Tại hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ TT&TT hôm 12/7 vừa qua, Bộ trưởng bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, sau khi doanh nghiệp báo cáo kết quả thử nghiệm 4G, Bộ sẽ phải phối hợp với doanh nghiệp đánh giá rất nhiều yếu tố như chất lượng thực tế, mức độ can nhiễu…. Sau đó, Bộ phải tiến hành xử lý hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp. Nếu như vậy thì rất có thể cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay, Bộ sẽ cấp phép triển khai dịch vụ Internet 4G tại Việt Nam.
Đây thực sự là tin rất vui đối với người dùng mạng vốn phải chịu cảnh Internet rùa bò lâu nay. Thế nhưng trên thực tế, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nước cuối cùng chưa triển khai 4G. Phillipines đã triển khai 4G từ năm 2011, Thái Lan, Malaysia, Brunei, Indonesia từ năm 2013, Lào và Campuchia đều đã triển khai từ năm 2014.
Riêng với Campuchia, theo phát biểu của ông Cheang Sopheak, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Bưu chính Viễn thông Campuchia tại Hội thảo quốc tế 4G LTE 18/8 hôm nay, kể từ khi triển khai năm 2014, mạng 4G nay đã có hơn 7 triệu người dùng, tương đương với khoảng 44% dân số nước này.
Theo đó, tại Campuchia có 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 4G LTE, trong đó có mạng di động Viettel của Việt Nam với thương hiệu Metfone. Khi triển khai mạng 4G, cơ quan quản lý ở Campuchia cũng có một số quan ngại nhất định như chính sách quản lý hay không đủ băng tần cung cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Tuy nhiên, khi nhu cầu sử dụng 4G của người dùng tăng cao, chính phủ đã tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp có thể sớm cung cấp dịch vụ trên nguyên tắc ai đăng ký trước thì sẽ được cung cấp băng tần, cấp giấy phép trước. Sau khi triển khai dịch vụ, các cơ quan quản lý dựa vào tình hình thực tế để có thêm các quy định, văn bản phù hợp. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục cấp giấy phép cho các đơn vị có mong muốn cung cấp dịch vụ 4G LTE”, ông Cheang Sopheak cho biết thêm.
Chính phủ Campuchia mong muốn và đảm bảo các doanh nghiệp có thể cạnh tranh lành mạnh thông qua việc chia ra thành phần cấp phép bao gồm cấp phép dịch vụ và hạ tầng. Trong tương lai, Campuchia có kế hoach đưa ra chính sách CNTT và truyền thông nhằm tăng cường mức độ bao phủ Internet cho toàn quốc với mục tiêu đến năm 2020 mật độ băng rộng sẽ đạt mức 80%.
Về việc Campuchia dự kiến có phát triển mạng 5G hay không, ông Cheang Sopheak cũng cho biết Campuchia hướng đến việc phát triển mạng 5G trong tương lai nhằm giảm thiểu chi phí phát triển mạng băng rộng, đồng thời cố gắng để giảm chi phí cho người dân ở vùng sâu vùng xa, nông thôn cũng có thể sử dụng được.
Quay lại với Việt Nam, trở ngại lớn nhất của việc triển khai 4G tại nước ta hiện nay là băng tần. Nếu chọn băng tần không phổ biến thì sẽ vấp phải bài toán giá thành sẽ rất đắt. Trong khi nhà mạng Viettel đang thử nghiệm triển khai 4G trên băng tần 1.600 MHz, Vinaphone đang triển khai trên băng tần 2.600 MHz. Thế nhưng chưa nhà mạng nào được cấp phép triển khai 4G trên băng tần 700 MHz vốn được dành cho truyền hình (nhưng không sử dụng) và đang được Viettel xin cấp phép khai thác. Băng tần 700 MHz được cho là tối ưu cho truyền dẫn do khả năng phủ sóng tốt hơn nhiều.
Năm 2016 được coi năm bùng nổ 4G tại Việt Nam, và người dùng mạng đương nhiên sẽ được hưởng lợi, Tuy nhiên, tốc độ thực tế ra sao có lẽ sẽ còn phải chờ tới lúc đó mới có thể nói chắc được.