Bức điện mừng từ chủ tịch nước Trung Quốc
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày Độc lập của Ukraine, tờ Kyiv Post cho hay Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện mừng tới Tổng thống Petro Poroshenko và nhân dân Ukraine.
Bức điện nêu rõ: “Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên công nhận độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với Ukraine. Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như tôn trọng con đường phát triển phù hợp với đặc điểm đất nước của nhân dân Ukraine”.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine gần đây leo thang, các lực lượng ly khai miền Đông Ukraine mà truyền thông bên ngoài cho là được Nga ủng hộ hàng ngày giao tranh kịch liệt với quân đội Ukraine, việc lãnh đạo tối cao Trung Quốc lên tiếng ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không chỉ được truyền thông Ukraine đăng tải rộng rãi mà còn nhận được sự quan tâm chú ý lớn của phía Nga.
Đặc biệt, nội dung bức điện mừng của ông Tập Cận Bình được tiết lộ gần như cùng với việc Nga và Trung Quốc xác nhận sẽ tổ chức diễn tập quân sự chung trên Biển Đông từ 12-19/9.
Đây là hoạt động thao dượt hải quân đầu tiên giữa hai nước sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ra phán quyết bác bỏ “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc.
Vì vậy, vấn đề Ukraine có thể có mối quan hệ nào đó với vấn đề Biển Đông. Nhà phân tích chính trị hàng đầu của Nga, ông Andrei Grozin cho rằng sự ủng hộ cần phải đến từ hai bên.
Nếu Trung Quốc cần sự ủng hộ nhiều hơn của Moscow trong các vấn đề như Biển Đông, Nga đương nhiên cũng mong muốn nhận được sự “báo đáp” tương đương từ Bắc Kinh.
Mặt khác, trong vấn đề Ukraine, Nga cũng không mong muốn nhìn thấy sự can thiệp của Trung Quốc.
Ông Grozin nhấn mạnh: “Không ai hy vọng vào việc Trung Quốc có thêm ảnh hưởng, càng không muốn Trung Quốc can thiệp sâu hơn vào vấn đề giữa Moscow và Kiev”.
Moscow và Bắc Kinh gần đây có xu hướng xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh Nga bị phương Tây trừng phạt vì những cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine còn Trung Quốc thì liên tục hứng chỉ trích từ các nước trong khu vực bởi những động thái gây hấn trên biển.
Hồi tháng 6 vừa qua, ông Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ra một tuyên bố chung về “củng cố sự ổn định chiến lược toàn cầu”, nhấn mạnh vào tầm nhìn chung giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực. Khi đó, ông Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc và Nga nên hỗ trợ lẫn nhau trước các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi”.
Tuy nhiên, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia đã dẫn ra phản ứng mới đây của Moscow đối với phán quyết của Tòa Trọng tài, hoàn toàn không giống như những gì mà Bắc Kinh mong đợi.
Theo Giáo sư Carl Thayer, Nga không trực tiếp giúp Trung Quốc hoặc hậu thuẫn các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đó được phản ánh rất rõ khi Ngoại giao Nga đưa ra tuyên bố sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông, nói rằng Nga ủng hộ luật pháp quốc tế và nhấn mạnh rằng Moscow sẽ không can dự vào việc giải quyết các tranh chấp trên biển.
Tuyên bố nói trên của lãnh đạo Trung Quốc đã cho thấy sự thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao của nước này, thay vì “im hơi lặng tiếng” như trước đây đã từng làm đối với vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, nay Trung Quốc công khai bộc lộ những toan tính lợi ích riêng của mình.
Trung Quốc cần nhiều thứ từ Ukraine
Không chỉ “đâm sau lưng” Nga bằng những tuyên bố, những năm gần đây Trung Quốc lặng lẽ tăng cường hợp tác với Ukraine, cả trong lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Cũng nhờ chơi trò hai mặt, Trung Quốc đã được hưởng nhiều thành quả Ukraine.
Ukraine trước đây là nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết, nơi đây có rất nhiều nhà máy, viện thiết kế chủ lực của công nghiệp quốc phòng.
Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine nắm giữ nhiều nhà máy quan trọng cùng chuyên gia, kỹ sư, công nhân lành nghề trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao. Đặc biệt, nước này đã nắm giữ rất nhiều tài liệu kỹ thuật, nguyên mẫu của các chương trình phát triển vũ khí “khủng” dưới thời Liên Xô.
Sản phẩm đình đám nhất Trung Quốc mua được từ Ukraine chính là tàu Varyag năm 1998, sau này được hoán cải thành tàu sân bay Liêu Ninh. Con tàu này vốn được đóng năm 1985 cho Hải quân Liên Xô. Chưa bằng lòng, để phát triển loại tiêm kích dành cho tàu Liêu Ninh, Bắc Kinh cũng đã mua được nguyên mẫu duy nhất của Su-33 từ Kiev, sau đó đã phát triển thành tiêm kích J-15.
Ngoài ra, việc Trung Quốc phát triển thành công tên lửa DF-41 cũng được cho rằng có dấu ấn rất lớn từ Ukraine.
Trong các thương vụ đeo đuổi vũ khí và công nghệ của Nga, tàu đổ bộ khí đệm Zubr là thương vụ mà Trung Quốc phải tốn nhiều công sức nhất nhưng đều thất bại. Một trong những nguyên nhân đàm phán đổ vỡ là Viện thiết kế TsMKB Almaz của Nga, hãng thiết kế Zubr chỉ chấp nhận chuyển giao tài liệu kỹ thuật của Zubr sau khi Trung Quốc đã mua 10-15 tàu do họ đóng.
Nhưng một lần nữa Trung Quốc lại gặp may mắn và Nga tiếp tục phải nhận “quả đắng”. Điều trớ trêu là nhà máy Morie ở Feodosya (Ukraine), trước đây là nơi chế tạo loại tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới này.
Bắc Kinh đã “chơi trội” trong thương vụ này, họ thanh toán phần lớn nợ nần cho nhà máy Morie. Bên cạnh đó, họ còn đặt lên bàn đàm phán 350 triệu USD để mua 4 tàu đổ bộ đệm khí “sao chép hoàn toàn từ Project 12322 Zubr với cái tên Project 958 Bizon.
Theo các điều khoản hợp đồng, 2 chiếc được đóng tại Ukraine, 2 chiếc còn lại được đóng ở Trung Quốc theo tài liệu kỹ thuật và sự giám sát của các chuyên gia Ukraine.
Không chỉ đối với vấn đề Ukraine, sau hàng loạt chiến thắng của Nga trên chiến trường Syria, Trung Quốc cũng hối hả vào “dây máu ăn phần”. Bằng chứng là các quan chức Trung Quốc liên tục có các chuyến đi đến khu vực xung đột Syria và cuối cùng đã đạt được thỏa thuận rằng quân đội Bắc Kinh sẽ cung cấp viện trợ và hỗ trợ đào tạo nhân sự quốc phòng cho chính phủ Syria.
Động thái này là một bước tiến của Bắc Kinh nhằm củng cố và gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông, đặc biệt sau những kết quả đạt được của Không quân Nga trên chiến trường này, Trung Quốc đã nhận thấy không thể đánh mất ảnh hưởng ở khu vực giàu dầu mỏ này.