Trưởng ban chuyên an lên tiếng vụ nữ sinh giao gà bị giam giữ suốt 2 ngày không kịp giải cứu
Liên quan đến vụ việc nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên (22 tuổi, trú huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bị sát hại khi đi giao gà chiều 30 Tết, ngày 20/2 đại tá Tráng A Tủa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, trưởng ban chuyên án đã lên tiếng về việc nạn nhân bị giam giữ suốt hơn 2 ngày nhưng công an vẫn không kịp giải cứu.
Theo đại tá Tủa, ông đã nắm được việc nhiều ý kiến không đồng tình về việc công an tỉnh này khen thưởng cho ban chuyên án. Bản thân ông Tủa không có ý kiến gì về việc khen thưởng, ông chỉ cho rằng trách nhiệm của công an là luôn làm hết mình để không bỏ lọt hung thủ .
Chia sẻ về chuyên án vừa được phá, đại tá Tủa cho biết, đây là vụ án cực kỳ phức tạp, hung thủ có thủ đoạn che giấu hành vi rất kĩ, mọi tang chứng, vật chứng đều bị phi tang mỗi thứ một nơi.
Việc nạn nhân bị giam giữ, xâm hại trong thời gian hơn ngày (từ tối 30 Tết đến mùng 2 Tết) một phần do nạn nhân bị giam giữ trên xe mà không phải ở trong nhà nên việc tìm kiếm không hề đơn giản.
“Công an phải nhờ nhà mạng cung cấp thông tin mới lần tìm được số điện thoại hung thủ dùng để liên lạc với nạn nhân yêu cầu chở gà đến điểm hẹn. Tuy nhiên, hung thủ dùng sim rác và gọi xong là phi tang hết vật chứng gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra. Nhờ người dân cung cấp thông tin nhận dạng Hùng nên chúng tôi đã dựng đối tượng lên, rồi khoanh vùng lại và xác định nghi phạm để bắt”, đại tá Tủa nói.
Theo một cán bộ điều tra, số điện thoại đối tượng Vương Văn Hùng sử dụng để liên lạc với Cao Thị Mỹ Duyên đã được các trinh sát kiểm tra, giám sát ngay gia đình trình báo, nhưng một kẻ có đến 3 lần đi tù, mới ra trại được 3 tháng như Hùng không dễ dàng để bị phát hiện.
Hắn sử dụng một chiếc sim qua rất nhiều chủ, số đăng kí lại là của một đại lý tận Tây Nguyên. Phải mất rất nhiều công sức lần dò từng chi tiết, mối quan hệ, các trinh sát mới khoanh vùng được chính Hùng là kẻ đã đặt mua gà của nạn nhân. Một điều gây khó khăn cho công tác điều tra là nghi phạm Hùng không có hộ khẩu thường trú tại địa phương và thường hay lang thang nên cơ quan chức năng cũng không kiểm soát được.
“Chúng tôi phải khoanh vùng hàng trăm đối tượng, công tác điều tra khó như mò kim đáy bể”, đại tá Tủa nói thêm.
Tại sao không truy ngay được số điện thoại Vương Văn Hùng gọi nữ sinh giao gà?
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội đã cho biết rõ hơn về việc tại sao không thể truy ngay số điện thoại của hung thủ gọi nữ sinh giao gà vào chiều tối 30 tết.
Theo luật sư Thơm, do đặc thù tỉnh Điện Biên là tỉnh miền núi, có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Điều kiện phát triển kinh tế xã hội, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế không như thủ đô Hà Nội.
Do đó, việc đấu tranh chống tội phạm bằng các ứng dụng khoa học kỹ thuật là rất khó khăn. Hệ thống lắp đặt Camera giám sát của địa phương, cũng như của các hộ dân là rất ít đã gây khó khăn trong việc xác định hung thủ và tuyến đường đi gây án.
“Khi Cơ quan điều tra xác định số điện thoại của ‘người đàn ông lạ mặt’ sử dụng để liên lạc với Cao Thị Mỹ Duyên thì các trinh sát kiểm tra, giám sát ngay. Việc truy tìm chủ thuê bao và các cuộc gọi phải được thực hiện theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự vì nó liên quan đến nhà cung cấp mạng và bí mật đời tư công dân.
Để xác định chủ thuê bao số điện thoại, địa điểm, vị trí và cuộc gọi phải phụ thuộc vào nhà cung cấp mạng viễn thông. Tuy nhiên, nhà cung cấp mạng viễn thông cùng các hệ thống thiết bị máy chủ lại được đặt tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.
Mặt khác, việc trích xuất này phải theo đúng trình tự pháp luật được quy định tại Điều 197 BLTTHS 2015. Do đó, Cơ quan điều tra tỉnh Điện Biên sẽ không thể nhanh chóng thực hiện được các nghiệp vụ truy ngay được số điện thoại của hung thủ như các vụ án trọng án xảy ra tại Thủ đô Hà Nội, cũng như các Tỉnh thành phố lớn trên cả nước”, luật sư Thơm nhấn mạnh.
Điều 197 BLTTHS. Thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông
1. Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
2. Trường hợp không thể trì hoãn việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra có thể tiến hành thu giữ nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc thu giữ để xét phê chuẩn.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh thu giữ phải trả lại ngay cho cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, đồng thời thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết.
3. Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người quản lý cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan phải tạo điều kiện để người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ.
Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, phải có đại diện của cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản. Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết. Nếu việc thông báo cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo ngay.