Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tự đánh mất lòng vị tha, ta đành thôi làm người tử tế

Với những hiện tượng xã hội đang nổi cộm và lan tràn mất kiểm soát trên mạng, dường như một bộ phận người Việt đang đánh mất lòng vị tha đối với đồng bào mình.

Lòng vị tha có thể được hiểu dưới hai khía cạnh: có tinh thần chăm lo đến lợi ích của người khác, thậm chí hi sinh lợi ích cá nhân; biết khoan dung, tha thứ, không chấp nhặt sai lầm của người khác và cho họ cơ hội sửa chữa. 

Thứ nhất, họ vì lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng, gây hại cho người khác. Đó là những con người trục lợi trong nạn thực phẩm bẩn, gây nên bệnh tật cho bao người; những cán bộ tham nhũng, không làm tròn trách nhiệm với dân, với nước;…

Thứ hai, một bộ phận người Việt có thói xấu vùi dập người khác khi họ mắc sai lầm. Phổ biến nhất là các anh hùng bàn phím, ném đá trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tới danh dự, cuộc sống của những người mình chẳng hề quen biết.

top-nhung-buc-anh-lay-dong-trai-tim-nhat-nam-2014-11.PNG

Tình thương với đồng loại, đồng bào mình đang dần trở thành xa xỉ. Ảnh minh họa

Cuối cùng, đáng xấu hổ hơn khi có những người Việt đang tâm lợi dụng lòng vị tha của người khác. Như câu chuyện có người lợi dụng quyên góp cho bệnh nhân nghèo để lừa đảo, hay chuyện lạm dụng thùng bánh mì từ thiện ở TP.HCM mà báo chí nêu gần đây.

Chính vì thế, người ta sẵn sàng ngờ vực lòng chân thành, sự tử tế bị hoài nghi. 

Có khi nào chúng ta tự hỏi: Vì sao người Việt sống và đối xử với nhau như vậy? Nếu so sánh với những quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia đề cao những nguyên tắc, chuẩn mực trong lối sống, ứng xử như Nhật Bản thì câu trả lời nằm ở nền tảng nền giáo dục.

Nền giáo dục Việt Nam nặng lý thuyết nhưng thiếu hụt về thực hành đạo đức, lối sống. Trong chương trình học phổ thông, các môn quan trọng giúp hình thành nhân cách như Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử chưa được dạy hiệu quả. Lên đến đại học thì đạo đức nghề nghiệp, kĩ năng sống, thái độ chưa được sinh viên rèn luyện đầy đủ.

Trong khi đó, Việt Nam đang bước vào thời kì hội nhập với sự chuyển biến của xã hội và sự bùng nổ của thông tin. Con người - sản phẩm của nền giáo dục đang lao đao trong cái thời đại mà người ta gọi là thời đại khủng hoảng giá trị sống.

Giới trẻ Việt Nam mỗi ngày tiêu tốn nhiều giờ để chìm đắm trên mạng để like, comment, share video đánh nhau, những câu chuyện chửi bới trên các diễn đàn. Họ hả hê khi người nào đó trái ý đám đông “ẩn danh” bị chửi bới đến bầm dập.

Những biểu hiện cho thấy lối suy nghĩ đang đi lệch hướng một cách nguy hiểm.

Liệu rằng lòng vị tha còn được gìn giữ, tiếp nối trong mỗi người Việt đến bao giờ? Xây dựng các công trình, tổ chức các lễ hội ca ngợi truyền thống tốt đẹp của cha ông ngốn hàng nghìn tỷ, nhưng hiệu quả về nhận thức trong mỗi con người liệu có tương xứng với những chi phí đó.

Nhìn sang đất nước Nhật Bản, không khỏi khâm phục tinh thần của người Nhật dù trải qua thảm hoạ, nhiều người rơi vào tình cảnh mất nhà, mất người thân, thiếu thốn đủ thứ, nhưng tình trạng hôi của, cướp giật, hỗn loạn không hề diễn ra.

Có một cậu bé 9 tuổi người Nhật không nhận lương khô của một người có ý muốn giúp đỡ em, thay vào đó, em mang đến bàn phát thực phẩm và nói rằng: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ.” Người Nhật giúp đỡ, đùm bọc nhau vì họ được chú trọng giáo dục về đạo đức từ rất lâu đời.

Lòng vị tha không phải điều gì quá xa xỉ mà là những hành động đơn giản, gần gũi trong đời sống hàng ngày. Lòng vị tha xuất phát từ trái tim và nhận thức của mỗi chúng ta.

Chúng ta vẫn nhìn thấy những việc tử tế, những lòng tốt của người Việt nhưng dường như chỉ hiếm hoi trong đời sống. Từ bao giờ lòng vị tha bị đánh mất đi dần dần như thế? Để đến bây giờ, người ta loay hoay, hốt hoảng nhìn lại mình, để tìm cho mình lối sống tử tế, để làm người tử tế…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất