Những ngày qua, làng văn Việt Nam bỗng xôn xao về nghi án Phan Huyền Thư “đạo” thơ của Phan Ngọc Thường Đoan. Cụ thể là bài thơ Bạch lộ in trong tập Sẹo độc lập (2014) của Huyền Thư được cho là có nhiều câu, chữ và tứ thơ tương đồng với tác phẩm Buổi sáng in trong tập Đếm cát (2003) của tác giả đàn chị. Đáng chú ý hơn nữa khi Sẹo độc lập vừa mang về cho Huyền Thư giải thưởng ở hạng mục Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội diễn ra cách đây không lâu.
Sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa hai bài thơ trên do nhà báo Hà Quang Minh phát hiện, chia sẻ trên Facebook và chủ động gọi điện báo cho tác giả Buổi sáng vào tối 18/10. Ngay khi vừa nhận được thông tin, nhà thơ Thường Đoan đã rất “bất ngờ và sốc đến mức không tin đó là sự thật” nhưng đọc qua bài thơ Bạch lộ của đàn em, chị đã nhận ra ngay đây chính là tác phẩm của mình.
Theo chia sẻ của Thường Đoan, Buổi sáng được chị “tức cảnh sinh tình” cho ra đời vào sáng ngày 27/6/2000 tại quán cà phê Catinat của nhạc sĩ Phú Quang (trước kia nằm trên đường Đồng Khởi, nay đã ngừng hoạt động) trong lúc ngồi chờ gặp anh. Sau đó, nhạc sĩ Em ơi Hà Nội phố đã đề nghị phổ nhạc Buổi sáng, đổi tên thành Catinat cafe sáng và đưa vào CD Phú Quang vol.5 Về lại phố xưa (2001). Nhạc sĩ Phú Quang cũng đã lên tiếng xác nhận tất cả những thông tin trên với báo chí cách đây không lâu.
Nhà thơ Phan Hoàng - Phó Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM, người đầu tiên được Thường Đoan gọi điện thông báo và chia sẻ về vụ việc đã khuyên chị bỏ qua cho Huyền Thư và tạm ngưng trả lời báo chí. Bản thân Thường Đoan ngay từ đầu cũng đã không muốn làm lớn chuyện mà chỉ cần đàn em thừa nhận việc làm sai trái và công khai xin lỗi chị cũng như độc giả. Tuy nhiên, những động thái từ phía Phan Huyền Thư về sau đã khiến Thường Đoan không khỏi thất vọng.
Không lâu sau khi vụ việc được lan truyền rộng rãi, Huyền Thư đã gọi điện cho Thường Đoan nhưng không phải để xin lỗi mà chỉ nhằm “thăm dò” thái độ của đàn chị. Cô còn hứa hẹn sẽ bay vào TP HCM vào sáng 19/10 để nói chuyện trực tiếp với Thường Đoan nhưng đã không thực hiện.
Không những thế, tác giả Bạch lộ còn khẳng định “Em chỉ in sau chứ không viết sau” khi bình luận trên Facebook của một diễn đàn. Đồng thời nữ tác giả trẻ cũng trả lời với báo chí rằng cô đã viết bài thơ gây tranh cãi cách đây 19 năm, tức vào năm 1996 nhưng chưa đưa ra được bất kỳ một bằng chứng thuyết phục nào.
Trong một bài phỏng vấn đăng vào sáng ngày 19/10, Huyền Thư tiếp tục khẳng định: “Bài thơ tôi viết từ năm 1996 nhưng tôi không muốn xoáy vào chuyện ai viết trước ai viết sau nữa, vì tôi còn đang chờ các bằng chứng cho mình. Lúc này, sự im lặng của tôi không phải là để xem ai đúng ai sai mà chỉ vì tôi không muốn làm cho chị Đoan cảm thấy bị tổn thương thêm. Đây không phải là câu chuyện ai sẽ cười ai sẽ khóc mà là câu chuyện cả hai người đàn bà làm thơ đều khóc”.
Trước những phản hồi mà Thường Đoan gọi là “một sự xúc phạm” từ phía Huyền Thư, tác giả Buổi sáng đã quyết định một lần nữa lên tiếng với báo chí. Và SaoStar là một trong những kênh thông tin đầu tiên mà nữ thi sĩ đã tin tưởng lựa chọn để gửi gắm tâm tư đến độc giả nói chung cũng như tác giả Bạch lộ nói riêng.
Sau buổi phỏng vấn giữa SaoStar và nhà thơ Thường Đoan, cũng trong chiều ngày 20/10, cuộc họp khẩn cấp của Hội Nhà văn Hà Nội về nghi án “đạo” thơ của Huyền Thư cũng đã có kết quả. Theo đó, tất cả các thành viên Hội đồng xét giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Hà Nội đều đi đến quyết định rút lại giải thưởng đã trao cho cô. Kết quả này không nằm ngoài dự đoán của phần đông những người đã quan tâm theo dõi vụ việc thời gian qua.
Nhà thơ Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch của Hội Nhà văn Hà Nội và thành viên của Hội đồng xét giải thưởng thơ còn tiết lộ thêm: “Trưa 20/10, Phan Huyền Thư đã gửi thư xin trả giải thưởng. Ngoài xin rút giải thưởng, bức thư còn có nội dung xin lỗi độc giả và cả tác giả Phan Ngọc Thường Đoan. Lý do mà nữ nhà thơ đưa ra là không muốn ảnh hưởng tới uy tín của Hội Nhà văn Hà Nội và giải thưởng. Tuy nhiên, cô vẫn không thừa nhận “đạo” thơ mà bảo lưu ý kiến tác phẩm của mình được sáng tác năm 1996 và đang tìm bằng chứng để bảo vệ tác quyền của mình”.
Trước đó, Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn, một bài thơ khác nằm trong tập Sẹo độc lập của Huyền Thư cũng dính nghi án xâm phạm tác quyền vì giống với tứ thơ trong bài Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển của Du Tử Lê. Hai nghi án “đạo” thơ liên tiếp gần đây của tác giả Phan Huyền Thư không chỉ khiến cho công chúng ít nhiều mất đi thiện cảm và niềm tin dành cho chị mà còn là hồi chuông báo động về vấn nạn xâm phạm tác quyền trong hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay.
Nhận xét về thực trạng nhức nhối trên của làng văn nghệ nước nhà, tác giả Thường Đoan đã bày tỏ quan điểm cá nhân như sau: “Mới đầu người ta lấy thơ của mình thì mình bực bội, phản ứng mạnh nhưng sau một thời gian thấy người ta lấy hoài sẽ quen đi, cảm thấy bình thường và không chú ý nữa. Từ đó sinh ra tâm lý tội nghiệp cho người lấy thơ mình và những người lấy thơ của người khác vì bản thân họ chắc không làm được. Cái gì họ thích mà không làm được thì họ hay lấy”.