Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Thời cuộc

Trắng đêm, xuyên Tết 'chạy đua' trong phòng xét nghiệm để tìm corona

Những ngày này, các bác sĩ phải chạy đua với thời gian, phân tích hàng trăm mẫu bệnh phẩm mỗi ngày, họ chịu những áp lực rất lớn, không được có sai sót.

Nước ta mới chỉ ghi nhận hơn chục bệnh nhân nhiễm chủng mới của virus corona (nCoV), nhưng để khẳng định được những ca dương tính với virus này thì những nghiên cứu viên xét nghiệm trong cả nước đã phải làm việc xuyên Tết, xuyên đêm, phân tích hàng trăm mẫu bệnh phẩm mỗi ngày.

“Chạy đua” với thời gian để có được kết quả chính xác và nhanh nhất, những người làm công việc thầm lặng này còn phải chịu một áp lực rất lớn không được để xảy ra bất kỳ một sai sót nào về an toàn sinh học.

Tại phòng xét nghiệm sinh học cấp 3 Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương có 3 máy xét nghiệm.

Phòng xét nghiệm để phát hiện chủng mới của virus corona (nCoV) tại khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương không ồn ào như trong các bệnh viện, nhưng tinh thần làm việc của 11 cán bộ nhân viên ở đây luôn khẩn trương, vượt qua nhiều áp lực.

Tiến sĩ Vũ Mai Phương, Trưởng khoa Virus cho biết, 11 nghiên cứu viên làm công việc tìm kiếm virus nCoV trong các mẫu bệnh phẩm đã không có ngày nghỉ nào kể từ Tết nguyên đán đến nay.

“Để làm được việc xét nghiệm bằng giải trình tự gen thế hệ mới, chúng tôi phải làm việc 10 tiếng liên tục. Nếu thời điểm nhận mẫu vào buổi tối thì chắc chắn sẽ phải làm việc xuyên đêm”, Tiến sĩ Phương cho biết.

Các nghiên cứu viên làm việc lại phòng xét nghiệm nCoV.

Chủng mới của virus corona có thể lây nhiễm từ người sang người chỉ sau vài giây tiếp xúc. Không chỉ có tốc độ lây lan nhanh hơn dịch bệnh SARS, virus nCoV còn có thể làm lây nhiễm sang người khác cả trong thời kỳ ủ bệnh, lúc chưa có bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, số người nghi ngờ mắc nCoV cần được xét nghiệm khẳng định rất nhiều và ngày càng tăng. Nghiên cứu viên Phạm Thị Hiền, 16 năm trong nghề xét nghiệm cho biết, từ Tết nguyên đán đến giờ, ngày ít việc nhất cũng rời cơ quan lúc 10 giờ đêm. Sáng hôm sau lại dậy sớm, chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho 2 con nhỏ đang được nghỉ học ở nhà, cháu lớn 10 tuổi kèm cặp em 6 tuổi.

Phạm Thị Hiền chia sẻ, công việc nhiều đến mức có lúc quên cả ăn: “Như hôm mùng 3 Tết, tôi đi trực, chỉ ăn bữa sáng thôi. Công việc nhiều nên quá bữa là bình thường, đến chiều ăn tạm cái bánh và lúc đó mới kịp nhớ ra là chưa ăn gì. Chúng tôi không có khái nhiệm về bữa ăn rõ ràng nữa. Làm việc từ 8 giờ sáng, sớm nhất đến 10 giờ đêm tôi mới được về nhà”.

Còn với nghiên cứu viên Vương Đức Cường, 24 năm làm việc tại phòng xét nghiệm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, dù trước đó trải qua giai đoạn đại dịch SARS năm 2003 nhưng chưa bao giờ thấy công việc lại áp lực như trong đợt dịch bệnh nCoV này: “Chúng tôi đã sẵn sàng mọi tình huống từ trước Tết nguyên đán. Bây giờ vẫn đang cố gắng hết mình cho đến khi hết dịch mới thôi. Chỉ mong dịch nCoV này sớm kết thúc”.

Ngày đầu phát hiện những trường hợp nghi nhiễm nCoV, chưa có “mồi đặc hiệu” để xét nghiệm nhanh, các kỹ thuật viên phải áp dụng phương pháp giải trình tự gen từ 3-5 ngày mới cho kết quả. Quy trình công việc đòi hỏi tỉ mỉ và thận trọng là vậy, nhưng 11 nghiên cứu viên phòng xét nghiệm vẫn không 1 phút lơ là. Dù mỗi lần phải ở trong phòng xét nghiệm khoảng 3 tiếng đồng hồ với bộ quần áo kín mít, nhưng mỗi cán bộ, nhân viên luôn tập trung cao độ để có kết quả chính xác, không được phép nhầm lẫn.

Những nghiên cứu viên phòng xét nghiệm được xem là những người ở tuyến sau nhưng lại quyết định toàn bộ “cục diện của cuộc chiến” với dịch bệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc sớm có kết quả xét nghiệm chính xác có vai trò rất quan trọng để có thể nhanh chóng triển khai các phương pháp cách ly đặc biệt ngay từ giờ đầu và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Ngoài ra còn là căn cứ xác định ổ dịch để khoanh vùng, cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm, từ đó dập dịch kịp thời: “Tôi đánh giá rất cao đội ngũ những người làm xét nghiệm, là những người có nguy cơ lây nhiễm rất cao vì họ phải tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh. Đây là sự hy sinh của ngành y tế”.

Số trường hợp nghi nhiễm nCoV đang tăng lên, đồng nghĩa với công việc của những nghiên cứu viên trong phòng xét nghiệm càng thêm áp lực. Hiện cả nước chỉ có 2 phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Vệ sinh dịch tễ thành phố Hồ Chí Minh nên 2 đơn vị này đang phải chạy đua với thời gian để trả kết quả xét nghiệm sớm nhất có thể.

Hàng ngày, phòng xét nghiệm nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại hỏi về việc bệnh nhân có mắc nCoV không, nếu không thì nhiễm loại virus nào trong số 7 tác nhân virus khác gây bệnh viêm đường hô hấp. Chia sẻ với nỗi niềm mong đợi của các bệnh viện và sự lo lắng của cả cộng đồng, những người làm công việc lặng thầm trong phòng xét nghiệm đang nỗ lực hết mình, chung tay cùng ngành y tế sớm đẩy lùi dịch bệnh, giống như năm 2003, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới khống chế được đại dịch SARS./.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VOV

Được quan tâm

Tin mới nhất
Lời cảnh báo của Duy Mạnh