Chẳng ai quan tâm kẻ đã tung clip nóng được cho là của nàng hot girl Hà Nội là ai. 24 tiếng trôi qua, hàng trăm ngàn bình luận trên các diễn đàn, hội nhóm chỉ xoay quanh việc những chiếc avatar bé nhỏ kêu gào đòi xem lại cảnh 4 phút quan hệ nam nữ của hot girl ấy.
Phần vì họ tò mò. Dù gì thì nàng cũng là người có chút danh tiếng, chắc nàng cũng phải khác người bình thường ở điểm nào đó. Phần vì họ sốt ruột. Trời ơi, từ hàng ăn ra hàng nước, người ta bình phẩm ầm ĩ hết cả lên. Lỡ xem trễ hơn kẻ khác vài phút thôi cũng thành người tối cổ rồi.
“Bình luận này được 100 like thì inbox cá nhân để mình gửi link tải clip nha” - Người người đua nhau tìm cách chia sẻ đoạn video nóng, không quên kiếm lại chút chú ý cho bản thân. Cứ ai có link là người đó trở thành “ngôi sao”. Nhìn thanh thông báo đỏ quạch những inbox, lời mời kết bạn, họ cười hỉ hả. Tài tình thật, đúng là “tranh thủ” thời 4.0, chuyện buồn của người khác mà sao ta vui thế này.
Đám đông háo hức, nóng lòng, bàn ra tán vào về việc vừa khai quật thêm những đoạn clip 12 giây, 40 giây… khác. Quả là những người… đồng chí hướng. Sức mạnh tập thể này chính ra cũng mạnh chẳng kém cơn bão rating 1 sao vừa rồi.
Nhìn chuyện nước ta, mới sực nhớ ra chuyện nước bạn. Vài ba tháng trước, tại Hàn Quốc, scandal môi giới mại dâm và chia sẻ video nóng trong group chat của “Seungri và những người bạn” khiến fan Kpop nói riêng và dư luận nói chung vô cùng giận dữ. Cựu thành viên nhóm Big Bang và những thành viên khác trong nhóm chat hứng chịu sự căm phẫn từ phía xã hội do hành vi làm nhục, thể hiện tính chất coi thường, chà đạp phụ nữ của họ.
Vụ việc chấn động xảy ra tại xã hội của một đất nước nằm ở phía nam bán đảo Triều Tiên cũng khiến người dùng mạng Việt Nam bức xúc. Hàng trăm bài viết, hàng ngàn chia sẻ, hàng triệu lượt bình luận được đưa ra, rao giảng về việc cần phải tôn trọng và đối xử tử tế với phụ nữ.
Thật kỳ quặc. Phải chăng cộng đồng mạng quên rằng nàng hot girl nọ cũng là phái nữ, cũng là đối tượng cần được bảo vệ và tôn trọng?
Ngày hôm qua, đám đông còn phát điên lên vì những kẻ ấu dâm biến thái, những kẻ ngang nhiên xâm phạm thân thể thiếu nữ trong thang máy, những kẻ coi phụ nữ là công cụ. Ngày hôm qua, đám đông còn hợp lực trừng trị những cơ sở, đơn vị có hành vi coi thường khách hàng bằng cơn bão rating 1 sao.
Ngày trước nữa, đám đông ào lên, giận dữ phản đối những biểu hiện thiếu tôn trọng bình đẳng giới, “đuổi cùng giết tận” mọi phát ngôn mang tính dè bỉu thân thể (body shaming) người khác.
Thế mà đùng một cái, giờ cũng đám đông ấy, bằng thái độ chứa đầy năng lượng tiêu cực, quay ra chê bai, bình phẩm, bỉ bôi cơ thể của một người con gái. Đám đông thực hiện cái ác một cách ngang nhiên, như thể “có đói thì phải đòi ăn, có clip thì phải đòi link”.
Cay đắng thay, hoá ra những “ủng hộ” trước đây hay những “vào hùa” hiện nay cũng chỉ xuất phát từ tâm lý số nhiều. Ai bị chửi, ai bị bài trừ, đám đông sẽ hùa vào phán xét ngay dù chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào.
“À thì, 10 người có cùng suy nghĩ, quan điểm thì lý lẽ chung ấy trở thành điều đúng đắn rồi” - Đám đông nghĩ.
Thấy người ta đòi quyền lợi, đòi công bằng cho những phụ nữ bị hại trong bê bối của “Seungri và những người bạn”, đám đông hăng hái lắm. Thấy người ta ào ào xin video nóng của nàng hot girl nọ, đám đông hau háu lắm. Nối vòng tay lớn, kẻ này truyền tay, kẻ kia phát tán, những clip như vậy trở nên phổ biến khắp không gian mạng như một món hàng ngoài chợ.
“Không muốn bị lộ thì đừng quay lại” - Đám đông biện hộ cho hàng vi phản cảm nối dài của mình. Họ mặc nhiên coi việc bình phẩm, phán xét từ cơ thể tới nhân cách của cô gái nọ thông qua việc phát tán clip xấu của cô, là cái kết thích đáng cho một lối sống không phù hợp. Để rồi, họ tiếp tay cho những cái xấu, cho sự sỉ nhục và huỷ hoại danh tiếng của nạn nhân, như một lẽ tất yếu.
Phản đối hành vi chà đạp phụ nữ nhưng lại đi chia sẻ clip đồi truỵ của người khác. Hô hào bảo vệ phụ nữ bị xâm hại, nhưng phụ nữ đang bị làm hại bởi những clip quay lại cảnh nam nữ của họ, thì không. Như một quy luật bỗng dưng thành đúng trong xã hội, ai mà bị lộ video nóng thì người ấy toi đời rồi.
Cứ thế, mạng xã hội ảo tràn ngập sự đạo đức giả, khi người ta nghĩ rằng những tội ác mang tính chủ động như tấn công tình dục là thứ đáng phải bài trừ, còn hành vi công khai đả kích danh tiếng, tấn công quyền riêng tư lại là điều bình thường.
Thật kỳ lạ. Từ bao giờ lối sống của mỗi cá nhân lại được bàn dân thiên hạ quan tâm, mổ xẻ, phê phán đến vậy? Cách nhìn của chúng ta về một sự vật, sự việc có thể không giống nhau, nhưng không ai có quyền áp đặt lối sống của mình lên người khác. Nàng hot girl với 200 ngàn lượt follow ấy sẽ tự chịu trách nhiệm cho cách sống của mình mà không ai có thể can thiệp. Nhưng người dù mạng cũng cần tỉnh táo hơn, đừng trở thành công cụ tiếp tay cho một kẻ ấn danh tấn công vào nhân phẩm cô gái. Tò mò vốn dĩ không phải là điều gì khó hiểu ở mỗi con người nhưng đừng vì thế mà sẵn sàng đẩy người ta vào đường cùng chỉ để thỏa mãn tâm lý hùa theo đám đông ngoài kia.