Ngày 15/9, trên trang cá nhân của bà Văn Thùy Dương - con gái cố PGS Văn Như Cương đã chia sẻ hình ảnh trường Mầm non Nà Ngao - ngôi trường khó khăn nhất ở thôn Châng, xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, Hà Giang - đã khánh thành. Ngôi trường giúp hơn 50 học sinh có chỗ học tập, thay cho lớp bị đổ sập trước đó.
Theo những dòng chia sẻ trên trang cá nhân của bà Dương trước khi nhập viện điều trị căn bệnh ung thư và qua đời ngày 9/10/2017, thầy Văn Như Cương có tâm nguyện đẩy nhanh việc xây dựng trường học vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc để có thể một lần tới thăm trường.
“Khi viết những dòng này, cảm giác trong lòng tôi nhớ bố vô cùng, khát khao được đưa bố một lần lên Nà Ngao đã không thực hiện được, Nhưng tôi tin bố thật sự sẽ rất vui vì công trình đã được hoàn thành. Hơn thế, trong thời gian xây dựng, điểm trường này đã được đón rất nhiều cựu học sinh Lương Thế Vinh, rất nhiều học sinh của bố! Thay mặt bố, tôi thầm cảm ơn những tấm lòng thơm thảo đã mang tinh thần của ông về với điểm trường này”, bà Dương xúc động viết trên trang cá nhân.
Bà Văn Liên Na - con gái của nhà giáo Văn Như Cương chia sẻ với Zing.vn, lúc cuối đời, tâm nguyện lớn nhất của thầy Cương là không tổ chức tang lễ lãng phí, đồng thời dùng số tiền phúng viếng để xây dựng điểm trường Mầm non Nà Ngao. Phần còn lại sẽ được đưa vào quỹ tình thương của trường Lương Thế Vinh để tiếp tục hỗ trợ các mảnh đời kém may mắn.
Được biết, trường Nà Ngao được xây dựng với kinh phí 303 triệu đồng, trích một phần từ tiền phúng viếng đám tang của PGS Văn Như Cương. Trường có 2 phòng học, một nhà bếp, phòng lưu trú giáo viên, nhà vệ sinh cùng sân, vườn.
Trước đó, cô giáo Đàm Thị Ngoan - Phó hiệu trưởng nhà trường từng chia sẻ hơn 10 lần đi xin kinh phí các tổ chức, cá nhân mà chưa được. Điểm trường Nà Ngao vốn chỉ là lớp học đi mượn xập xệ, mỗi khi mưa gió, các cô chỉ nơm nớp lo sợ sẽ bị sập mái…
Đặc biệt, viên đá đặt tại khuôn viên trường Mầm non Nà Ngao có ghi triết lý giáo dục của cố PGS Văn Như Cương: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, người nghiên cứu thành công, doanh nhân tầm cỡ, nhà lãnh đạo xuất sắc, chính khách uyên bác…, nhưng trước hết phải là người tử tế…”.