫn nghèo cũng là chuyện không thể khác.

Một điểm lạ là càng những người thuộc nhóm nghèo thì ý thức lao động kiếm tiền lại càng ít. Hầu hết những người giúp việc gia đình thì nghỉ tết đến tận rằm tháng Giêng; công nhân xây dựng, cầu đường, giao thông thì hầu hết nghỉ hết tháng Giêng.

Cuộc sống là của mình, hạnh phúc là của mình, vậy mà nhiều người luôn trông chờ vào Nhà nước, vào chính quyền. Người nghèo mong được Chính phủ chăm lo cứu xét, không muốn tự mình thoát nghèo. Người thông minh, có học hành mà chưa thành công thì tất cả tội lỗi là của cấp trên, của chính quyền, của thể chế, mà không bao giờ nghĩ rằng trước hết phải tự thay đổi chính bản thân mình, trước hết là phải chăm chỉ.

Tư duy nhỏ trong nền kinh tế

Tư duy nhỏ của người Việt thể hiện khá rõ trong giao thông. Thời trước, hệ thống giao thông của nước Việt chỉ là những con đường nhỏ cho người đi bộ, xe thô sơ di chuyển (các đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện trải nhựa, đường xe điện, đường tàu hoả đều được xây dựng thời Pháp thuộc).

Giao thông với đường nhỏ rất lợi hại cho phòng thủ đất nước, chống xâm lược. Thế nhưng để phát triển kinh tế, giao thương thì đường nhỏ lại là lực cản, hạn chế lưu thông hàng hóa.

Tư duy nhỏ bé còn thể hiện trong việc ruộng đất được chia nhỏ theo từng thửa, thường là 1 sào (360 m2). Khoán 100 năm 1981 và khoán 10 năm 1988 đã thiết lập nên kinh tế hộ gia đình, người nông dân làm chủ mảnh đất của mình, đã tạo ra cú huých, đột phá, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực thành nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới.

Nhưng như lò xo bị nén được giải phóng đã bung hết cỡ, những năm gần đây, nông nghiệp không còn lực phát triển nữa, bởi bản chất kinh tế hộ gia đình vẫn là lối tư duy nhỏ bé.

Tư duy nhỏ bé còn thể hiện trong các doanh nghiệp. Đất nước mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới đã 22 năm nhưng doanh nghiệp Việt chỉ làm thầu phụ ngay trên chính sân nhà mình cho các dự án đấu thầu quốc tế thì không ổn. Trong 22 năm đó, một số thương hiệu Việt nổi tiếng bị các hãng nước ngoài “nuốt chửng” vì doanh nhân Việt không dám nghĩ lớn, đương đầu cạnh tranh sòng phẳng, dù là trên sân nhà.

Một điểm yếu nữa của nhiều doanh nhân Việt là ít có “máu” chinh phục hay khát vọng toàn cầu hoá. Trong khi người phương Tây vào tận nước mình, thôn tính, kiếm tiền của mình, các doanh nghiệp Việt chỉ quanh quẩn trong nước, thậm chí trong tỉnh mình thì rõ ràng sẽ thua thiệt nhiều thứ.

Tuy Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 162 tỷ USD (năm 2015) nhưng hầu hết là xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản, thuỷ hải sản, nông sản, thực phẩm và hàng gia công, rất ít từ dịch vụ, công nghệ, tức giá trị chất xám của người Việt còn chiếm tỷ lệ rất thấp.

Về tinh thần thì số doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài (không tính Campuchia và Lào) chinh chiến, hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh tại các quốc gia khác mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu phải kể tên thì cũng chỉ có Viettel, FPT, HAG…

Chúng ta không kiếm được tiền của các nước khác mà lại để doanh nghiệp các nước khác kiếm tiền của mình, trên sân nhà mình thì chúng ta nghèo hơn người ta là đúng thôi.

Suy nghĩ chủ quan

Việc áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình cho người khác dễ nhận thấy trong ăn uống: mình ăn món gì thấy ngon thì sẽ nghĩ người khác phải ăn thế mới ngon, hay suy nghĩ “không ăn phí nửa đời người”… Họ đâu có biết người không ăn được thì hoặc cơ thể họ không tiếp nhận hoặc với họ ăn như một cực hình.

Hệ quả của việc áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình cho người khác là làm người khác mất đi quyền suy nghĩ riêng và khả năng sáng tạo độc lập vì bị chi phối bởi quan niệm “làm như tôi mới đúng, mới chuẩn”.

Do vậy, trong khoa học, công nghệ, nếu chúng ta không có thói quen làm tiếp, tiếp quản thành quả của người khác mà thích làm lại từ đầu thì sẽ bị coi là lãng phí của cải chung của cả xã hội, giá thành sản phẩm cao và chậm nhịp độ phát triển.

Nhưng tổ chức sẽ thiếu tính sáng tạo vì không có người phản biện, hoặc thiếu sự đoàn kết và không phát huy hết các tài năng cá nhân vì những người có suy nghĩ khác biệt hoặc sẽ phải rời bỏ tổ chức hoặc ở lại thì thụ động, không dám thể hiện hết mình.

Nền tảng triết lý cho phát triển yếu

Nho giáo là hệ thống triết học bị áp đặt cho Việt Nam và chiếm vị trí độc tôn cho mãi tới thế kỷ XX. Trên nền tảng triết lý Khổng giáo ấy, rất nhiều giá trị văn hóa - xã hội, truyền thống được hình thành và phát triển, nhưng không cung cấp triết lý phát triển kinh tế - xã hội thích hợp. Việc phân chia thành “sĩ, nông, công, thương” trong xã hội là không chuẩn, thậm chí bị sai lệch, từ đó dẫn đến đảo lộn các quy tắc hành xử, ứng xử trong xã hội cũng như trong phát triển kinh tế.

Điểm sai lệch nghiêm trọng nhất là Nho giáo đánh giá thấp, thậm chí coi thường vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp và thương mại. Trong khi doanh nghiệp tạo việc làm cho 70% lao động trong xã hội, đóng thuế nuôi bộ máy chính quyền, duy trì an ninh quốc phòng, đầu tư cho hạ tầng và xã hội…

Hiện tại, một số học giả, người có tri thức vẫn có luận điểm chia những người kinh doanh ra ba loại: doanh nhân, thương nhân và con buôn, trong khi thế giới chỉ dùng một từ duy nhất là “businessman”. Tệ hại hơn, có người còn kết luận hiện thời Việt Nam chưa có doanh nhân.

Chính vì bị đánh giá thấp, bị coi thường nên doanh nghiệp và nghề buôn (thương mại) một thời gian dài không được phát triển ở Việt Nam, tất yếu đất nước sẽ nghèo.

Điểm sai lệch thứ hai cũng nghiêm trọng là nhìn nhận sai lệch về tiền bạc.

Có hai thái cực trái ngược nhau đầy mâu thuẫn về tiền bạc. Thái cực thứ nhất là coi khinh đồng tiền. Đã coi khinh đồng tiền, coi tiền là bạc bẽo thì hiển nhiên sẽ không bao giờ kiếm được nhiều tiền, không bao giờ giàu có.

Thái cực thứ hai là tuyệt đối hoá đồng tiền, “Có tiền mua tiên cũng được”, “Tiền là vạn năng”, “Tiền là tất cả”. Đã tuyệt đối hoá đồng tiền họ sẽ kiếm tiền bằng mọi giá, không quan tâm đến chữ tín, không quan tâm đến nhân cách, bất chấp hậu quả.

Triết lý vừa tuyệt đối hóa vừa coi khinh đồng tiền đã dẫn đến một bộ phận người Việt Nam không dám công khai kiếm tiền, coi khinh sự giàu có và hãnh diện với sự thanh bần của mình. Mặt khác, họ cũng hiểu quyền lực của đồng tiền, họ cũng cần tiền và muốn có nhiều tiền, thành thử họ kiếm tiền và làm giàu một cách giấu giếm.

Điểm sai lệch thứ ba là cách đánh giá con người.

Chúng ta không đánh giá cao những nguyên lý cơ bản về hệ thống, bài bản mà thường đánh giá cao sự lanh trí xử lý theo tình huống theo điển Trạng Quỳnh. Với tư duy ấy, chúng ta chỉ có thể làm tốt những hệ thống nhỏ, đơn lẻ, khi hệ thống lớn hơn, cần nhân rộng, cần phát triển lâu dài thì sự lanh trí, khôn vặt lại chính là lực cản của sự phát triển.Thời phong kiến, người giỏi là giỏi làm thơ, đối đáp (câu đối), trong khi khoa học tự nhiên và kinh tế - thương mại không được đánh giá cao. Sau đó, ở miền Bắc lại duy trì quan điểm người giỏi là giỏi các môn tự nhiên, đặc biệt là môn Toán.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Trí Thức Trẻ

Được quan tâm

Tin mới nhất
Vỡ oà với Tuấn Hải
iPhone 17: Công nghệ màn hình cao cấp sẽ trở thành tiêu chuẩn?