Đây là thông tin được PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế chia sẻ tại buổi lễ hưởng ứng ngày Nhà vệ sinh thế giới sáng nay.
Theo bà Hương, dù có nhiều tiến bộ ấn tượng về phát triển kinh tế, điều kiện sống, nhưng đến hết năm 2015, vẫn còn 35% hộ gia đình nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh (giảm 10% so với năm trước), 5 triệu người vẫn phóng uế bừa bãi ra môi trường, đặc biệt tại các khu vực miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên.
Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, việc sử dụng cầu tiêu ao cá mất vệ sinh vẫn còn diễn ra phổ biến.
Theo Unicef, khoảng 1/3 trường hợp trẻ tử vong ở trẻ em Việt Nam liên quan đến suy dinh dưỡng, và điều này có liên quan mật thiết đến bệnh tiêu chảy và giun sán do điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Vệ sinh môi trường yếu kém không những làm tăng chi phí khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng tới phát triển kinh tế và xã hội. Theo Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Việt Nam đang mất khoảng 780 triệu USD do vệ sinh môi trường kém.
Bà Hương phân tích, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu nhà vệ sinh hiện nay không phải do kinh tế mà do nhận thức của người dân về sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp.
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng và bảo quản nhà vệ sinh tại các cơ quan, trường học, bệnh viện… khiến cho các công trình vệ sinh bị xuống cấp, hư hỏng, trở thành mất vệ sinh.
Việt Nam đặt mục tiêu đến 2018 sẽ có khoảng 10 triệu người được cải thiện điều kiện vệ sinh và cam kết đến năm 2025 sẽ chấm dứt việc phóng uế bừa bãi.