“Hành trang” chuẩn bị trước khi gặp một tín đồ
Trong những ngày qua, báo chí đã liên tục có các nội dung cảnh báo về “Hội Thánh Đức Chúa Trời” với những tư tưởng phi khoa học, phản cảm, phản tác dụng trong cuộc sống hằng ngày và đang được lan truyền rộng rãi qua mạng lưới tín đồ truyền đạo trái phép.
Tuy nhiên, thông qua một số nguồn tin hiểu rõ vấn đề, tôi nhận ra rằng có những chi tiết đang bị nói quá, và đó có thể là điều tai hại trong nỗ lực thông tin để mọi người nhận ra những điều sai trái của thứ đạo trên.
Chẳng hạn như “nước thánh lạ màu đỏ” có thể chứa chất hướng thần khiến các tín đồ nghe theo một cách mù quáng. Tôi được biết đó chỉ là rượu vang hoặc nước ngọt, và thứ “nước thánh” đó cùng bánh thánh cũng không có chất hóa học thần kinh nào để có thể điều khiển tín đồ ngày này qua tháng khác…
Nếu hiểu một cách mù mờ như vậy, chúng ta sẽ dễ lầm tưởng rằng nếu bản thân không ăn bánh, uống nước của tổ chức đó, thì chúng ta có thể “miễn nhiễm” khỏi thứ đạo phi khoa học này. Thực tế thì “vũ khí” để “Hội Thánh Đức Chúa Trời” lôi kéo mọi người không phải là một dạng vật chất hữu hình sờ nắn được như vậy.
Thay vào đó, họ dùng mạng lưới truyền bá với những “đòn tâm lý”, chia sẻ và vận động giống hệt như “đa cấp”, họ xây dựng một môi trường văn hóa kiểu Hàn Quốc, với sự lịch thiệp (nam mặc vest, nữ mặc váy dạng công sở), tôn trọng dành cho nhau… Tất cả điều đó sẽ khiến những người ít kinh nghiệm sống dễ bị xao động và lôi kéo, đặc biệt là những bạn sinh viên trẻ có ham muốn khẳng định bản thân nhưng chưa tìm được cách phù hợp.
Đặc biệt, một nguồn tin thân cận cho tôi biết rằng, lời khuyên để “kéo” người thân là tín đồ của “Hội Thánh Đức Chúa Trời” ra khỏi thứ đạo phi khoa học này chỉ có thể là sự mềm mỏng, chân thành cùng những lời chia sẻ phù hợp, chứ tuyệt đối không phải là bạo lực. Vì càng áp dụng bạo lực thể xác hay tinh thần, mỗi tín đồ sẽ lại càng gắn bó với thứ “thuốc phiện tinh thần” đó hơn, để vượt qua nỗi đau mà họ phải gánh chịu…
Tất cả những điều ở trên nằm trong quá trình tìm hiểu của tôi về “Hội Thánh Đức Chúa Trời”, để chuẩn bị trước khi có cuộc gặp đặc biệt với một nữ tín đồ trẻ, với hy vọng có thể giúp em tỉnh ngộ phần nào, mà không bị thứ đạo phi khoa học này lôi kéo rời xa vòng tay của người thân và bè bạn.
Nữ tín đồ trẻ trong trẻo, mê muội và những điều trăn trở
Qua một số mối quan hệ, tôi được sắp đặt trò chuyện với một nữ tín đồ trẻ của “Hội Thánh Đức Chúa Trời” tại ngôi nhà ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Trước khi tới gặp em, tôi được biết rằng em đang là sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học trên địa bàn. Em được miêu tả là cô gái rất xinh xắn, ngoan ngoãn, hiền lành, ít nói và chăm học, học rất tốt. Bố mẹ em ở nông thôn đặt rất nhiều kỳ vọng vào cô con gái sống nội tâm của mình.
Rồi tới khi cô nữ sinh đại học đó bỗng dưng chểnh mảng học hành, dành rất nhiều thời gian đi “làm gì đó” tại một nơi cách nhà gần 8km, thì gia đình mới lo lắng tìm hiểu, và bàng hoàng phát hiện ra em đã tham gia “Hội Thánh Đức Chúa Trời” được gần một năm, mà chẳng ai hay biết. Trong một tuần, em chỉ đăng ký học 3 buổi, còn lại tất cả thời gian em tập trung vào việc đi truyền đạo, hội họp…
Rất nhiều nỗ lực khuyên can, giải thích đã được gia đình thực hiện, nhưng em chỉ đón nhận với ánh mắt vô cảm, thậm chí có phần dè bỉu những điều chia sẻ từ người thân, bạn bè…
Tôi gặp em trong một phòng riêng vào buổi tối một ngày cuối tuần, để đảm bảo không có bất kỳ ánh mắt tò mò, dò xét nào làm ảnh hưởng tới cuộc trò chuyện.
Ấn tượng ban đầu của tôi khá tích cực về nữ tín đồ trẻ có “gần 1 năm kinh nghiệm” đi theo thứ đạo phi khoa học này. Em trong trẻo, xinh xắn với nét mặt hiền hậu, khuôn mặt thanh tú và nụ cười chân thành kỳ lạ. Duy có đôi mắt lại thâm quầng, không giống với đôi mắt của một nữ sinh đại học chưa phải trải qua gánh nặng cơm áo gạo tiền… Khi đó, tôi chỉ chợt nghĩ “có lẽ, em đã dành không ít thời gian trăn trở đêm khuya với hội thánh đó?”
- Vì sao em tin tưởng vào Hội Thánh Đức Chúa Trời như vậy?
- Vì… em đã kiểm chứng bằng phương pháp khoa học. Em thấy theo khoa học, họ nói những điều đúng đắn, vậy tại sao lại không tin tưởng và nghe theo? Em biết được tương lai của mình sẽ như thế nào, tương lai về nghề nghiệp, cuộc sống… chỉ là cái ngắn hạn trước mắt…
- Em kiểm chứng như thế nào? Em có chắc những người truyền bá tư tưởng đó cho em (hiểu nôm na là “người quản lý”) thực hiện đúng những điều răn dạy hay không? Em đã tới nơi họ ở, xem cách họ sống, họ làm việc, đối xử với người xung quanh như thế nào chưa?
- Em…
Sự ngập ngừng của nữ tín đồ trẻ không nằm ngoài dự đoán của tôi. Có lẽ vì tôi đã có đôi chút kinh nghiệm trao đổi với những người từng rơi vào bẫy “đa cấp”, từng bị những luận điệu lừa phỉnh dẫn dụ, và khi phải đối mặt với những câu hỏi “kiểm chứng chéo”, họ không biết phải trả lời thế nào cho sự mê muội đang theo đuổi.
Sau đó, bằng cách khơi gợi câu chuyện cởi mở hơn, tôi được em chia sẻ rằng khi gia nhập “Hội Thánh Đức Chúa Trời”, em được thấy những điều rất tích cực như: Tín đồ không được hút thuốc, không uống rượu, vợ chồng không được tà dâm…
- Vậy em đã thử kiểm chứng những người truyền bá cho em thực sự không uống rượu, không hút thuốc, không có quan hệ tình ái ngoài luồng trong cuộc sống chưa? Như em vừa khẳng định bản thân tin vì đã “kiểm chứng khoa học”?
- Em…
Cứ mỗi lần nữ tín đồ trẻ ngập ngừng, tôi lại tin rằng mình đã chỉ ra một chi tiết “sơ hở” nào đó, để em tự vấn với chính bản thân rằng, thứ tôn giáo mà em tin tưởng đã được kiểm chứng thực sự kỹ lưỡng để tin theo hay chưa.
- Em khẳng định rằng từ khi tham gia “Hội Thánh Đức Chúa Trời”, em được nghe những điều răn tích cực, để hướng tới lối sống tích cực. Vậy tại sao những người truyền đạo cho em không nói rằng em hãy tập trung học như thế nào để trở thành người có ích, không nói em có thể làm gì đó thiết thực để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mà lại khuyến khích em dành thời gian đi… truyền đạo, lôi kéo người khác vào hội?
- Đó không phải là sự bắt buộc, mà là tự nguyện!
- Vậy em có thấy sự mâu thuẫn ở đây không? Em tự nguyện làm điều mà em cho là tích cực, nhưng em đánh giá hiệu quả sống và làm việc của bản thân suốt gần 1 năm qua như thế nào, kể từ khi nhập hội? Hãy nhìn vào kết quả học tập, số lượng mối quan hệ bạn bè mà em có, và những điều tích cực thiết thực em đã làm được trong cuộc sống!
- (im lặng)
Sự im lặng của em cũng chính là sự im lặng của những người mê muội tham gia vào các đường dây bán hàng đa cấp mà tôi từng gặp. Họ - những người trẻ tuổi hoặc ít kinh nghiệm sống - luôn ham muốn có thể khẳng định mình, có thể tìm ra một phương thức nào đó giúp bản thân thoát ra khỏi vỏ bọc thiếu tự tin. Và những “đòn tâm lý” qua lời chia sẻ đường mật có hiệu quả không ngờ đối với họ, nhưng buồn thay, đó lại là thứ hiệu quả đầy tiêu cực!
Câu chuyện của chúng tôi kéo dài gần 1 giờ đồng hồ. Khi đứng dậy và chia tay em, tôi chìa tay ra bắt, và nhận thấy cô gái trẻ có bàn tay rất lạnh.
“Anh hy vọng sau một năm, khi có cơ hội gặp lại em, đó sẽ là bàn tay nóng của một người trẻ tràn đầy nhiệt huyết, tìm thấy đường đi đúng đắn để cống hiến trái tim và khối óc của mình, chứ không phải bàn tay lạnh của một người truyền đạo phi khoa học thế này!”, tôi đã nói thế khi chia tay em.
*****
Sau cuộc trò chuyện, tôi đã nhìn thấy sự dao động, suy nghĩ của em. Đó là một dấu hiệu rất tích cực, bởi dù hoàn toàn không phải là một người “truyền bá cải đạo” xuất sắc, tôi vẫn có thể chỉ ra những điều phi lý của thứ tôn giáo mà em đang theo đuổi.
Cũng giống như những lần trò chuyện khác với các “tín đồ đa cấp”, tôi hiểu rằng không thể nào thay đổi lối suy nghĩ cuồng tín của họ chỉ bằng một cuộc trao đổi. Nhưng ít ra, họ cũng đã nhận được một thông điệp mà tôi muốn truyền tải: Cuộc sống cần sự tỉnh táo và khôn ngoan. Đạo nào dạy chúng ta giữ tâm tốt, làm việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, thì đó là đạo tốt. Còn nếu đạo nào khuyến khích tín đồ bỏ học, bỏ làm để đi lôi kéo người khác cùng đi theo tôn giáo của mình, thì đó đích thực là thứ “thuốc phiện tinh thần” cần phải tránh xa