Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Văn hóa cúi rạp người chào có thuộc về chúng ta?

Hoàng Minh Trí Theo dõi Saostar trên google news

“Lời chào cao hơn mâm cỗ” – Các cụ ta xưa đã đúc kết như vậy. Nhưng đôi khi, không cần phải cúp gập người, mà chỉ cần nở một nụ cười tươi khi gặp mặt, cũng khiến người đối diện cảm thấy ấm áp, trân trọng.

Ngày hôm qua trên một diễn đàn mạng có hơn 300.000 thành viên có chủ đề rất xôm tụ, họ chửi bới và mạt sát một doanh nhân Việt Nam chỉ bởi ông cho rằng việc cúi đầu chào khách của vị giám đốc bán xăng người Nhật là hết sức bình thường.

Tôi cười phá lên, vâng, cười rất to, cười cay đắng về cách đám đông hung hăng kia đang bênh vực, tôn vinh, tung hô sự văn minh bằng những hành vi hết sức phản cảm, mạt sát và chửi bới. Người ta không cần biết, đoái hoài đến ông doanh nhân người Việt máu đỏ da vàng kia đã và đang đồng hành cùng hàng vạn nông dân Việt Nam thay đổi bộ mặt nông nghiệp Việt, làm giàu bằng công nghệ cao trên chính mảnh đất hình chữ S này.

Cái cúi đầu của vị Tổng giám đốc Nhật Bản nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta quay ra mạt sát lẫn nhau trên mạng xã hội bởi câu chuyện liên quan đến yếu tố “Tây”. Từ chuyện thay avatar có hình lá cờ 3 màu tưởng niệm những nạn nhân khủng bố tại Pháp năm nào cho đến cái cúi đầu chào khách mua xăng năm nay. Tôi đã từng nghe đâu đó rằng “Đừng tin rằng những ông Tây biết yêu thương người Việt hơn chính người Việt”, có vẻ đúng và cũng có vẻ sai, nếu chỉ nhìn vào bề nổi, cách hành xử trên mạng xã hội.

Hình ảnh ông chủ người Nhật chào từng vị khách.

Dù cho họ đang đi xe máy hay ô tô.

Văn hóa người Nhật chào hỏi hay “Cúi đầu”. Cúi đầu, tiếng Nhật là Ojigi (お辞儀). Nhắc đến người Nhật, người ta nghĩ ngay đến cúi đầu, nó thường xuyên đến nỗi người ta cúi đầu như thể một phản xạ tự nhiên vậy.

Hình thức chào trên mỗi đất nước đều là văn hóa của riêng họ, người Thái Lan chắp tay, người Maori ở New Zealand chào nhau bằng một cử chỉ truyền thống gọi là “Hongi”. Hai bên chìa mũi ra cọ nhẹ vào nhau và mỉm cười, đơn giản vậy thôi.

Hay người Việt chào nhau bằng những mẫu câu rất lạ như xứ ta: “Ê! Đi đâu đó mày?” “Ê! Ăn cơm chưa?”, “Ê! Bữa giờ nhậu dữ hông?”… Đó là những câu chào mà người hỏi chả cần người nghe trả lời, hỏi để hỏi vậy thôi. Văn hóa mà!

Mỗi nước có một nền văn hóa khác nhau và tất nhiên, cách chào hỏi cũng sẽ khác nhau.

Dạo quanh một vòng dịch vụ ở nhiều cửa hàng của người Việt như Thế giới di động, ở Nguyễn Kim, FPT Shops… tôi thấy nhân viên ở đây chào như bửa củi, đôi khi làm khách hàng ái ngại vì có việc phải ra vào thường xuyên và lúc nào các bạn nhân viên cũng cúi rạp người để chào… nhưng chưa thấy bài báo nào khen. Phải chăng vì họ là cùng dòng máu nên có sự vô hình thấu cảm không cần nhắc đến?

Tôi đã từng xem nhiều clip trên mạng Internet, trong ấy chan chát nội dung đối thoại giữa người dân và cảnh sát giao thông ở Việt Nam trong những tình huống kiểm tra vi phạm lặt vặt. Vô số trường hợp bắt đầu căng thẳng ngay từ lời nói bắt lỗi đầu tiên: “Anh đã chào tôi chưa, ơ kìa?”. Anh cảnh sát ngượng nghịu, lúng búng vung tay lên vành mũ kếp-pi khiên cưỡng chào rất nhanh kiểu cho có rồi vào việc luôn: “Tôi chào anh rồi đấy nhé, anh cho kiểm tra giấy tờ!”. Một lời chào “méo miệng”.

Nỗi vất vả của bên nào là thường trực? Có lẽ không cần khảo sát thì cá nhân mỗi người dân đều nhiều ngần ngại khi bắt buộc phải đến chốn công quyền.

Có công quyền, hách dịch đến đâu thì CSGT cũng vẫn cứ phải chào người dân trước đã. Ảnh: Internet.

Năm ngoái, trong mỗi ngày làm việc của cán bộ, chiến sĩ điểm cấp mới, cấp đổi chứng minh nhân dân, Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Hà Nội (44 Phạm Ngọc Thạch) bắt đầu bằng việc chào dân nhằm thể hiện sự tôn trọng và nhắc nhở về chức trách phục vụ nhân dân.

Cho dù loáng thoáng đâu đó một chút gượng gạo nhưng tôi thấy đây là một tín hiệu le lói đáng mừng, rất cần thiết được nhân rộng khi cái hố khoảng cách giữa cảnh sát nói riêng và công quyền nói chung với người dân ngày càng rộng miệng.

Có quan cách đến đâu, một nhân viên công quyền khó lòng hách dịch quát tháo ngay được với người đối diện mà mới trước đó vài chục giây, mình vừa phải đứng nghiêm chào - dù là chào theo điều lệ.

Tôi cũng chả dám mơ ước xa xôi, chỉ mong rằng, đến lúc nào đó những vị cán bộ khi đối diện với nhân dân, gửi tới chúng ta một nụ cười và lời chào tự nhiên nhất có thể.

Nhân viên ở FPT vẫn luôn niềm nở chào khách nhưng hình như, việc làm này ít được chúng ta nhắc đến. Ảnh: FPT.

Có lẽ chỉ cần hao hao tươi tắn giống như những người phục vụ nhà hàng, dịch vụ, bán vé cầu đường… thì khi ấy, ắt những vụ việc chống người thi hành công vụ, phàn nàn dịch vụ công cũng sẽ thuyên giảm đáng kể. Tôi tin là vậy. Có ai muốn đôi co căng thẳng, lằng nhằng, hoạnh họe khó chịu với một “đầy tớ” đầy trách nhiệm vừa lịch lãm gật đầu chào mình.

Phản xạ chào hỏi cũng có thể mai một, kém tự nhiên hơn nếu chúng ta ít sử dụng nó. Lời chào hỏi là một hành vi văn hóa cần thiết trong cuộc sống văn minh. “Tác dụng phụ” duy nhất của nó, tôi tin, sẽ chỉ làm người đối diện tôn trọng, có thiện cảm với ta hơn.

Không cần phải cúi rạp người như người Nhật bởi văn hóa đó không thuộc về chúng ta, nhưng đó nên là một lời chào tròn tiếng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hoàng Minh Trí

Được quan tâm

Tin mới nhất