Sáng nay (24/11), Quốc hội khóa 13 đã tiến hành biểu quyết thông qua Bộ Luật Dân Sự sửa đổi tại kỳ họp thứ 10. Bộ Luật Dân sự sửa đổi gồm có 26 chương với 689 điều. Trong đó, quy định về việc xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính là vấn đề đang được xã hội, đặc biệt là cộng đồng LGBT quan tâm nhiều nhất.
Trước thềm ngày bỏ phiếu, nhiều sự kiện vận động bên lề nhằm ủng hộ việc thông qua quy định về việc xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính đã được tổ chức. Đồng thời, cư dân mạng cũng đồng loạt thể hiện niềm tin và sự hy vọng của mình về kết quả bỏ phiếu của cuộc họp Quốc Hội sáng nay bằng cách thay avatar, treo status liên quan đến người chuyển giới kèm theo hashtag #NgàyBỏPhiếu.
Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu bày tỏ sự ủng hộ việc thông qua quy định về việc xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính. Anh khẳng định: “Xã hội chỉ tốt đẹp nếu như người dân hạnh phúc. Những người chuyển giới cũng là một phần của xã hội, và họ đã bị bỏ sót quá lâu rồi. Chúng ta không hề ban ơn cho họ khi ủng hộ họ. Trái lại, ủng hộ họ giờ đây chính là trách nhiệm của chúng ta, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Trong khi đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình trước khi đại biểu nhấn nút biểu quyết, ông Phan Trung Lý phát biểu: “Pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề chuyển đổi giới tính nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc.”
Cuối cùng, không nằm ngoài mong đợi và dự đoán của số đông, kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy đa số phiếu thu được tán thành với quy định về việc hợp pháp hóa chuyển đổi giới tính. Điều đó có nghĩa là quy định về việc xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính trong Bộ Luật Dân sự sửa đổi đã chính thức được thông qua.
Cụ thể như sau:
Điều 36 quy định về việc xác định lại giới tính: “Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.
Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Điều 37 quy định về chuyển đổi giới tính: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Kết quả bỏ phiếu thông qua quy định về việc xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính trong Bộ Luật Dân sự sửa đổi lần này được xem là một bước tiến cởi mở, bắt kịp xu thế toàn cầu trong hoạt động lập pháp của Việt Nam và là một tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng người chuyển giới nói riêng và LGBT nói chung tại Việt Nam trong quá trình đấu tranh để được xã hội và pháp luật công nhận.
Được biết, cộng đồng LGBT và những cá nhân, tổ chức hoạt động vì quyền lợi của LGBT trên khắp cả nước đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động nhằm ăn mừng sự kiện lớn này ngay trong chiều tối hôm nay và ngày may. Trước mắt, nhiều cư dân mạng đã rục rịch đổi avatar đồng thời nêu cao khẩu hiệu #TimeForChange #TimeForTrans để chia sẻ niềm vui với những người chuyển giới.
Bộ luật Dân sự sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2017 vì cần nhiều thời gian chuẩn bị, trước khi chính thức thống nhất áp dụng.