Trang trại đã được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cùng đoàn công tác của Trung ương đến tham quan trong chuyến công tác về thăm hỏi, động viên, tặng quà bà con vùng lũ những ngày cuối tháng 9/2019 vừa qua.
Từng bị cho là khùng
Rời quân ngũ, ông Lê Văn Bình về quê, cùng vợ thuê đất khai khẩn để làm trang trại. Sau gần 30 năm lăn lộn, nếm đủ đắng cay, thất bát …nhưng cũng không thể quật ngã ý chí làm giàu của ông. Đến nay ông đã có một cơ ngơi trang trại tổng hợp với doanh thu 5 tỷ/năm.
Năm 1987, sau khi rời quân ngũ, ông Lê Văn Bình (xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) trở về quê hương. Nhưng lúc này, cuộc sống gia đình khó khăn, ruộng đất hầu như không có, ông nghĩ phải làm gì để phát triển kinh tế gia đình. Thời điểm đó, phần diện tích tại vùng Trại Sét (xã Xuân Mỹ) bị bỏ hoang, cây dại mọc um tùm nên ông đã làm đơn thuê lại vùng đất này.
Năm 1993, ông làm đơn xin xã thầu 5ha đất để làm trang trại. Lúc đó, ông đào ao thả cá, trồng cây ngắn ngày, trồng lúa… Công sức vợ chồng ông bỏ ra cũng bước đầu mang lại thành quả. Năm 1998, ông thuê tiếp 60 ha để làm mô hình vườn - ao - chuồng.
Ông Bình chia sẻ: “Thời điểm đó, nhìn vùng đất hoang vu, tôi cũng chưa xác định được là mình sẽ làm gì. Lúc xin xã thầu lại, vợ con thì hoang mang, anh em họ mạc, bạn bè khuyên can đủ đường…mọi người cứ nghĩ tôi bị khùng nên mới xin làm ở vùng đất chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập này….
Nhưng với sự quyết tâm, ông Bình đã quy hoạch theo vùng để trồng cây, chăn nuôi. Từ một vùng lau sậy, nay vùng đất là một khu trang trại được quy hoạch bài bản với khu trồng cây công nghệ cao, khu chăn nuôi bò, lợn, khu nhà lưu niệm…
Ông cho biết: Trong 100ha trang trại của gia đình hiện nay thì hơn 90 ha trồng cây lâm nghiệp, còn 10 ha dùng để đào ao thả cá, chăn nuôi, trồng cây ăn quả.
Hiện, trang trại của ông nuôi 1.800 con lợn thương phẩm liên kết với doanh nghiệp lớn; 5000m2 trồng dưa vàng, dưa lưới trong nhà màng, vùng trồng cây ăn quả, khu vực nhà lưu niệm…
Nói về việc làm nông nghiệp của mình, ông Bình chia sẻ: “Làm được như ngày hôm nay là do đam mê, tôi cứ làm liều vay vốn để đầu tư vào đất, từng thất bại nhưng tôi tin là mình sẽ làm được. Lúc đầu, tôi trồng rau công nghệ cao, thu nhập cũng khá. Nhưng sau khi tìm hiểu, thấy trồng dưa vàng trong nhà lưới hiệu quả kinh tế hơn nên tôi chuyển sang trồng dưa. Lúc đầu, tôi thuê chuyên gia Israel về hướng dẫn kỹ thuật, sau đó học tập làm theo và cải tiến hơn cho phù hợp với thực tế địa phương và vùng miền”.
Ông Bình cho biết, mỗi năm, ông trồng 4 vụ dưa vàng, dưa lưới, nhưng 3 vụ là chắc ăn, còn một vụ thì năm được năm mất. Lúc đầu, ông chỉ trồng 1.000m2 nhưng sau đó tăng dần và đến nay diện tích trồng dưa đã lên 5.000m2. Mỗi lứa dưa, gia đình ông thu về khoảng 14 tấn quả, mỗi năm ông thu khoảng 50 tấn quả, với giá bán 50 ngàn/kg (bán buôn), còn bán lẻ thì với giá 60 - 70 ngàn/kg. Như vậy, tính ra mỗi năm doanh thu từ dưa của ông hơn 2 tỷ đồng.
“Các chuyên gia cho rằng nếu muốn chắc ăn thì phải thụ phấn hoa hoàn toàn bằng tay. Nhưng vụ vừa rồi, tôi đã thử nghiệm dùng ong để thụ phấn và đã thắng lợi hoàn toàn, đã góp phần giảm được rất nhiều công lao động” - ông Bình chia vui cùng đồng chí Thào Xuân Sùng và đoàn công tác
Trở thành tỷ phú.
Trong chuyến công tác thăm bà con vùng lũ tại miền trung những ngày cuối tháng 9/2019 vừa qua, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng đã tham quan trại mô hình trang trại tổng hợp của ông Lê Văn Bình.
Chủ tich BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng đã khen ngợi, ghi nhận nỗ lực, cách làm sáng tạo trong làm kinh tế của ông Bình để ông đạt được kết quả như ngày hôm nay.
Hiện tại, trang trại của ông đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.
“Mô hình tôi đang hướng tới là làm khu du lịch nông nghiệp, sưu tầm các nông cụ thời xa xưa cha ông làm nông nghiệp để làm khu lưu niệm cho khách đến tham quan, trải nghiệm. Tới đây, tôi sẽ nuôi thêm 5 vạn con gà đẻ nữa” - ông Bình cho biết.
Ông Lê Văn Bình được Chủ tịch Hội NDVN hết lời khen ngợi, người nông dân chất phác dám nghĩ, dám làm đã xây dựng mô hình quy mô, kiên cố, đem lại thu nhập cao cho gia đình, người lao động địa phương.
Những nơi khác họ trồng dưa trực tiếp trên đất, nhưng ông Bình thì trồng trong các bầu. Bởi theo ông, trồng trong đất thì dịch bệnh là không tránh khỏi, lãng phí phân, nước tưới. Để trồng dưa vàng, ông mua xơ dừa về để làm giá thể trồng dưa.
Xơ dừa sau khi mua về sẽ được rửa sạch, sau đó ủ vôi để ngừa nấm bệnh, sau đó xơ dừa được ủ với các loại phân hữu cơ rồi gieo hạt giống vào. Nhờ cách này, dịch bệnh ít hơn hẳn, cây chủ yếu ăn thức ăn nước tưới. Cũng nhờ làm cách này mà đượt mưa lũ vừa rồi nước ngập nhà lưới quá đầu gối nhưng dưa không bị ảnh hưởng nhiều.
Nước tưới cho cây, cũng được xử lý sạch trước khi đưa vào hệ thông tưới cung ứng cho các nhà lưới bằng hình thức nhỏ giọt. Do vậy các mầm mống bệnh sẽ được hạn chế tối đa.
Cũng theo ông Bình, trong suốt 25 năm làm trang trại thì có hai lần gặp biến cố ông không bao giờ quên. Đó là năm 1998, đợt dịch bệnh hỏng mắt trên đàn dê Bách thảo và tụ huyết trùng trên bò. Hàng trăm con gia cầm chết như ngả rạ, đợt này ông thiệt hại gần 400 triệu đồng.
Ông Bình tiếp tục gây dựng lại trang trại lần hai. Đến trận lũ lịch sử năm 2010 một lần nữa cuốn gần như toàn bộ những thứ trong trang trại; xô đổ công trình chuồng trại và hàng chục ha keo… ước tính thiệt hại gần 2 tỷ đồng.
“Lúc này, vợ con hoang mang, chán nản, bản thân tôi cũng có phần nhụt chí, nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ tôi lại quyết tâm làm lại. Và từ đó đến nay, những rủi ro cũng ít hơn và tôi có cơ ngơi như ngày hôm nay” - ông Lê Văn Bình nói.
Hiện, mỗi năm mô hình của ông Bình có hàng trăm đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiêm. Các trường học cho học sinh đến trải nghiệm.
Nhìn trang trại rộng lớn, quy hoạch bài bản, cây cối tốt tươi… không ai nghĩ rằng trước đây chỉ là vũng lầy đầy lau sậy. Với trang trại tổng hợp của ông Bình, doanh thu mỗi năm gần 5 tỷ đồng.