Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Về Chợ Lớn tìm kí ức tiệm chạp phô: Cả trời tuổi thơ gói gọn trong căn sạp nhỏ

'Nếu tôi không còn, tiệm chạp phô cũng sẽ không còn vì con cháu, anh chị không ai chịu theo. Cái nghề này cực quá mà', bà Quế nói rồi thở dài, nhìn ráng chiều đang buông hờ hững trên mái che bạc phếch.

Kí ức chạp phô

Chạp phô theo tiếng Quảng Đông có nghĩa là tạp hóa. Người bán chạp phô thường là người gốc Hoa sống tại khu vực Chợ Lớn (quận 5). Tiệm chạp phô nằm trong những con hẻm nhỏ, ở góc chợ hay khuất sau những con đường lớn. 

Về Chợ Lớn tìm kí ức tiệm chạp phô: Cả trời tuổi thơ gói gọn trong căn sạp nhỏ Ảnh 1
Một góc tiệm chạp phô

Cái cửa tiệm cũ kĩ, bé xíu nhưng chứa hàng trăm món hàng: xì dầu, nước mắm, tương ớt, mì gói, bánh kẹo, ống chỉ, cây kim, hộp quẹt, đường trắng, thuốc lá... 

Khách hàng thường là những người hàng xóm, bà con lân cận. Ai mua gì bán đó, cần ít bán ít, cần nhiều bán nhiều, thậm chí còn có cả... bán thiếu. Nếu là đứa trẻ lớn lên ở khu Chợ Lớn, chắc hẳn tiệm chạp phô là một phần kí ức trong tuổi thơ của bạn.

Về Chợ Lớn tìm kí ức tiệm chạp phô: Cả trời tuổi thơ gói gọn trong căn sạp nhỏ Ảnh 2

Miền kí ức êm đềm đó, chắc hẳn bạn đã có những buổi trưa hè cầm 2.000 đồng mua bánh tai heo, hay được mẹ nhờ đến chạp phô bịch bột giặt, chai nước tương... 

Trong mắt của bọn trẻ con lúc ấy, tiệm chạp phô là "thế giới" đáng mơ ước. Thân hình nhỏ thó của đứa nhỏ (như chúng tôi) dễ dàng lách vào hàng đường đậu trước tiệm, chạm tay vào bộ đồ chơi trên kệ, mân mê hủ bánh men hay hít hà mùi bạch quả, bông cúc khô...

Về Chợ Lớn tìm kí ức tiệm chạp phô: Cả trời tuổi thơ gói gọn trong căn sạp nhỏ Ảnh 3

Chủ tiệm chạp phô thường là người gốc Hoa, nói giọng lơ lớ, đáng yêu. Chúng tôi hay gọi là "dì Xẩm", đây là một cách gọi người phụ nữ Hoa. 

Dì Xẩm không giàu, vốn liếng của chẳng nhiều nên tiệm chạp phô cũng không lớn. Tiệm dì nằm nép mình trong cái xóm lao động nghèo. Nhưng điều để mọi người lui tới tiệm chạp phô là tấm lòng của người phụ nữ này. 

Về Chợ Lớn tìm kí ức tiệm chạp phô: Cả trời tuổi thơ gói gọn trong căn sạp nhỏ Ảnh 4

Khi thì cho má sấp nhỏ thiếu tiền gạo, lúc lại dấm dúi mớ dầu cù là cho con bé hàng xóm đang bị cảm mạo... Khách đến miết thành quen, thành thân, thi thoảng khi dì Xẩm bận, mọi người cũng xúm lại đong dầu, cân đường đậu. Và cứ thế, tiệm chạp phô không chỉ là nơi mua bán, mà còn chỗ cho nhận và nằm lại trong kí ức của bao đứa trẻ khi lớn lên.

Về Chợ Lớn nghe chuyện chạp phô

Với sự phát triển của xã hội, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại... tiệm chạp phô dần ít ỏi. Những ngày rảnh rỗi, chúng tôi lại dong xe về Chợ Lớn, loanh quanh mấy khu chợ sầm uất rồi lại ngồi nghe kể chuyện về tiệm chạp phô.

Về Chợ Lớn tìm kí ức tiệm chạp phô: Cả trời tuổi thơ gói gọn trong căn sạp nhỏ Ảnh 5

Cuộc đời của bà Lâm Ngọc Quế (ngụ TP.HCM) đã có hơn 60 năm gắn với tiệm chạp phô. 15 tuổi, bà theo chân ba mẹ đi lấy hàng, đong đếm dầu hôi, đường đậu, gạo nếp... 

Nhà có 3 anh chị em, nhưng chỉ mình bà theo nghề ba mẹ. "Cái nghề này cực nhưng tiền chỉ vừa đủ để trang trải qua ngày. Ví dụ như mỗi buổi sáng, tôi phải thức dậy từ lúc 4 giờ 30 để dọn hàng. Cái sạp nhỏ xíu như vậy mà bày ra bán gần 1 tiếng rưỡi. Minh không dám đi đâu, vì sợ khách quen lại tìm không thấy, mình lại mất khách".

Về Chợ Lớn tìm kí ức tiệm chạp phô: Cả trời tuổi thơ gói gọn trong căn sạp nhỏ Ảnh 6
Về Chợ Lớn tìm kí ức tiệm chạp phô: Cả trời tuổi thơ gói gọn trong căn sạp nhỏ Ảnh 7

Tiệm chạp phô của bà nằm nép trong góc chợ. Cửa tiệm be bé vừa là nơi buôn bán, vừa là chỗ gia đình sinh hoạt. Thi thoảng, có đứa bé lại chạy đến mua dầu ăn, lúc thì cô công nhân tạt ngang mua sữa về cho con... Hàng hóa được bà xếp ngay ngắn, chỉn chu. 

Về Chợ Lớn tìm kí ức tiệm chạp phô: Cả trời tuổi thơ gói gọn trong căn sạp nhỏ Ảnh 8

Dịch Covid-19 làm tiệm chạp phô của bà vắng khách hẳn, cùng với sự phát triển của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, nhưng bà vẫn giữ tiệm. Bởi đối với bà, nó là kỉ niệm, là nơi lui tới, ra vào hơn 60 năm nay. Ở cái tuổi đã có thể nghỉ ngơi, nhưng bà vẫn lấy việc chăm chút cho từng mớ bạch quả, hộp đường phèn, gói bột mì... làm niềm vui.

Về Chợ Lớn tìm kí ức tiệm chạp phô: Cả trời tuổi thơ gói gọn trong căn sạp nhỏ Ảnh 9

Hơn 60 năm, tiệm chạp phô là cả cuộc đời bà. Đây là cái nghề của ba má, của bà, mọi thứ trong cửa tiệm đều được bà gìn giữ, trân trọng. Nhưng nỗi lo lớn nhất của bà là không ai giữ nghề, theo nghề. Bà kể: "Nếu tôi không còn, tiệm chạp phô cũng sẽ không còn vì con cháu, anh chị không ai chịu theo. Cái nghề này cực quá mà".

Về Chợ Lớn tìm kí ức tiệm chạp phô: Cả trời tuổi thơ gói gọn trong căn sạp nhỏ Ảnh 10

Một ngày của bà bắt đầu khi mặt trời chưa lên, và kết thúc lúc hoàng hôn đã buông xuống. Mái che của tiệm chạp phô cũng đã bạc phếch màu năm tháng. Hàng hóa tiệm chạp phô càng nhiều, đồng nghĩa với không gian sống càng hẹp lại. Bà Quế giải trí mỗi tối bằng cái tivi nhỏ, đặt cạnh mớ hàng ngổn ngang, chất cao quá đầu.

Về Chợ Lớn tìm kí ức tiệm chạp phô: Cả trời tuổi thơ gói gọn trong căn sạp nhỏ Ảnh 11

Đối với chúng tôi, tiệm chạp phô bây giờ khác hẳn với hồi xưa. Mấy lọ sành được thay thế bằng khay nhựa. Lọ bánh men, bánh tây, bánh tai heo... cũng biến thành những gói kẹo dẻo, kẹo socola, bánh ống... đều sắc màu. Tiệm thay đổi theo khách, theo nhu cầu. Nhưng những "dì Xẩm" năm nào vẫn thế, hiền lành, hồn hậu, coi mấy đứa nhỏ như con cháu trong nhà.

Bà Quế cũng thế, chúng tôi thầm biết ơn người phụ nữ này đã giữ tiệm chạp phô, như giữ hộ phần kí ức của những đứa trẻ lớn lên ở Chợ Lớn năm nào. Để mỗi khi thấy mệt mỏi trong cuộc sống, chúng lại dong xe về Chợ Lớn, tìm về những tiệm chạp phô cũ kĩ trong kí ức.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Khải Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất