Hôm qua ngồi đọc lại quyển “Thế giới tươi đẹp của Marcelo” thấy có một câu thoại mà bố Marcelo nói với con trai mình (một cậu bé bị tình trạng tự kỷ dạng nhẹ), đại ý thế này:
“Bố xem con là một người bình thường. Và để là một người bình thường thì con phải cư xử theo kiểu của người bình thường. Con cần đến học ở một trường trung học công lập dành cho mọi đứa trẻ chứ không phải một trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ. Bố muốn mùa hè này con đến thực tập làm việc 3 tháng tại công ty của bố. Bố muốn con tuân thủ nội quy và học cách sống với quy tắc luật lệ ở thế giới bên ngoài - thế giới mà không phải ai cũng sẵn lòng giúp đỡ con, hiểu con có những khó khăn đặc biệt như cách mà trường dành cho trẻ tự kỷ vẫn đối xử với các con. Thế giới ngoài kia không thật sự quá đáng sợ như con nghĩ đâu. Chỉ cần con không e sợ, bố tin con sẽ làm được. Vì những thứ hạn chế con, làm con có cảm giác con không thể làm được, con không như một người bình thường đôi khi chính là thái độ muốn cảm thông, chia sẻ thậm chí tạo điều kiện dễ dàng bằng sự nâng đỡ làm cho mọi thứ xung quanh con trở nên tinh giản, thuận tiện”.
Cách Ông bố của Marcelo dạy con trai đã khiến cho tôi nhớ đến cách nuôi dạy con của một số phụ huynh có con hoàn toàn bình thường nhưng lại tạo cho con tính cách vô cùng bất thường. Ví dụ như, họ cho phép trẻ con nằm lăn lộn trên nền đất ngay giữa quán cà phê trung tâm thành phố, cho trẻ la hét ầm ĩ nhảy từ trên ghế xuống đất như kiểu đang trong giờ học thể dục ở trường, cho trẻ chạy từ đầu này đến đầu kia của quán cà phê va chạm vào bất cứ khách hàng nào đứng sớ rớ trên đường chạy của trẻ, cho trẻ đứng ngay bàn ăn của khách khác nhìn chằm chằm vào họ hoặc thức ăn của họ, cho phép trẻ cầm, sờ, chơi bất cứ món nào trẻ thích/ đòi dù đồ vật đó không phải của trẻ…
Và bao giờ, chúng ta cũng có một câu để giải thích vô cùng ngắn gọn cho mọi sự cư xử không đúng luật của trẻ bằng nụ cười kèm 3 chữ “Trẻ con mà!”
Một anh bạn của tôi vốn rất yêu trẻ đã khiến tôi bật cười khi đọc dòng trạng thái anh chia sẻ trên Facebook: “Con tui chắc tui đánh cho tơi bời quá trời ơi. Không hiểu ba mẹ thuộc thể loại gì mà để con chạy làm náo loạn cái quán cà phê”.
Nếu làm ba mẹ đứa trẻ kiểu như trong câu chuyện anh bạn tôi thấy ở quán cà phê thì nên tự đánh mình, chứ không phải đánh đứa trẻ. Cần nhìn lại vì sao một ông bố có con là trẻ tự kỷ như Marcelo lại muốn cho con học cách cư xử như một người văn minh, muốn con mình tuân thủ quy định ứng xử nơi công cộng như một người bình thường. Mà bản thân chúng ta, có con trẻ thông minh, hiểu biết, lanh lợi thì chúng ta luôn muốn biến chúng thành những đứa trẻ “tăng động” không kiểm soát được hành vi nơi công cộng?
Ông bố Marcelo đã nói với con trai mình rằng Marcelo có thể cầu nguyện, có thể trích dẫn các câu Thánh Kinh, có thể sùng bái yêu kính Chúa ở nhà, ở công viên, ở nhà thờ. Nhưng ở trên xe buýt, ở công ty, không nên lúc nào cũng nói về Chúa, cũng trích dẫn Thánh Kinh mỗi khi trò chuyện. Bởi tôn giáo và niềm yêu thích say mê tìm hiểu tôn giáo là của riêng cậu bé, đừng làm cho mình trở nên quá sức khác biệt nơi công cộng.
Tôi hay nói với chị gái và cả bạn gái của mình rằng, hãy là ba mẹ hướng dẫn con cái cách tuân thủ luật ứng xử, phép tắc xã hội. Bởi trẻ con như những vị khách được chúng ta (ba mẹ) trân trọng mời đến thế giới này, những vị khách hoàn toàn không hề biết về xã hội mà chúng sẽ sống, sẽ khóc hay sẽ cười, sẽ được yêu hay sẽ bị ghét. Ba mẹ thậm chí có thể là hai người khó tính với con trẻ, khiến con trẻ nghĩ rằng bạn ghét chúng khi bắt chúng không được làm điều mình muốn. Nhưng cả triệu con người ngoài kia, ở cái thế giới không phải ai cũng sẵn lòng giúp chúng, sẽ có những người có cảm tình, có sự yêu mến, có sự đồng cảm, vậy nên, trẻ con hãy biết các điều sau:
Con bạn nói năng lễ phép dạ thưa
Con bạn biết cảm ơn và xin lỗi
Con bạn biết giữ im lặng trong rạp chiếu phim
Con bạn biết trả lại đồ chơi cho bạn, biết không được chạm vào cơ thể người khác/ đồ vật mà không có sự cho phép.
…….
Tôi không ủng hộ một cách giáo dục khắt nghiệt, thử thách sức chịu đựng hay giáo dục bằng nước mắt. Nhưng tôi nghĩ: “Để trở thành một người thật sự đặc biệt khác thường, trước hết chúng ta phải hiểu người bình thường, phải là người bình thường và cư xử theo cách bình thường. Sự khác thường của mỗi người (nếu có) sẽ nên là suy nghĩ độc đáo dẫn đến hành động, cách cư xử đặc biệt khiến người bình thường phải ngưỡng mộ chứ không phải để họ xa cách”
Đừng vì quá yêu mà cho trẻ cái vé thông hành “Con nít mà” rồi biến tất cả thành nhóm “trẻ tự kỷ” rối loạn hành vi, tăng động quá mức kiểm soát trong ánh nhìn của người khác khi gặp trẻ. Tội cho trẻ bởi vì chúng được sinh ra được chào đón đến với thế giới này không hề có bất cứ khiếm khuyết nào ở não.
Với tôi, mỗi một đứa trẻ đều đặc biệt, đều khác thường và do vậy chúng nên được đối xử bình thường công bằng như nhau.
Về cuốn sách “Thế giới tươi đẹp của Marcelo”
“Thế giới tươi đẹp của Marcelo” kể về câu chuyện giáo dục, trưởng thành, hoà nhập của cậu bé Marcelo 17 tuổi mắc chứng rối loạn hành vi (một dạng tự kỷ nhẹ). Tôi ấn tượng với cách yêu con có vẻ khô khốc cứng nhắc, vẻ rất ư luật sư (như cách Marcelo nghĩ về bố) của người bố trong truyện. Tôi thấy mình và rất nhiều bà mẹ khác có lối suy nghĩ yêu con như mẹ của Marcelo. Tình yêu mà chúng ta hay lầm lẫn với sự thương hại nếu như ta có một đứa trẻ bị khiếm khuyết khi chào đời. Và rồi chính sự thương hại, chính điều mà chúng ta nhân danh yêu thương đã luôn muốn giúp làm giúp con mọi chuyện, muốn yêu con theo cách con thích, muốn tạo cho con mọi sự dễ dàng.
Có một ý trong quyển sách mà tôi thấy rất đúng với tất cả mọi người: “Nhiều lúc người ta hay gây đau khổ cho chính bản thân họ hoặc với người khác mà cứ nghĩ bản thân họ nhân danh tình yêu mới làm vậy. Có vô ngần những lỗi lầm đem đến sự tổn thương cho người khác được “biện minh” lý do bởi vì yêu”.
“Thế giới tươi đẹp của Marcelo” có rất nhiều câu chuyện hay về ứng xử, giáo dục, có rất rất nhiều điều để bạn suy gẫm khi đọc xong quyển sách. Trong đoạn viết giới thiệu sách này, tôi chỉ chọn 1 góc để nghĩ đó là tôi đã yêu con đúng cách chưa? Có quá bảo bọc con và cho chúng mọi sự dễ dàng như thể chúng là một đứa trẻ có nhiều khiếm khuyết cần “giúp đỡ”.
Bạn hãy trải nghiệm và dành thời gian cuối tuần cho quyển sách này, tôi tin là bạn sẽ thấy khoảnh khắc đó rất tươi đẹp khi ở cùng với Marcelo.