“Tết Trung Thu có từ bao giờ, do ai là người đưa Tết này từ Trung Quốc vào nước ta vào khoảng thời gian nào thì chưa có tài liệu sử sách chính xác nào đề cập đến. Chỉ biết một điều rằng Tết Trung Thu đã có ở nước ta từ thuở đời nào rồi, và nó có sự biến đổi liên tục qua nhiều giai đoan thăng trầm của thời gian.”
Đời sống hiện đại có quá đỗi những phiền muộn, cũng có lắm điều hấp dẫn lấy chúng ta. Điều đó khiến không khí đêm trung thu chẳng còn quan trọng như những giá trị mà nó đem lại cho mỗi cá nhân chúng ta. Quay lại khoảng thời gian trước đây, chắc chắn chúng ta vẫn còn nhớ: Điều hấp dẫn đối với lũ trẻ là đứng nhìn những người thợ đóng bánh ngoài quầy tạo nên những âm thanh rộn ràng khi khuôn bánh gõ mạnh trên mặt bàn theo những nhịp điệu khoan nhặt rất đặc trưng trên đường phố. Những cửa tiệm quanh chợ bắt đầu trang trí, bày biện các mặt hàng để sửa soạn cho Tết trung thu. Đám con trẻ thời ấy háo hức lạ kỳ với Tết trung thu, chúng bị cuốn hút bởi các thú vui truyền thống, mộc mạc nhưng tinh tế của dịp lễ cổ truyền này. Nhưng liệu nay còn không?
Đèn lồng, đèn cá chép, đèn kéo quân luôn làm những đứa trẻ thèm thuồng. Những đầu lân, các đèn lồng nan tre phết giấy bóng kính, làm theo các hình con cá, ông sao, bánh ú. Ngoài ra còn đèn xếp, đèn quả bưởi, đèn kéo quân… Rồi những con giống, làm bằng bột cắm lông gà nhuộm màu sặc sỡ, cũng là nét đặc thù của Tết Trung Thu của người Việt. Mọi thứ thật đẹp đẽ, muôn màu muôn vẻ, cuốn lấy người xem.
Còn những lũ trẻ năng động nhất thì thích ở ngoài đường với cái đầu sư tử bồi bằng giấy. Chúng hợp thành những đoàn có trống, xèng xèng và thế nào cũng có một chú phỗng múa may làm vui. Chúng múa chơi đôi khi đòi những cửa hàng nơi chúng đến múa phải treo giải…
Múa lân cũng là một trong những trò chơi thuở thơ ấu của bao thế hệ người Việt. Đầu lân đủ cỡ, đủ loại, và hình dáng khác nhau. Múa cùng với lân là ông thổ địa bụng phệ phe phẩy cái quạt nan. Tiếng trống, tiếng hò reo, tiếng bước chân, và vũ điệu của sư tử, cứ rạo rực, cuốn hút không biết bao người. “Lòng vui sướng với đèn trong tay”, từng đoàn trẻ em đi theo chú lân, chú sư tử, tiếng trống rộn ràng để khi kết thúc đêm hội, ai cũng nuối tiếc và tự hỏi: “Bao giờ mới đến Trung Thu nữa nhỉ?”
Cuối cùng là cái phút chờ đợi nhất, trong sự ấm cúng của gia đình xoay quanh nơi bày cỗ. Tiếng nói cười của trẻ con, giọng nói ôn tồn của ông, bà. Không khí Trung thu thật đẹp trong cái tiết trời tranh trong, mọi thứ tựa nhẹ lựa lông hồng, lòng người cũng nhẹ đi hẳn mà tận hưởng cái khoảnh khắc 365 ngày mới có một lần…
Sau tất cả những giá trị đẹp đẽ đó, Trung thu giờ chỉ là những mảng ký ức mơ màng và hư ảo trong những thước phim cũ. Trung thu giờ với Sài Gòn có lẽ đã phai nhạt?