Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tranh cãi chuyện quán nhậu đập bát và 7 tô mì 49.000 đồng

Các chuyên gia cho rằng, việc mở chương trình khuyến mại, bán hàng lạ để quảng bá thương hiệu của các hàng quán này là sáng tạo, nhưng không tránh khỏi rủi ro.

Để quảng bá thương hiệu, một quán nhậu trên đường Hoàng Sa (Tân Bình, TP HCM) trong ngày khai trương đã cho khách đập bát ngay sau khi uống bia. Tuy nhiên, sau khi chương trình kết thúc, nhiều khách “vui tính” đến quán vẫn tiếp tục đập bát, khiến quán thiệt hại đang kể. Chủ quán đành phải treo bảng thông báo với nội dung: Nếu khách nào làm vỡ một chiếc bát sẽ phải đền 40.000 đồng. 

Giữa thời buổi kinh doanh hàng ăn cạnh tranh gay gắt, một nhà hàng ở quận 5, TP HCM đã nghĩ ra cách bán hàng mới. Theo đó, thay vì bán một tô mì giá 49.000 đồng như các hàng quán khác, chủ nhà hàng chia nhỏ lượng mì này thành 7 tô, với các vị khác nhau, giá bán mỗi tô 7.000 đồng.

Những hình thức bán hàng trên dù được nhiều khách hưởng ứng nhưng cũng gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, chủ quán đã sáng tạo với cách kinh doanh mới lạ, có một không hai. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng đó là chiêu quảng cáo “quá lố” và không đem lại kết quả gì.

bangthongbao1

Nhiều ý kiến trái chiều về các hình thức quảng bá thương hiệu lạ đang được khá nhiều hàng quán áp dụng. Ảnh: Zen Nguyễn.

Song, theo chị Linh, quản lý “quán nhậu đập bát” (tên khách hàng đặt cho quán), mục đích của các chương trình khuyến mại, bán hàng độc đáo là để khách nhớ đến quán sau khi chuyển địa điểm. Khi lên kế hoạch, chủ hàng đã cân nhắc kỹ và nhận thấy không ảnh hưởng quá nhiều đến khách, cũng như doanh thu của quán, do thời gian thực hiện ngắn.

Tuy nhiên, đáng mừng là sau chương trình uống bia đập bát, số lượng khách đến quán tăng hơn so với thời gian đầu. Chị cho biết, dù có một số ý kiến phản đối nhưng chị thấy hài lòng về cách làm thương hiệu của mình. Chị tự tin, ít nhiều chương trình trên sẽ mang lại hiệu quả trong thời gian sắp tới.

Với vai trò là người trực tiếp “tạo scandal” làm thương hiệu để hút khách, chủ quán này nhận xét về cách “bán 7 bát mì 49.000 đồng” của quán ăn ở quận 5, TP HCM là khá thú vị. Bởi bản thân chị cũng khá tò mò và muốn vào ăn thử khi nghe đến chương trình. 

Chị Linh cho rằng, hiện nay, xu hướng ẩm thực mang tính trải nghiệm là chính. Hơn nữa, không phải ai cũng có đủ điều kiện để được thưởng thức 7 món mì với mức giá vài chục nghìn đồng một tô. Do đó, việc chủ hàng chia nhỏ lượng mì này thành 7 tô với các vị khác nhau, bán cùng giá, ngoài kích thích sự tò để khách tìm tới quán, thì cũng thu hút đông khách đến bởi cách “ăn ít nhưng lại ăn được nhiều món”.

Song, chị này cũng cho rằng, chương trình bán 7 tô mì giá bằng 1 tô là không mới. “Trước đó, tại TP HCM cũng có một quán chè làm tương tự. Thay vì bán 1 ly chè, họ chia nhỏ thành các vị khác nhau và tính cùng 15.000 đồng. Cách làm của quán mì chỉ biến tấu từ chè sang mì mà thôi.

“Tuy nhiên, khi làm chương trình khuyến mại, doanh nghiệp nhỏ phải chấp nhận một mất một còn. Khách có quay lại hay không phải phụ thuộc vào thái độ phục vụ của nhân viên, cũng như chất lượng món ăn. Trong khi thay đổi cách thức kinh doanh, rủi ro là điều không tránh khỏi”, chị Linh cho biết thêm.

01

Nhà hàng bán 7 tô mì vị khác nhau bằng giá với một tô chỉ có một vị. Ảnh: Zen Nguyễn.

Còn đánh giá về cách quán nhậu cho khách đập bát, chị Nga, chủ quán “7 bát mì 49.000 đồng” cho rằng, nếu là mình làm chủ quán, chị sẽ không bao giờ cho thực hiện chương trình như vậy.

Theo chủ quán này, việc đập bể bát, đặc biệt trong quán nhậu, sẽ rất dễ xảy ra cự cãi, thậm chí đánh nhau, rủi ro và chi phí là tương đối lớn.

Về quán mì 7 tô của mình, chị Nga chia sẻ, khá hài lòng khi hiệu ứng mang lại quá bất ngờ và tức thì. Mấy ngày gần đây, quán chị luôn kín chỗ, phải từ chối cả trăm khách mỗi ngày.

Chị cũng cho biết, đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ khách hàng và quán đã rút kinh nghiệm về cách chế biến, phục vụ.

Theo chuyên gia e-marketing Nguyễn Phan Anh, về lý thuyết, việc cho khách uống bia đập bát, hay bán 7 tô mì bằng giá một tô đều là chiêu để thu hút sự quan tâm của truyền thông và khách hàng. Các cách làm này đều độc đáo và sáng tạo, chưa có hoặc ít thấy ở Việt Nam.

Mọi việc đều có hai mặt tốt và hạn chế của nó. Nhưng quan trọng nhất là đơn vị kinh doanh phải kiểm soát các phản ứng tiêu cực, kiểm soát “cuộc vui”, tránh xảy ra những rủi ro không đáng có, đảm bảo an toàn cho thực khách. 

“Trong thời đại quảng cáo và truyền thông mạng, cứ độc đáo là có hiệu ứng tức thì. Tuy nhiên, muốn kéo khách và giữ khách, họ phải liên tục tạo ra những chiêu kinh doanh độc đáo như thế này, và kéo dài trong một thời gian nhất định, sau đó nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như khâu dịch vụ, thì chắc chắn sẽ nhiều cơ hội kinh doanh tốt hơn về sau”, ông Nguyễn Phan Anh chia sẻ.

Chuyên gia này cũng khen ngợi về việc bán hàng của chủ quán “7 bát mì 49.000 đồng”. Theo ông, quán đã có cách làm mới sản phẩm không ai nhìn ra được.

Cùng quan điểm, chuyên gia marketing Hà Tuấn Anh, CEO Vinalink cho rằng, cách làm của quán “7 bát mì 49.000 đồng” đáng ca ngợi vì hay và hiệu quả. Riêng chương trình “quán nhậu đập bát”, chuyên gia này nhận định, dù cũng sáng tạo nhưng cách làm trên có phần quá lố, vì đập bát là hành vi phá hoại tài sản. Các đơn vị kinh doanh không nên làm như vậy.

Giám đốc Công ty truyền thông Trăng Đen, ông Nguyễn Ngọc Long, lại bày tỏ, về bản chất, chương trình “quán nhậu đập bát” không xấu. Theo ông Long, những doanh nghiệp vừa và nhỏ cần một cách quảng cáo “bùng nổ”, tận dụng những sự kiện khác người để gây chú ý. 

Ông Phan Anh cũng cho rằng, các đơn vị kinh doanh luôn có sẵn những khoản chi phí cho việc làm thương hiệu. Do đó, việc “đập bát” không nên coi là lãng phí, miễn là chi phí đó chi ra và giúp đơn vị đạt được những mục đích nhất định.

“Tôi cũng rất khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân nên có những cách làm sáng tạo, tạo ra các 'chiêu' hay và thú vị để thu hút khách hàng trong kinh doanh”, ông Phan Anh nói thêm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới