Chiều tối 22/10, khu phố ở thị trấn Phú Túc (Krông Pa) chìm trong đau buồn trước sự ra đi của trung úy Ja Rai Nay Plong - trinh sát hình sự Công an Krông Pa (Gia Lai).
21h30 đêm 21/10 trên đường làm nhiệm vụ, trung úy Plong bị nhóm trai làng đánh tử vong tại chỗ.
Một người chết, một người bị thương
Chiều 22/10, hàng chục chiến sĩ Công an tỉnh Gia Lai và Công an huyện Krông Pa vẫn tiếp tục trực tại trụ sở UBND xã Chư Rcăm để làm rõ người có liên quan tới vụ đánh chết trung úy Ja Rai Nay Plong.
Lãnh đạo Công an huyện Krông Pa cho biết có tổng cộng 32 trai làng bị công an gọi hỏi.
Anh Đặng Anh Tuấn - công an viên thôn Cầu Đôi cho biết, tối 21/10 anh nhận được tin có một người bị đánh chết trong vụ các thanh niên ở làng Chư Đông (xã Chư Gu) kéo qua đánh nhau với thanh niên thôn Cầu Đôi.
“Tôi lao ra hiện trường thì thấy một người bị đánh bể đầu, máu chảy lênh láng, sau này tôi mới biết là trung úy Nay Plong - trinh sát hình sự Công an Krông Pa”, anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, ngoài trung úy Plong còn có trung úy Nguyễn Thành Trung - người chạy xe máy chở anh Plong đi làm nhiệm vụ - cũng bị thương.
Trung tá Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Gia Lai cho biết, trung úy Trung được lệnh chạy xe máy mặc thường phục chở theo trung úy Plong đến khu vực Cầu Đôi theo dõi các nghi phạm ném đá người qua đường.
Lúc 21h30, khi trung úy Trung đang chở theo Plong chạy trên đường thì bất ngờ bị các nghi phạm lao ra dùng gạch đá, gậy gộc ném tới tấp. Trung úy Plong tử vong tại chỗ. Anh Trung cố gắng chạy xe thêm một đoạn rồi ngã gục, được người dân đưa chạy trốn.
Trong đêm, trung úy Trung được khẩn cấp đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cấp cứu trong tình trạng dập lá lách, đa chấn thương. Chiều qua, lãnh đạo khoa ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cho biết anh Trung đã qua cơn nguy kịch.
Theo Công an huyện Krông Pa, nhóm thanh niên thôn Cầu Đôi và làng Chư Đông có mâu thuẫn âm ỉ với nhau từ trước. Tối 21/10, sau khi bị nhóm thanh niên Chư Đông đập phá xe máy, 20 thanh niên Cầu Đôi đã phục kích để trả thù.
Khi thấy hai công an mặc thường phục đi qua, nhóm này nhầm tưởng là người thôn Cầu Đôi nên lao ra tấn công.
“Nhìn đâu cũng thấy anh”
Chiều qua, hàng ngàn người dân, đồng đội ở khắp nơi đã đến ngôi nhà cấp bốn tại thị trấn Phú Túc chia buồn cùng gia đình trung úy Nay Plong.
Trước quan tài được phủ cờ Tổ quốc, bà Don Nghen - 78 tuổi - đứng ôm di ảnh cháu ruột khóc rưng rức: “Plong ơi sao mày bỏ ngoại ra đi, Yàng bắt cháu tôi đi, đau đớn quá”.
Bà khóc nức nở rồi lại lịm đi, khi được người thân đỡ dậy thì chồm lên quan tài, vuốt bàn tay qua tấm kính nhìn cháu rồi lại khóc.
Trong không khí buồn đau, một phụ nữ ngồi thẫn thờ, ánh mắt nhìn người đến viếng như vô hồn. Đó là Ksor H’Diệu - vợ trung úy Nay Plong.
H’Diệu nhìn lên trần nhà loang lổ những tấm bạt được Nay Plong đưa lên để chống dột mấy ngày trước, rồi nước mắt trào ra: “Anh nằm trong quan tài rồi mà em nhìn trong nhà này đâu cũng thấy anh cả. Có phải anh ra đi thật rồi không?”.
Nay Plong là trung úy cảnh sát người dân tộc Ja Rai. Còn chị H’Diệu cũng là cô giáo Ja Rai. H’Diệu và Plong có với nhau một con gái xinh xắn.
Chị H’Diệu nói đến giờ hai vợ chồng vẫn chưa có nhà riêng, gom góp làm ăn vợ chồng mua được hai con bò gửi người thân nuôi rẽ, nhưng khi sinh con thì bò cũng phải bán đi để mua sữa.
Chị H’Diệu kể đêm xảy ra sự việc thấy chồng đi làm khuya không về, trong lòng rất bất an. Lấy điện thoại gọi cho chồng thì nhận tin nhắn: “Bố đang về”. H’Diệu sốt ruột nhắn tin lại: “Anh ơi về sớm đi, em lo quá, con khóc đòi bố”.
Tin nhắn vừa được gửi đi cũng là lúc máy của trung úy Plong không liên lạc được.
Phải họp dân để giải tỏa mâu thuẫn Có mặt tại trụ sở UBND xã Chư Rcăm chỉ đạo điều tra phá án sáng 22/10, đại tá Vũ Văn Lâu - Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai - đã khiển trách Công an huyện Krông Pa không theo dõi sát tình hình tại địa phương, để mâu thuẫn xảy ra trong thời gian dài. Đại tá Vũ Văn Lâu còn yêu cầu công an địa phương phải họp dân để cùng nhau giải tỏa mâu thuẫn trong dân. |