Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tướng Tiến, Đại tá CA, Luật sư nói về các vụ người dân 'tự xử' vì nghi bắt cóc trẻ em

Theo Trí Thức Trẻ Theo dõi Saostar trên google news

Theo Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, việc người dân quá khích, tự xử một số người bị nghi bắt cóc trẻ em có hiệu ứng từ mặt trái của mạng xã hội.

Hiệu ứng mặt trái của mạng xã hội

Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc người dân vì nghi ngờ người lạ mặt vào làng bắt cóc trẻ em nên đã hô hoán tạo đám đông và tự xử một cách thái quá khiến nhiều người bị đòn oan.

Điển hình là vụ việc dân làng bủa vây, đòi đánh, lật xe ôtô xuống ruộng rồi đất xảy ra tối 20/7, tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương hay hai người phụ nữ bán tăm đã bị dân làng bắt, đánh đập tại xã Mai Đình (Sóc Sơn) vào trưa 22/7.

Ảnh chiếc xe bị đốt ở Hải Dương và hai người phụ nữ bị đánh ở Sóc Sơn.

Trao đổi với PV, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) khẳng định, những thông tin đồn thổi về chuyện bắt cóc trẻ em lấy nội tạng và phần lớn các thông tin bắt cóc trẻ em trên mạng đều là không chính xác.

Theo tướng Tiến, qua quá trình xác minh, điều tra đã cho thấy đa số các trường hợp các cháu mất tích là do đi lạc, tự bỏ nhà ra đi, người trong gia đình hay bố mẹ ly hôn xảy ra mâu thuẫn rồi tìm cách đưa các cháu bé đi, hoặc có cháu gặp nạn tử vong không tìm thấy…

Về khía cạnh nghiên cứu liên quan đến việc người dân quá khích với những tin đồn bắt cóc trẻ em. Đại tá PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn (Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học- Viện Khoa học cảnh sát - Học viện Cảnh sát nhân dân) cũng cho rằng, việc người dân quá khích, tự xử là biểu hiện của yếu tố lây lan tâm lý đám đông, có hiệu ứng từ mặt trái của mạng xã hội.

“Khi sự việc bị thổi phồng, nhất là trên mạng xã hội một cách không kiểm chứng kiểu một đồn mười, mười đồn trăm, nhiều người dân tưởng thật dẫn tới sự lo lắng thái quá nên có hành động đề phòng, cảnh giác quá mức, nghi ngờ thiếu căn cứ.

Chính vì thế mới xảy ra chuyện một số người bình thường đi mua bán hàng hóa, bán tăm, đi phun thuốc diệt muỗi, đi xin việc làm… khi vào một số nơi đã bị nghi là bắt cóc trẻ em và bị đánh oan”, PGS.TS Thìn nói.

Ảnh cắt từ clip hai người phụ nữ bị đánh dã man vì nghi bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn.

Đại tá Thìn cũng nhấn mạnh, việc người dân ở một số địa phương có hành vi tự xử như vậy là biểu hiện của sự xuống cấp về mặt nhận thức pháp luật.

“Người dân bị lây lan tâm lý hội chứng đám đông cộng với sự kém hiểu biết pháp luật dẫn tới những hành vi tiêu cực mang tính bộc phát, không nhận ra hậu quả tiêu cực cho bản thân, người khác và xã hội. Rõ ràng, hiện tượng này lan rộng là một điều hết sức đáng lo ngại”, Đại tá Thìn chỉ rõ.

Vị Đại tá công an nhân dân cũng khẳng định thêm, những hành vi người dân tự xử vì sự nghi ngờ cần phải được lên án mạnh mẽ, đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật cho người dân để nắm rõ, không có những hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng cần phải được nâng cao, đi đôi với các thiết chế từ gia đình, dòng họ…

Một vấn đề khác, theo Đại tá Thìn là cần xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật với những hành vi vi phạm để tạo sự răn đe, giáo dục đối với người dân.

Cần xử lý nghiêm, kịp thời các vụ việc

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Long (Hà Nội) cũng nhìn nhận, những vụ việc người dân nghi ngờ bắt cóc trẻ em dẫn tới hành vi đánh đập dã man, đập phá đồ đạc, đốt xe ôtô, xe máy của một số người đang có chiều hướng gia tăng, lây lan.

Theo luật sư Long, việc này có phần nguyên nhân từ các thông tin không chính xác lan truyền trên mạng xã hội, nhất là facebook về việc bắt cóc trẻ em lấy nội tạng, khiến người dân lo lắng và cảnh giác quá mức cần thiết.

“Trong một số vụ, người dân, nhất là ở một số vùng quê đã từ nghi ngờ, cảnh giác chuyển sang quá khích, hô hào nhau đánh đập, đốt phá tài sản của nạn nhân. Việc này, chính quyền địa phương cần có sự vào cuộc mạng mẽ, tuyên truyền để người dân hiểu rõ, những thông tin bắt có, lấy nội tạng đó là không chính xác. Đồng thời, nếu có vụ việc xảy ra, cần nhanh chóng có mặt để phối hợp ổn định tình hình”, luật sư Long nêu.

Ông Long cũng đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm hơn, giải quyết nhanh hơn, xử lý nghiêm các vụ việc đang gây cho người dân hoang mang, lo lắng.

“Ngay như việc nhiều đối tượng trộm chó bị người dân bắt được đánh, thậm chí đánh tử vong rồi đốt xe… cũng là do một phần nguyên nhân việc xử lý của chúng ta chưa thực sự nghiêm minh, rốt ráo, kịp thời.

Vì thế, để giải quyết câu chuyện hậu quả của những lời đồn đại, nghi ngờ này thì điều đầu tiên phải đảm bảo cho người dân an toàn, yên tâm”, luật sư Long nhấn mạnh.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Trí Thức Trẻ

Được quan tâm

Tin mới nhất
Những xu hướng làm đẹp thịnh hành trong năm 2024
Đánh thức giác quan, thăng hoa cảm xúc cùng hành trình mùi hương độc bản đến từ HARNN