Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Love Wins

Vẫn chưa được chuyển giới dù đã cấp quyền hợp pháp

Hành vi phẫu thuật chuyển giới tại các cơ sở y tế ở Việt Nam cho người đã hoàn thiện về giới tính vẫn đang là hành vi phạm pháp.

Bằng kết quả 80.77% số đại biểu Quốc Hội thông qua điều 37 của Bộ luật dân sự sửa đổi 2015, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia hợp pháp hoá quyền chuyển đổi giới tính, các quyền thay đổi thông tin hộ tịch và quyền nhân thân của người đã chuyển giới. Đây là một bước tiến quan trọng trong công cuộc đấu tranh vận động quyền cho người LGBT tại Việt Nam.

Cụ thể điều luật quy định như sau: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Thế nhưng vì vấn đề còn khá mới nên không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa của nó. Hãy cùng Saostar.vn tìm hiểu 5 điều thú vị của điều luật này:

1. Việt Nam là quốc gia thứ 11 ở Châu Á hợp thức hóa quyền chuyển giới

Tính đến tháng 9/2015, có 61 nước trên thế giới hợp thức hóa quyền chuyển đổi giới tính trên giấy tờ. Tuy nhiên ở châu Á chỉ có 10 quốc gia cho phép điều này, bao gồm: Iran, Israel, Syria, Nepal, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật bản, Đài Loan, Phillipines, Singapore. Như vậy sau khi Điều 37 bộ luật dân sự sửa đổi 2015 được thông qua, Việt Nam đã chính thức trở thành quốc gia thứ 11 cho phép chuyển đổi giới tính trên giấy tờ, điều này được xem là một bước tiến lớn, chứng tỏ sự tiến bộ của bộ máy lập pháp Việt Nam, vì ngay cả đất nước Thái Lan vốn nổi tiếng thân thiện người đồng tính, chuyển giới vẫn chưa thông cho phép điều này.

12095142_590907067732188_1210364428567229880_o

Đoàn xe chở Đại biểu Quốc hội đi ngang qua trước các thông điệp cảm ơn, vì đã thông qua điều luật hợp pháp hóa chuyển đổi giới tính.

2. Ai được chuyển đổi giới tính

Trước đây theo quy định tại Điều 36 (BLDS) thì người được phép xác định lại giới tính là người sinh ra không rõ ràng là nam hay nữ. Đồng thời tại Điều 4 nghị định số 88/2008/NĐ- CP nghiêm cấm việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính.

Điều 36. Quyền xác định lại giới tính

Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.

Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên sau khi điều luật mới được thông qua, thì về cơ bản những ai có nhu cầu thay đổi giới tính bẩm sinh của mình đều có thể thực hiện chuyển đổi theo giới tính mà mình mong muốn.

12244298_590904667732428_4055907143829457166_o

3. Chưa được phép chuyển giới ngay bây giờ.

Sau khi điều luật được thông qua, có rất nhiều bạn thắc mắc rằng ngay bây giờ mình đã có thể được chuyển giới ở Việt Nam. Điều đó là không đúng, vì Bộ luật Dân sự mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 (tức là hơn 12 tháng nữa). Quãng thời gian này là để chuẩn bị trước khi chính thức thống nhất áp dụng, vì đây là một Bộ luật đồ sộ, nhiều nội dung. Từ giờ cho tới 31/12/2016 thì Bộ luật Dân sự hiện hành năm 2005 vẫn sẽ có hiệu lực. Vậy nên trong thời gian này, người đã chuyển giới vẫn chưa được phép thay đổi các quyền về hộ tịch và quyền nhân thân, đồng thời hành vi phẫu thuật chuyển giới tại các cơ sở y tế ở Việt Nam cho người đã hoàn thiện về giới tính vẫn là hành vi phạm pháp.

4. Điều luật có ý nghĩa quan trọng liên quan đến vấn đề hôn nhân

Điều luật không ảnh hưởng đến việc cho phép kết hôn đồng giới, tuy nhiên lại có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quan hệ hôn nhân của người chuyển giới. Trước đây, người chuyển giới nữ sẽ không được phép kết hôn cùng người có giới tính nam và người chuyển giới nam không được phép kết hôn với người chuyển giới nữ, vì trên mặt giấy tờ họ là những người đồng giới. Thế nhưng sau khi điều luật được thông qua, người chuyển giới sẽ có các quyền, nghĩa vụ theo đúng như giới tính mới, bao gồm quyền kết hôn với người khác giới.

kethon

5. Phải đợi một luật riêng quy định về việc chuyển giới

Hiện tại còn rất nhiều điều bất cập trong điều luật vừa mới thông qua. Theo quy định chỉ những người đã phẫu thuật chuyển giới thì mới có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch và quyền nhân thân theo luật, còn những người chưa chuyển giới thì không có quyền này. Như vậy vô hình chung luật đã tạo ra sự không công bằng với những người không có điều kiện kinh tế để phẫu thuật chuyển giới. Đồng thời còn rất nhiều bất cập liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự sau khi chuyển giới, về độ tuổi chuyển giới, thay đổi học bạ, bằng đại học… Điều 37 Bộ luật dân sự sửa đổi 2015 quy định rất chung chung, vì vậy theo các nhà lập pháp,cộng đồng người chuyển giới cần phải đợi một luật riêng được ban hành (Ví dụ luật chuyển đổi giới tính) để có thể thực hiện quyền theo đúng quy định của pháp luật.

12247726_590910847731810_4692002448552850509_o

Đây thật sự là một chiến thắng lớn của công cuộc đấu tranh vì quyền con người của cộng đồng LGBT Việt Nam.

Dù còn tồn tại nhiều bất cập, tuy nhiên sự kiện này vẫn xứng đáng là một dấu son trong hành trình đấu tranh của người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBT ở Việt Nam nói chung.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất