Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Mẹ quỳ lạy xin tha chết cho con: Tiếng chuông cảnh tỉnh những bước chân ‘ngựa hoang’

Hình ảnh người mẹ quỳ lạy gia đình nạn nhân xin tha tội chết cho con trong buổi phúc thẩm vụ án giết người ở Bình Phước, không chỉ khiến cư dân mạng xúc động, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh những thanh niên có trái tim “ngựa hoang”.

Hình ảnh ấy, gây xúc động mạnh nhất, có lẽ là cho những người đang làm cha làm mẹ, bởi hơn ai hết, họ hiểu và đồng cảm được nỗi đau đớn tột cùng, sự tuyệt vọng cũng tột cùng của bà mẹ có đứa con giết người, đang chuẩn bị phải đền tội trước pháp luật.

Nỗi đau tận cùng của những bậc làm cha làm mẹ. (Ảnh Afamily)

Nỗi đau tận cùng của những bậc làm cha làm mẹ. (Ảnh cắt ra từ clip của VnExpress)

Khi chúng ta sống trong một đất nước thượng tôn pháp luật, kẻ nào vi phạm luật pháp, kẻ đó ắt phải bị trừng trị!

Điều đó hoàn toàn đúng! Nhưng, nỗi đau của người thân, gia đình sẽ là những điều không thể đong đếm.

Sinh con ra, không có cha mẹ nào lại muốn có ngày con mình phải đứng trước vành móng ngựa, phải chịu sự nguyền rủa của xã hội, và phải chết để đền tội do nó gây ra. Ai cũng mong muốn con mình ngoan ngoãn, thành đạt, có ích cho gia đình, xã hội. Niềm hạnh phúc lớn nhất của đấng sinh thành, không gì khác là nhìn thấy con mình khôn lớn, trưởng thành, sống bình yên, hạnh phúc.

Từ khi thai nghén 9 tháng 10 ngày, rồi khoảnh khắc hồi hộp, lo lắng khi bà mẹ “vượt cạn”, tiếng cảm thán vỡ oà hạnh phúc khi đứa bé cất tiếng khóc chào đời, ca sinh nở “mẹ tròn, con vuông”, đến những chuỗi ngày dài nuôi con khôn lớn, với biết bao nước mắt, nụ cười, bao vất vả khó nhọc, bao công sức bỏ ra của những người làm cha làm mẹ, tất cả chỉ với một mục đích, đó là dành những điều tốt đẹp nhất cho đứa con của mình.

Ấy thế nhưng, trong cuộc sống, vẫn có những đứa con như “ngựa bất kham”, từ một đứa trẻ hiền lành, ngoan ngoãn có thể trở thành một tên tướng cướp, thậm chí là kẻ giết người. Khi ấy, không chỉ có tội với những nạn nhân mà chúng gây ra, nó còn làm cho cha mẹ mình đau đau đớn đến tột cùng. Lý do thì nhiều, khách quan, chủ quan đều có. Nhưng, điều cốt lõi nhất, đó chính là ý thức của những đứa trẻ, chúng không phân biệt được đúng sai, hoặc biết nhưng vẫn cố tình làm việc xấu, chỉ để đạt được mục đích của chúng, bất chấp cả việc giết người. Rõ ràng, hành động ấy là không thể chấp nhận được, và với pháp luật, chúng phải bị trừng trị. Bản thân những kẻ phạm tội, cũng đủ ý thức để hiểu chuyện đó. Chỉ có điều, chúng sẽ không thể hiểu được, hành động dại dột ấy sẽ mang lại nỗi đau và phiền luỵ lớn đến thế nào cho cha mẹ và gia đình mình.

Hình ảnh người mẹ tội nghiệp quỳ lạy van xin người nhà nạn nhân tha tội chết cho con gây xúc động cư dân mạng. (Nguồn: VnExpress.net)

Hành động quỳ lạy gia đình nạn nhân xin tha tội chết cho con mình, chính là thể hiện trái tim người mẹ một cách bản năng nhất, là bước đường cùng mà một người mẹ có thể làm cho con mình. Hơn ai hết, bà hiểu được cảm giác mất con, hiểu được sự đớn đau vô hạn mà gia đình nạn nhân đã, đang và sẽ tiếp tục phải gánh chịu. Họ đã mất đi những người con, cháu thân yêu của mình một cách thảm khốc bởi bàn tay tàn độc của những kẻ giết người, trong đó có con trai bà. Bà hiểu, bởi bà cũng đang phải đối mặt với sự mất mát ấy, và cũng không thể so sánh được nỗi đau đớn, mất mát nào to lớn hơn. Bởi với trái tim người mẹ, đứa con của mình là tài sản lớn nhất trong cuộc đời, mà khi mất chúng, cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa. Biết con mình đã hành động dã man, tàn bạo, nhưng trái tim người mẹ vẫn mách bảo cho bà phải cầu xin tha tội chết cho con, cho dù, lời cầu xin ấy có thể không bao giờ trở thành sự thật. Đó, hẳn không có nỗi đau nào lớn hơn!

Có lẽ, Vũ Văn Tiến không bao giờ nhìn thấy hình ảnh ấy. Và có lẽ, hắn cũng không thể nào hiểu được nỗi đau mà cha mẹ và gia đình mình đang gánh chịu, dù trong những ngày bị giam giữ, có thể hắn đã ân hận vì tội ác của mình. Có thể lúc đó, hắn mới hiểu được giá trị của sự tự do, và lớn hơn, quan trọng hơn, đó là giá trị của sự sống. Vũ Văn Tiến có thể đã khóc, đã nhớ nhà, đã thèm lắm một bữa cơm đạm bạc đầm ấm, đủ đầy cha mẹ, anh em. Có thể hắn đã thầm van xin cha mẹ tha thứ cho mình, và thậm chí, khi đối diện với án tử hình, hắn đã thực sự hối cải, muốn được tiếp tục sống để chuộc lỗi với gia đình nạn nhân…

Nhưng, tất cả đều đã quá muộn!

Giá như Vũ Văn Tiến biết thức tỉnh sớm hơn, ý thức được việc mình làm, đặt tình yêu thương gia đình lên trên hết, để hiểu được nỗi đau của cha mẹ, để kiểm soát được hành vi tội lỗi của mình.

Khi tự do, người ta có thể coi thường một bữa tối cùng gia đình, người ta có thể không hiểu hết giá trị của một buổi chiều cafe hóng gió, người ta thấy thời gian quá nhiều và mọi thứ thật đơn giản. Nhưng khi đối diện với cái chết, người ta mới chợt nhận ra rằng, mọi thứ trên cuộc đời này thật vô cùng quý giá, từ cái nhỏ nhất, đơn giản nhất. Vũ Văn Tiến sẽ không bao giờ nhìn thấy cảnh mẹ mình cuống cuồng chạy theo xe tù với tiếng thét đầy tuyệt vọng: “Bé ơi, mẹ đây nè” trong buổi chiều hoàng hôn nhá nhem nhộn nhạo tiếng người và khói bụi. Tiếng thét ấy giống như sự đớn đau cùng cực của người mẹ khi nhìn thấy con mình dần đi vào cõi chết mà đành bất lực. Giá như Vũ Văn Tiến nghe được tiếng thét ấy, nhìn được cảnh tượng đau lòng ấy, hẳn hắn đã hiểu mạng sống của con người giá trị đến thế nào, để không cùng đồng bọn xuống tay tàn độc cướp đi sinh mệnh của những con người vô tội.

Tiếng thét đớn đau cùng cực ấy, cái quỳ lạy đầy tuyệt vọng của người mẹ tội nghiệp ấy, không biết có lay động tâm can của những con “ngựa hoang” đang sống?!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngô Bá Lục

Được quan tâm

Tin mới nhất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới