Gia đình xin 50.000 chữ ký mong muốn vụ án sớm xét xử
Những ngày qua, trên facebook lan truyền rất nhiều thông tin về việc gia đình bé gái Lê Thị Nhật Linh bị sát hại tại Nhật Bản đang tích cực xin chữ ký để gửi đến cơ quan chức năng Nhật Bản với mong mỏi kẻ thủ ác phải bị nghiêm trị.
Gần một năm sau khi bé gái Nhật Linh bị kẻ thủ ác sát hại ở Nhật, hung thủ dù đã bị khởi tố và tống giam nhưng vẫn một mực chối tội và giữ quyền im lặng gây kéo dài vụ án.
Hiện phía Tòa án Nhật Bản vẫn chưa có câu trả lời về thời gian cụ thể sẽ đưa vụ án ra xét xử công khai. Vì vậy, cha mẹ bé Nhật Linh là anh Lê Anh Hào và chị Nguyễn Thị Nguyên đã quyết định đứng ở các nhà ga Nhật Bản ở để vận động xin chữ ký với mong muốn chính quyền sẽ xử thật nặng kẻ đã sát hại con gái lớn của mình.
Trong khi đó, ở Việt Nam, những lời kêu gọi ký tên ủng hộ gia đình Nhật Linh cũng được chia sẻ rộng rãi và nhận được sự ủng hộ từ đông đảo của cộng đồng. Hàng loạt các địa điểm tiếp nhận chữ ký ủng hộ gia đình bé Nhật Linh đã được mở ra trên khắp cả nước.
Chia sẻ về mục đích xin chữ ký của gia đình, chị Nguyễn Thị Nguyên cho biết, gia đình đã tham khảo ý kiến của luật sư và được tư vấn thực hiện. Tại Nhật Bản, phải xin đủ 50.000 chữ ký nhằm chứng tỏ đây là vấn đề cộng đồng quan tâm, lên án và mong muốn thay đổi. Đơn đề nghị và chữ ký ủng hộ của mọi người sẽ được tòa xem xét khía cạnh bổ sung sau phần luận tội chứ không phải là căn cứ duy nhất để kết tội kẻ thủ ác.
“Hung thủ hiện đã bị tống giam và khởi tố với các cáo buộc giết người, dâm ô, bắt cóc, vứt bỏ thi thể. Đã có những chứng cứ rõ ràng nhưng hắn ta vẫn sử dụng quyền im lặng. Hắn cũng chưa đưa ra được bất kỳ chứng cứ ngoại phạm nào. Gia đình chúng tôi muốn vụ án mau được đưa ra xét xử và mong muốn hung thủ phải chịu mức án cao nhất”, chị Nguyên nói.
Luật sư: Xin chữ ký là việc làm chính đáng
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội) cho hay, vụ án bé Nhật Linh không chỉ là một cú sốc lớn đối với gia đình nạn nhân mà còn gây ra sự rúng động, bức xúc trong xã hội.
“Việc xin chữ ký kêu gọi người dân ủng hộ việc xét xử hung thủ không phải là một thủ tục bắt buộc theo pháp luật Nhật Bản nhưng hành động này cũng gây sức ép, thể hiện thái độ của dư luận trước vụ án. Theo pháp luật Nhật Bản, việc chứng minh có tội hay không chỉ được xác định theo chứng cứ định tội danh. Trong phần này, những chữ ký của người dân không được xem xét nhưng khi tòa án quyết định mức hình phạt, tòa sẽ xem xét nhiều yếu tố một cách tổng hợp”, luật sư Thơm nhấn mạnh.
Luật sư Thơm cũng cho biết, không chỉ tại Nhật Bản mà ngay tại Việt Nam, trong nhiều vụ án các gia đình nạn nhân cũng kêu gọi chữ ký ủng hộ của cộng đồng nhằm mong muốn hung thủ phải chịu hình phạt thích đáng với các hành vi phạm tội của mình.
“Việc xin chữ ký của gia đình bé Nhật Linh là một việc làm chính đáng, không bị luật pháp Nhật Bản cấm. Tất nhiên, hành động này không được xem là căn cứ quyết định để buộc tội hung thủ”, luật sư Thơm khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều luật sư và chuyên gia luật cũng cho biết, việc kêu gọi mọi người ký tên đề nghị áp dụng án tử hình đối với tội phạm đã có tiền lệ ở Nhật và là hành động chính đáng không bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, tòa án xét xử vụ án, buộc tội bị cáo căn cứ vào các chứng cứ được thu thập một cách hợp pháp chứ không căn cứ vào số lượng chữ ký của người dân về việc đề nghị tử hình hung thủ.
Trước đó, ngày 24/3/2017, bé Nhật Linh được phát hiện mất tích khi đi học. Ngày 26/3/2017, Nhật Linh được phát hiện trong tình trạng không quần áo tại một bờ sông ở thành phố Akibo, Chiba, cách nơi cháu bé mất tích khoảng 10 km.
Ngày 4/4 cảnh sát Nhật đã bắt nghi phạm Kamimasa Shibuya (40 tuổi, chủ tịch hội học sinh của ngôi trường bé Nhật Linh đang theo học). Cảnh sát Nhật Bản đã thu thập được bằng chứng như mẫu ADN và tóc của Nhật Linh trong xe hơi của Kamimasa Shibuya. Tuy nhiên, Kamimasa Shibuya vẫn im lặng khiến vụ án phải kéo dài.