Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Từ người buôn xe đến 'thợ săn' những báu vật độc nhất Việt Nam

Theo Pháp Luật TP HCM Theo dõi Saostar trên google news

Từ một người buôn bán xe máy, vì tò mò, ham học hỏi cùng bản tính thích mạo hiểm mà ông bỏ nghề để thành “thợ săn” cổ vật. Kẻ ngoại đạo trong cái nghề đòi hỏi “thông kim bác cổ” lại làm người khác phải bất ngờ - đó là nhà sưu tầm Trần Văn Hinh, Chủ tịch Hội cổ vật Thiên Trường (Nam Định).

Ông Trần Văn Hinh đã có hàng trăm lần tham gia trưng bày cổ vật ở khắp các nơi và cũng là người đang giữ những báu vật độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Ông Trần Văn Hinh và một hiện vật đất nung quý hiếm

Từ người buôn xe

Sau rất nhiều cuộc hẹn, chúng tôi mới gặp được nhà sưu tầm Trần Văn Hinh trong căn nhà riêng chứa đầy cổ vật tại thành phố Nam Định. Pha trà mời khách bằng chiếc ấm Lưu Bội tuyệt đẹp và quý giá, ông Hinh bắt đầu câu chuyện của cuộc đời mình. “Tôi sinh năm 1963, người gốc xã Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam - quê hương của trống đồng huyền thoại. Cũng vì cuộc sống mưu sinh mà đến Nam Định lập nghiệp. Ngày trước, nghề buôn bán xe máy là thời thượng và cũng là nghề có thu nhập cao. Tôi là một trong những anh em tiên phong buôn bán xe ở đất này”, ông Hinh cho hay.

Thế rồi, một lần có một ông khách ăn mặc luộm thuộm đi chiếc xe máy cũ rích ngồi nghỉ uống nước trong quán trà đá trước cửa hàng của ông Hinh. Thấy ông khách nói chuyện hay, những chuyện xưa cũ thời này thời kia đều thuộc làu như kinh sử, ông Hinh tò mò. Hỏi ra, vị khách ấy mới nói thật là một nhà sưu tầm cổ vật. “Ông ấy nói nghề này cần “thông kim bác cổ”, cần mạo hiểm, chịu khó, lại phải rất tinh tường trong mua bán, còn hơn cả mua bán xe máy. Nghề này nó gần giống nghề đi săn báu vật ở vùng Ai Cập làm tôi thấy tò mò vô cùng”, ông Hinh nhớ lại.

Cũng vì tò mò mà sau câu chuyện với vị khách lạ, ông Hinh đóng cửa hiệu buôn bán xe máy đang thời làm ăn phát đạt. Ông khoác lên mình bộ đồ cũ, ngồi trên một chiếc xe cũng cũ kỹ, tôn vị khách kia làm thầy và cả hai bắt đầu những chuyến đi mới. “Tôi với ông ấy đi khắp nơi, anh tưởng tượng như đi mua đồng nát vậy. Nhà ai có cổ vật, đồ cũ là chúng tôi vào xem cho bằng được. Từ đó tôi học được những tri thức quý về cách xác định, thẩm định, đánh giá cổ vật. Đi với ông thầy khoảng 6 tháng thì tôi đã học được khá nhiều điều cần thiết”, ông Trần Văn Hinh kể lại.

Khi có đủ kinh nghiệm, ông Hinh xin thầy được tách ra thành “thợ săn” chuyên nghiệp. Tháng đầu ông đi các nơi thăm dò tin tức về cổ vật, tháng thứ hai bỏ tiền túi ra mua: “Những cổ vật đầu tiên tôi mua được là mấy cái nậm sứ ở dưới trôn có chữ “Thọ” bằng tiếng Hán. Tôi mua với giá 70.000 đồng, về bán lãi gấp ba. Vàng lúc ấy mới có giá 180.000 đồng/chỉ”, ông Hinh khoe. Mấy tháng sau, “thợ săn” Trần Văn Hinh gặp may lớn. “3 ngày tôi mua được 2 cái chum, một thời Trần và một thời Lê. Hai cổ vật này tôi mua với giá rẻ như cho nhưng lại bán được trên 20 triệu đồng. Thời những năm 1990, đó là cả gia tài lớn”, ông Hinh tâm sự.

Cổ vật “mình người, đầu chim” thời Lý - Trần

Đến “thợ săn” lừng danh

Cho đến bây giờ, sau 25 năm làm nghề “thợ săn” cổ vật, ông Hinh đã tạo dựng được ít nhiều tiếng tăm. Trong giới chơi cổ vật khắp Việt Nam, nói đến “Hinh Thiên Trường” không ai không biết. Người ta biết đến ông không chỉ bởi danh tiếng của một nhà sưu tầm có hạng mà còn phục ông bởi tâm hồn phóng khoáng, sẵn sàng cho đi hoặc hiến tặng cổ vật quý.

Nhưng để đạt được uy tín và thành quả như bây giờ, không biết cơ man nào những khó khăn, vất vả mà ông Hinh đã phải trải qua. “Nghề nào cũng vậy mà thôi, phải học hỏi, phải đi đây đi đó, phải mất rất nhiều học phí và xương máu. Nghề săn đồ cổ thì nhiều người biết rồi, suốt ngày lọ mọ, đi săm soi các nhà không khác gì tên trộm”, ông Hinh chia sẻ và cho biết không ít lần ông và bạn đồng nghiệp suýt “ăn đòn” vì đi săm soi. Nếu như với người thường, cái chum vứt chỏng chơ trong vườn kia chẳng có nghĩa lý gì, nhưng với người sưu tầm cổ vật thì nó có thể là vật báu. Họ phải lại gần, xem xét kỹ lưỡng thuộc niên đại nào, giá trị khoảng bao nhiêu. Và cái họa “ăn đòn” đơn giản là ở chỗ đó.

Ông Hinh kể, một phần do cái duyên, phần còn lại do ham học hỏi, thông thạo Hán văn, Pháp văn, am tường lịch sử mà với bất cứ cổ vật nào chỉ cần xem qua là ông biết thật hay giả, giá trị hay không. Bởi vậy, sau nhiều năm làm nghề, tích cóp được nhiều kinh nghiệm mà ông trở thành chuyên gia cổ vật. Một tháng 30 ngày, ông Hinh dành hẳn một nửa thời gian cùng đồng nghiệp đi sưu tầm. Ở đâu nghe nói có đồ cổ là ông tìm đến, ở đâu gọi là ông có mặt, bất kể là miền Nam hay Tây Bắc. Thời gian còn lại, ông ngắm nghía các báu vật, cẩn thận xếp chúng vào tủ gỗ theo từng thời kỳ, niên đại.

Khỉ đá thời Trần

Đạo của người chơi

Ông Hinh cho rằng, nghề chơi cổ vật cũng có cái đạo riêng, giống như những thú vui khác. Nhưng cổ vật là thú vui vô cùng tốn tiền và tốn thời gian. Nó cũng là một thứ nghề dễ hái ra tiền và dễ dính vào vòng lao lý. Chỉ một phút tham lam, gian xảo là có thể biến danh xưng nhà sưu tầm thành tội đồ. “Là Chủ tịch Hội cổ vật Thiên Trường, tôi vẫn phổ biến cho anh em giới hạn của thú chơi. Không ai được phép bán cổ vật ra nước ngoài, không phù phép làm giả, buôn mua đồ giả. Muốn có tiền để nuôi thú chơi, anh em chỉ nên trao đổi ở trong nước. Đặc biệt, không mua bán cổ vật đánh cắp, nguồn gốc bất minh”, ông Hinh cho biết.

Sau 25 năm sưu tầm cổ vật, đến nay ông Hinh đã có trong tay hàng vạn hiện vật quý giá. Đặc biệt, những hiện vật đầu rồng đất nung thời Lý - Trần, ông gần như là người có số lượng đầy đủ nhất. Riêng bộ Long Sàng (giường vua nằm) của một vị vua Trung Quốc mà ông Hinh đang giữ được đánh giá là độc nhất vô nhị. Long Sàng dài 3,43m, rộng 2,56m, cao 2,68m được giới sưu tầm đặt cả đống tiền nhưng ông Hinh không chịu bán: “Đã quyết giữ làm kỷ niệm thì cũng quyết không vì nhiều tiền mà bán. Đấy cũng là một cái đạo của người chơi cổ vật”, ông Hinh khẳng định. Đến nay, ông Hinh và Hội cổ vật Thiên Trường đã hiến tặng các bảo tàng nhiều cổ vật quý hiếm. Nhiều bảo tàng khác cũng đang mượn ông Hinh số lượng cổ vật lớn để trưng bày, chuyển tải thông điệp lịch sử đến với người dân.

Đầu rồng thời Vua Lý Nhân Tông bằng đất nung

“Thường thì giới chơi cổ vật chỉ chuyên tâm đến một món đồ. Có người chuyên gốm, có người chuyên đồ kim khí. Tôi sưu tầm hết, từ gốm, gỗ, kim khí đến đá. Mỗi thứ đều có tiếng nói riêng, phản ánh về một thời kỳ của lịch sử. Vấn đề của người chơi cổ vật là tìm ra được thông điệp ấy, minh chứng được cho một thời kỳ đã qua của đất nước”.

Ông Trần Văn Hinh (Chủ tịch Hội cổ vật Thiên Trường)

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Pháp Luật TP HCM

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc