Mới đây, vụ việc cô giáo N.H.H, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/11, trường Tiểu học Phan Chu Trinh (người đã đánh, chửi nhiều học sinh trong giờ học), sau khi clip bị phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, cô H thừa nhận do quá nóng vội, tận tâm lo cho các em với những môn học phát sinh mới, lớp 50 em nhưng có đến phân nửa số đó không tập trung viết bài, lười, ngồi nói chuyện nên có những hành động không hay, vô tình lọt vào camera.
“Dù nặng hay nhẹ thì việc tôi đánh học sinh là sai, tôi xin nhận mọi hình thức kỷ luật, đồng thời gửi lời xin lỗi tới phụ huynh”, cô H nói trên báo Tiền Phong.
Trước tình trạng mất an toàn cho học sinh như trên tại trường học, nhiều phụ huynh mong muốn nơi con mình học cần gắn camera để quan sát. Tuy nhiên, vấn đề “lắp camera an ninh tại lớp học” hiện đang gây ra nhiều tranh cãi trái chiều.
Phần đông phụ huynh đồng tình
Theo ghi nhận của VNE, sau vụ việc cô giáo H. đánh học sinh trong lớp học và bị camera ghi lại, nhiều phụ huynh muốn các trường lắp camera trong lớp. Theo phụ huynh, camera giúp kịp thời biết được tình trạng học sinh đánh nhau, việc xâm hại tình dục học sinh; phụ huynh xúc phạm, gây thương tích cho giáo viên; hoặc nhắc nhở, uốn nắn những sai lầm của giáo viên; truy xuất hình ảnh khi cần thiết…
Bà Huỳnh Thị Phương (phụ huynh lớp 2, trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) cho rằng, không hẳn phụ huynh e dè thầy cô đánh con mình nhưng camera sẽ giúp họ yên tâm hơn khi gửi con ở trường, bởi mọi sự cố xảy ra với con đều được ghi lại. Hồi con học mầm non ở một trường tư thục, bà thường xuyên xem hình ảnh từ camera trực tuyến. Vào bậc tiểu học, con đã khôn lớn hơn nhưng phụ huynh không hết lo.
Ông Lê Vũ Tuấn (phụ huynh quận Bình Thạnh) cho rằng, bậc tiểu học là giai đoạn quan trọng với mỗi đứa trẻ trong việc hình thành nhân cách, năng lực học tập. Do đó, bất cứ hành động nào phản giáo dục của giáo viên sẽ ảnh hưởng lớn đến trẻ.
“Dù biết đa số thầy cô là tốt, nhưng vẫn cần một công cụ để kiểm soát một số ít không tốt còn lại. Nếu không có camera thì làm sao phát hiện được giáo viên đánh học sinh nhiều như trường hợp ở trường Phan Chu Trinh, làm sao kịp thời xử lý hay vẫn để nó tiếp diễn”, ông Tuấn nói. Theo phụ huynh này, việc lắp camera cần đại trà ở các lớp học, kể cả bậc THCS - THPT.
Giáo viên cho rằng không cần thiết, áp lực khi giảng dạy vì lúc nào cũng như có người theo dõi
Theo ghi nhận của báo CAND, nhà giáo Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Tiểu học sở GD &ĐT TP Hồ Chí Minh đưa ra ý kiến : “Tôi đã đi châu Á, châu Mỹ, châu Âu và thấy, họ không gắn camera trong lớp học mà chỉ gắn camera tại vị trí sân chơi, khuôn viên nhà trường, giám sát việc sinh hoạt, ngủ, nghỉ, ăn uống của HS để cùng PHHS quản lý theo dõi bảo vệ trẻ an toàn thôi. Lớp học theo tôi là không gian sáng tạo, giảng dạy của người thầy. Mỗi bài giảng thầy cô có cách giảng riêng để nội dung được đi vào lòng học trò. Không lắp camera cũng là để tôn trọng người thầy, để tôn trọng tính sư phạm của người thầy.
Trong khi đó, trao đổi với báo Gia đình & Xã hội, ông Dương Văn Dân (Trưởng phòng giáo dục quận 8) cho rằng không nên lắp camera một cách đại trà ở các lớp học từ tiểu học trở lên vì hình ảnh của cả lớp có thể bị phát tán, xâm phạm đến quyền trẻ em. Giáo viên sẽ luôn có cảm giác bị theo dõi và tổn thương khi không được phụ huynh và xã hội tin tưởng.
“Hiện các trường chỉ mới dừng ở việc lắp camera tại cổng trường, hành lang, sân trường để quản lý chung. Ở các lớp học, ban giám hiệu phải thường xuyên đi kiểm tra giữa giờ học để nắm bắt tình hình giảng dạy của giáo viên”, ông Dân cho biết.
Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh cho rằng “tác hại của việc gắn camera là rất lớn”. Tâm lý của phụ huynh sẽ luôn đòi hỏi trường phải cung cấp hình ảnh hằng ngày để biết con mình học ra sao, giáo viên thế nào. Đôi khi hình ảnh trên camera không phản ánh hết bản chất sự việc nếu được đưa ra ngoài bối cảnh, dễ sinh ra sự nghi ngờ của cha mẹ với thầy cô. Nhiều phụ huynh có thể liên tục gọi điện, gây áp lực cho trường và giáo viên.
“Thay vì gắn camera, phụ huynh có thể đến trường tương tác nhiều hơn, đăng ký với ban giám hiệu để kiểm tra việc dạy và học ở lớp bất cứ lúc nào. Cha mẹ cũng cần tăng cường trao đổi với nhà trường, giáo viên trong việc giáo dục con em nhiều hơn“, hiệu trường này bày tỏ
Có 1 sự “bất tín” giữa phụ huynh và nhà trường
Nhân vụ việc này, báo Thanh Niên ghi nhận quan điểm của dịch giả Nguyễn Quốc Vương: “Có một sự bất tín đang lan dần giữa GV và phụ huynh, nhà trường. Giáo dục không thể nào thực hiện được nếu như các mối quan hệ tạo nên môi trường giáo dục không tốt đẹp. Chất lượng giáo dục phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ giữa GV và học sinh (HS), nghĩa là chủ yếu nằm ở mối quan hệ giao tiếp giữa GV và HS. Quan hệ giao tiếp này có tốt hay không tùy thuộc vào sự tin cậy lẫn nhau và môi trường dân chủ mà cả hai “tắm” mình trong đó”.
Vì thế, theo ông Nguyễn Quốc Vương, có lắp mỗi lớp 1 camera nữa thì có thể GV sẽ không đánh chửi HS trong lớp nữa nhưng chất lượng giáo dục vẫn thế và HS vẫn cứ lớn lên trong sự thiệt thòi. Hãy cộng tác, giúp đỡ GV trong việc giáo dục con em và tạo điều kiện cho họ hiểu sâu, rộng về thế giới, về giáo dục. Hãy làm sao để họ tự khai sáng và giác ngộ ra bối cảnh đang làm họ đánh mất mình từ đó hồi tâm chuyển ý và nỗ lực thay đổi bản thân.