Một trong những thuyết âm mưu đang đặc biệt thịnh hành tại Trung Quốc hiện nay, chính là những bí ẩn đằng sau cái chết của một nhân viên làm việc cho Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ (DNC), liên quan tới vụ rò rỉ thư điện tử của ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton.
Seth Rich, 27 tuổi, là nhân viên của DNC. Rich đã bị bắn chết tại Washington DC, vài tuần trước khi Đại hội Toàn quốc của Đảng Dân chủ diễn ra.
Theo BuzzFeed, người sáng lập WikiLeaks là Julian Assange tuần qua cho rằng có khả năng Seth Rich chính là người cung cấp tin tức cho WikiLeaks.
Các trang web chuyên truyền tải thuyết âm mưu cho rằng Rich có liên quan tới vụ bê bối rò rỉ thư điện tử và hồ sơ tài liệu của DNC.
Trước đó, các quan chức tình báo Mỹ cho rằng vụ việc này có thể liên quan tới bàn tay của các tin tặc Nga.
Business Insider đưa tin, cha mẹ của Rich đã kêu gọi báo chí ngừng chính trị hóa cái chết của con trai họ.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội Weibo của Bắc Kinh, thuyết âm mưu này dường như rất hấp dẫn đối với Hội liên hiệp Thanh niên Trung Quốc.
Hiệp hội này nói với 4 triệu người theo dõi trang của mình rằng: “Các nguồn tin trong vụ rò rỉ thư điện tử (email) của bà Hillary đều bị ám sát, từng người một? Đây chính là sự thật về nền dân chủ phương Tây”.
Đoạn đăng tải này không cho thấy tính xác thực trong thông tin mà hiệp hội này đăng tải. Thay vào đó, hiệp hội này cho rằng các doanh nghiệp và các nhà tư bản đã kiểm soát truyền thông và chính trị tại các quốc gia phương Tây, và viện dẫn bài báo đăng tải trên Tân Hoa Xã như một bằng chứng.
Trong số hơn 3.000 lượt bình luận dưới đoạn đăng tải, hầu hết mọi người đều tin vào thuyết âm mưu này.
Những người có quan điểm trái chiều đều bị những người ủng hộ thuyết âm mưu ‘ném đá’ dữ dội.
Zhang Daxi, một dư luận viên trên mạng Weibo, tranh thủ tạo thêm hiệu ứng cho thuyết âm mưu này: “Năm cái chết bất thường trong số những người chống Hillary trong vòng 6 tuần, những người tố giác vụ rò rỉ email của Hillary đều bị ám sát lần lượt từng người một, sự kinh hoàng của nền chính trị Mỹ vượt quá sự tưởng tượng của chúng tôi”.
Trên thực tế, không có thông tin nào xác nhận về ‘năm cái chết bất thường’ mà Zhang nêu ra.
“Hội Liên hiệp Thanh niên (Trung Quốc) luôn phải làm việc với các bạn trẻ, do đó họ có lý do nhất định để trở nên năng động trên internet” - Fang Kecheng, cựu nhà báo của tờ Southern Weekly (Mỹ) nhận định.
Về lý thuyết, các quan chức Trung Quốc có hình phạt rất nghiêm khắc đối với các tin đồn. Một tin đồn không có căn cứ bị đăng tải lại 500 lần (trên mạng xã hội) có thể dẫn tới án tù.