30 năm “khởi nghiệp” bên mẹt ghẹ
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, người phụ nữ khăn gói từ quê Nam Định ra Thủ đô phồn hoa mưu sinh. Bà xin làm đủ thứ nghề kiếm tiền lo cho con ăn học, miễn sao chính đáng.
Sau nhiều năm chật vật, người phụ nữ quyết dùng nguồn hải sản quê hương, bán buôn kiếm tiền. Một đôi quang gánh, cái mẹt tre đựng ghẹ cùng cái bếp tổ ong là tất cả những gì để “khởi nghiệp”.
Ban đầu, người ta thấy người phụ nữ gánh rong ruổi qua nhiều con phố. Ai mua con nào hay con đó, vài đứa trẻ 5 tuổi ngơ ngác khi thấy “con cua lớn”. Đi bán nhiều, người phụ nữ chọn một góc chợ Đồng Xuân, nơi cuối phố Cầu Đông nhộn nhịp làm nơi ngồi cố định để bán kiếm sống qua ngày.
Hơn 30 năm sau, những đứa trẻ 5 tuổi ngày nào đã có người mở cửa hàng riêng, người phụ nữ trẻ năm nào giờ đã 70 tuổi nhưng vẫn những dụng cụ ấy, bà vẫn ngồi bán hàng bên mẹt ghẹ nhỏ nơi cuối phố Cầu Đông. Người phụ nữ ấy là bà Vũ Thị Tươi, được mọi người quanh khu vực gọi là “U Tươi”.
Những ngày này, bước vào đầu con phố Cầu Đông ấy, khung cảnh náo nhiệt, tấp nập vẫn là “đặc sản” vốn có của nơi đây. Từ xa xa, mùi thơm ghẹ luộc phảng phất len lỏi theo làn gió bay khắp một vùng, nơi cuối phố bà Tươi vẫn ngồi bên mẹt ghẹ đỏ au và nồi nước bốc khói nghi ngút.
Nhớ lại những năm tháng “hoàng kim” khi mới bắt đầu bán bà Tươi bọc bạch: “Xưa chẳng có xe, tôi phải lặn lội sớm tối về quê chọn ghẹ, sau đó đi xe khách, tàu hỏa ra Hà Nội cho kịp giờ bán.
Giờ đỡ hơn nhiều, con gái tôi ở quê chọn những con ghẹ chất lượng loại A, rồi gửi xe ra Hà Nội rất nhanh, tới nơi đảm bảo ghẹ vẫn sống khỏe, tươi ngon”.
Buôn bán một thời gian, khi đã có lượng khách ổn định, nhiều người “mách” bà đến chợ đầu mối Long Biên lấy ghẹ, đỡ phải chi phí tàu xe, di chuyển. Thế nhưng bà Tươi kiên quyết không lựa chọn điều này.
“Để có được như ngày hôm nay, tôi phải lấy chất lượng làm đầu. Với tôi, ghẹ to hay nhỏ không quan trọng, mà hàng phải thật tươi, chắc, không bị óp, ăn ngọt thịt thì mới đạt chất lượng”, bà Tươi lý giải.
Có bí quyết chọn ghẹ riêng, bà Tươi đánh giá một con ghẹ ngon khi luộc lên phải có mai đỏ au, thịt chắc sát vào vỏ, gạch đỏ hoặc vàng. Khi chọn ghẹ đạt được những tiêu chuẩn này, dù con ghẹ có nhỏ vẫn hơn ghẹ to mà bóc ra óp, không có nhiều thịt.
‘U Tươi’ và thời ‘hoàng kim’ bên mẹt ghẹ nơi cuối phố, nuôi con ăn học
Nhờ lại thời “hoàng kim” bên mẹt ghẹ nơi góc chợ Đồng Xuân, bà Tươi đã từng có những lúc bán được cả nửa tạ ghẹ một ngày. Mẹt ghẹ giúp cuộc sống bà Tươi bớt khó khăn và có tiền nuôi con ăn học, nên người như ngày hôm nay.
Một thời huy hoàng là thế nhưng nay mọi thứ đã khác, dịch bệnh làm công việc kinh doanh, buôn bán của bà thay đổi nhiều. Trước đây, hải sản, ghẹ là đồ hiếm thấy nhưng giờ đây các nhà hàng lớn nhỏ khắp nơi “mọc lên”, việc kinh doanh của bà Tươi cũng gặp nhiều khó khăn.
Mỗi đợt vào hè, bà Tươi bán hàng chậm hơn. Việc lấy hàng cũng trở nên khan hiếm: “Người dân đi du lịch nhiều, ghẹ vừa lên bờ là sẽ tranh nhau lấy. Rồi người dân ăn nhiều ở nơi du lịch nên cũng ít mua ghẹ của tôi hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn có khách quen từ trước. Có nhiều gia đình đi du lịch miền biển về nhưng vẫn qua chỗ tôi đặt ghẹ về làm quà, đã khách”, bà Tươi chia sẻ.
Trước đây, có thời điểm ghẹ to bà bán 300.000/con, ghẹ nhỏ cũng 150 đến 200.000/con. Tuy nhiên, ngay thời điểm này, con ghẹ to cũng chỉ 150.000 đồng/con. Giá ghẹ bà Tươi bán tùy vào từng thời điểm và tình hình hải sản có khan hiếm hay không.
Một khách hàng quen của bà Tươi đánh giá, ngoài độ tươi ngon và chắc thịt ghẹ, vấn đề chế biến nguyên chất, nước chấm là yếu tố rất khác lạ và được nhiều thực khách ủng hộ.
Bà Tươi cho biết, ghẹ bà bán luôn tươi nên khi luộc không cần cho thêm thứ gia vị gì, kể cả là gừng sả vì cho vào ghẹ không còn được đỏ, dễ thiu. Nước chấm các nơi cho rất nhiều gia vị mù tạt, còn với bà 30 năm nay vẫn dùng sốt chấm pha từ nước đường trắng đun quẹo lên trộn chanh, dấm, ớt, tỏi xay, mì chính, cắt thêm quả quất xanh là xong.
Bán ghẹ suốt nhiều thập kỷ, bà Tươi cũng chịu không ít lời đồn đại từ dư luận, có người nói rằng mỗi ngày, mẹt ghẹ của bà kiếm được vài chục triệu. Hay nhờ bán ghẹ vỉa hè mà mua được nhà hồ Tây. Tất cả thông tin trên, bà Tươi cho rằng là có cơ sở, nhưng chưa chính xác.
“Nếu họ nhìn số tiền tôi thu được đúng là 20-30 triệu/ngày là có thật. Nhưng họ quên mất rằng, chưa trừ số tiền gốc của tôi. Nếu trừ đi lời lãi chỉ bằng những người phu bốc vác ở chợ Long Biên, có điều không tốn sức bằng.
Nhà ở Hồ Tây thực ra đó là nhà của con tôi, ở phố Âu Cơ, nói là nhà nhưng nó rất nhỏ chứ rộng rãi gì đâu. Con tôi tiết kiệm, vay mượn mua để “an cư, lạc nghiệp”, tôi cũng đóng góp chút ít và giờ cùng ở tại ngôi nhà đó”, bà Tươi chia sẻ.
Thời gian này bà Tươi bán hàng khó khăn hơn nhưng bà không muốn dừng bán. Có những khách quen gắn bó với bà cả chục năm qua. Bà cũng đang dần tiếp cận với công nghệ để sẵn sàng nhận đặt, chuyển hàng qua mạng.
Từ một người phụ nữ khó khăn vô vàn nơi đất khách quê người bên mẹt ghẹ nơi cuối phố, bà Tươi đã nuôi các con ăn học trưởng thành và làm thay đổi cuộc đời. Với bà Tươi, khó khăn, gian nan chỉ càng tiếp thêm động lực để bà vươn lên từ chính đôi tay mình.